Nông nghiệp Việt Nam Khuyến nông Canh tác sắn bền vững

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã xây dựng mô hình thâm canh sắn bền vững...
Canh tác sắn bền vững
Phương pháp canh tác sắn bền vững cho phép tận dụng, mở mang diện tích canh tác

Hiện nay, diện tích trồng sắn của tỉnh Thái Nguyên khoảng 4.000ha, năng suất trung bình 154 tạ/ha, sản lượng 57.000 tấn. Tuy nhiên, người dân chủ yếu trồng theo phương thức quảng canh, nên năng suất thấp, đồng thời còn làm đất bị rửa trôi bạc màu, hoang hóa. Mặt khác, nhiều diện tích đất dốc chưa được tận dụng để sản xuất gây lãng phí tư liệu.

Phát triển bền vững

Nhằm mục tiêu xây dựng mô hình canh tác bền vững, hiệu quả, phù hợp với địa hình trung du, miền núi và tập quán canh tác của người dân địa phương, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã xây dựng mô hình thâm canh sắn bền vững. Mô hình canh tác mới đã được triển khai từ năm 2013 tại một số vùng chuyên canh cây sắn ở thành phố Sông Công, các huyện Phú Lương, Định Hóa và Phú Bình.

Từ những kết quả khả quan ban đầu, đến năm nay, mô hình được triển khai từ tháng 3/2015, trồng giống sắn cao sản KM94, với 3 điểm trình diễn, tổng diện tích 31,5ha, gồm 135 hộ nông dân tham gia.

Các hộ tham gia mô hình, ngoài được hỗ trợ 100% về giống, 50% vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc do dự án chuyển giao. Theo đó, ngoài cây sắn người dân sẽ trồng kết hợp với đậu tương, lạc, đỗ... trên đất dốc.

Bà Trần Thị Lan ở xóm Long Vân, xã Bình Sơn, TP Sông Công cho biết, gia đình bà có 9 sào đất dốc, do đất nghèo chất dinh dưỡng nên những năm trước chỉ trồng một ít sắn phục vụ chăn nuôi, còn lại bỏ hoang hóa. Được sự giúp đỡ thực hiện mô hình, toàn bộ diện tích trên đã được gia đình cải tạo trồng hết sắn, đồng thời trồng xen canh lạc, hiện lạc đã cho thu hoạch gần 1 tấn củ. Mặt khác, sắn cao sản KM94 dễ trồng, cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn hẳn so với giống sắn lá tre mà địa phương đang trồng.

Qua kiểm tra thực tế mô hình, các hộ tham gia đã tuân thủ đúng kỹ thuật đề ra như hàng cách hàng 1m, cây cách cây 80cm và trồng xen các cây bộ đậu, lạc…  nhằm cải tạo đất duy trì độ ẩm và trả lại chất hữu cơ cho đất, giữ cho đất không bị bạc màu.

Đến nay, cây sắn sinh trưởng phát triển tốt, không có sâu bệnh phá hoại, tỷ lệ sống đạt trên 95%, với chiều cao cây trung bình 1,7m, đường kính tán 0,7m. Ước tính, năng suất sắn bình quân sẽ đạt khoảng 36 tấn/ha. So với công thức canh tác sắn lá tre trồng thuần đạt 28 tấn/ha thì năng suất của sắn dự án cao hơn 8 tấn/ha.

Ngoài sắn, mỗi ha có thể thu thêm trung bình 17,2 tạ lạc. Việc trồng xen kẽ các loại cây dài ngày và ngắn ngày cũng giúp người dân tận dụng đất, tăng năng suất cây trồng, xây dựng được hệ thống canh tác bền vững trên đất dốc, cung cấp, dự trữ được nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc.

Ông Lý Hồng Ca ở xóm Vàng Ngoài, xã Tân Hòa, huyện Phú Bình cho biết, trước đây, người dân địa phương chỉ trồng riêng sắn mà không kết hợp trồng thêm cây lạc, đỗ. Chính vì vậy mà những vàn đất dốc khó canh tác ngày càng bị sơ cằn, thậm chí bỏ hoang. Việc trồng sắn theo dự án ngoài mang lại lợi ích lớn hơn còn góp phần cải tạo đất, tận dụng, mở rộng diện tích canh tác cho bà con. Chắc chắn, trong thời gian tới, ông Ca sẽ mở rộng thêm được nhiều diện tích để trồng sắn theo phương pháp mới.


10-19-44_12

Ông Nguyễn Văn Lư ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình nhận xét, cách trồng sắn của dự án làm thay đổi tập tục canh tác của bà con. Thông thường, người dân địa phương chỉ trồng sắn theo kiểu tận dụng đất, được chăng hay chớ ở những vị trí khó canh tác. Bây giờ, ngoài mục tiêu cải tạo, mở mang diện tích thì việc sản xuất được sắn trên những diện tích khó khăn sẽ đòi hỏi người nông dân phải gắn với phát triển chăn nuôi.

Nhân rộng mô hình

Bà Chu Thị Hương Giang, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho biết, mô hình trồng sắn xen 2 hàng lạc hoặc đỗ áp dụng việc chăm sóc, bón phân theo đúng quy trình thì năng suất sắn có thể đạt tới 37 tấn/ha, chưa kể mỗi ha còn cho thu hoạch thêm khoảng 7,4 tạ đỗ đen hoặc 17 tạ lạc củ tươi/ha.

Với giá bán thị trường hiện tại, ngoài phần thu từ sắn, có thể thu thêm từ đỗ hoặc lạc từ 17 - 18 triệu đồng/ha, lãi thuần của mô hình trồng sắn xen lạc, đỗ đạt khoảng 45 - 47 triệu đồng/ha, vượt từ 30 - 50% so với trồng sắn lá tre đơn thuần.

Quan trọng hơn, phần chất xanh (thân, rễ, lá) từ cây họ đậu để lại trong đất chuyên canh cây sắn là nguồn phân hữu cơ rất có giá trị (khoảng từ 200 - 500 tạ/ha) để bảo vệ, cải thiện tính chất vật lý cho đất.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên cho biết, mô mình canh tác sắn bền vững tại tỉnh Thái Nguyên có ý nghĩa khoa học và thực tiễn rất lớn, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn..


"Các mô hình thâm canh sắn bền vững không những mang lại giá trị kinh tế trước mắt cho nông dân mà còn giúp cho bà con sản xuất đạt hiệu quả cao mà vẫn bảo vệ đất canh tác, chống xói mòn. Từ kết quả này, Trung tâm Khuyến nông Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch và khuyến nghị việc mở rộng các mô hình canh tác sắn bền vững trong thời gian tới", ông Dũng chia sẻ.
Theo Nongnghiep.vn