Nông nghiệp sạch: Không thể thiếu những “đầu tàu” mạnh (Bài 1)

rước nhu cầu nông nghiệp sạch ngày càng phát triển, nhiều “ông lớn” đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực này với kỳ vọng sớm chiếm lĩnh thị phần trong nước, tiến tới xuất khẩu.

 

Nông nghiệp sạch đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của toàn xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN

Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030 đã xác định phải xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp đối với các hộ sản xuất nông sản thực phẩm.

Cùng với đó là phát huy vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tham gia bảo đảm an toàn thực phẩm. Điều này buộc ngành nông nghiệp phải thực sự coi trọng chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh  và không thể thiếu những doanh nghiệp “đầu tàu” dẫn dắt thị trường.

*Chậm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất

Những năm qua nhiều nghị quyết của Đảng đều xác định mục tiêu phải xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Chính phủ cũng đã có hàng loạt các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa, thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện áp dụng hệ thống Thực hành sản xuất tốt (GMP), Thực hành nông nghiệp tốt (GAP), Thực hành vệ sinh tốt (GHP), phân tích nguy cơ và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) và các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến khác trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nhiều địa phương đã áp dụng các quy trình sản xuất sạch như VietGAP, GlobalGAP, EuroGAP, ASEANGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chế biến thực phẩm.

Hệ thống nhà kính rau mầm, rau thủy canh của VinEco đảm bảo năng suất ổn định, đáp ứng nhu cầu rau mầm sạch trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu vào các thị trường quốc tế. Ảnh: VinEco

Thực tế, những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đã mang lại hiệu quả cao nhờ tạo ra được sản phẩm an toàn, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xuất khẩu và các phân khúc thị trường cao cấp trong nước. Các mặt hàng nông sản, thủy sản xuất khẩu đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU… 

Đến nay, cả nước có 1.480 đơn vị sản xuất áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận với trên 20.700 ha; trong đó sản phẩm áp dụng VietGAP nhiều nhất là trái cây, tiếp đến là chè, rau. Bên cạnh đó cả nước cũng có hơn 200 mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAHP với quy mô hàng nghìn đến mấy trục triệu con/lứa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An….

Hiện có khoảng 560.000 ha liên kết sản xuất theo mô hình “cánh đồng lớn” trên gạo, rau, quả, chè… tạo ra lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao hơn và đồng đều, đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, tất cả những con số trên vẫn chỉ thể hiện ở những mô hình và phần lớn nông dân vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến sản phẩm không đồng đều về giống, phẩm cấp, chất lượng và độ an toàn thực phẩm chưa cao. Điều đó đã khiến nhu cầu thực phẩm an toàn “nóng” lên hàng ngày.

Đứng trước cơ hội của thị trường, nhiều “ông lớn” đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với kỳ vọng sớm chiếm lĩnh thị phần trong nước, tiến tới xuất khẩu.

Những doanh nghiệp, tập đoàn lớn như TH, Hòa Phát, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup… đã có sự đầu tư vào nông nghiệp với quy mô lớn, áp dụng những quy trình sản xuất hiện đại, công nghệ mới và cho ra những thực phẩm sạch có chất lượng cao.

Số lượng doanh nghiệp lớn tham gia vào thị trường nông nghiệp sạch đang gia tăng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, mặc dù số lượng doanh nghiệp không nhiều nhưng các doanh nghiệp đã có sự đầu tư rất lớn. Điển hình nhất là lĩnh vực chăn nuôi, ngành này có sự tăng trưởng nhanh trong 2 năm gần đây là nhờ một số doanh nghiệp lớn đưa công nghệ, thiết bị, giống… vào áp dụng.

Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết thêm, chăn nuôi công nghiệp công nghệ cao đang có xu hướng phát triển mạnh với các tập đoàn kinh tế lớn trong nước và nước ngoài đầu tư như Hoàng Anh – Gia Lai, Hùng Vương, Hòa Phát, Dabaco, Thái Dương, C.P.Việt Nam...

Nhờ đó, lĩnh vực này đã có nhiều thay đổi đầu tư trong phát triển chăn nuôi, có sự chuyển biến khá rõ nét về chất lượng đàn giống vật nuôi, chất lượng sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát tốt hơn.

“Nhiều doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này đã đầu tư từ hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng đã có tác động tích cực, lan tỏa đến đội ngũ sản xuất nhỏ lẻ, trang trại cũng như đánh thức các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Hoàng Thanh Vân cho hay.

Theo ông Hoàng Thanh Vân, tổ chức sản xuất là khâu quan trọng, có sức quyết định sự lan tỏa trong chuỗi liên kết sản phẩm hàng hóa. Hiện đã phát triển những chuỗi sản xuất nhưng vẫn còn ngắt quãng, đặc biệt là khâu giết mổ.

 Đây là khâu làm mất giá trị gia tăng và cũng là khâu dễ bị nhiễu loạn bởi thương lái cũng như các yếu tố thị trường. Nhưng hiện mới chỉ có một vài tập đoàn lớn có ý tưởng tham gia vào lĩnh vực giết mổ tại Việt Nam, còn lại hầu hết là nhỏ lẻ.

Với những khó khăn, rủi ro từ bản chất của ngành nông nghiệp bởi thiên tai, dịch bệnh… nên đến nay mới chỉ có khoảng 1% trên tổng số doanh nghiệp cả nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; trong đó đặc biệt trên 90% số đó là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

(Còn tiếp)

Theo http://bnews.vn/