"Nóng" nhất ở kỳ họp 12 HĐND Tây Ninh: Thị trường Trung Quốc và dịch tả lợn châu Phi
- Thứ năm - 11/07/2019 10:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) diễn ra ngay trước thềm kỳ họp HĐND là vấn đề nóng nhất đang được cử tri tỉnh này quan tâm. Tây Ninh gần như là tỉnh cuối cùng khép lại bản đồ nhiễm dịch trên cả nước khi Ninh Thuận - tỉnh chưa bị dịch không phải là địa phương có thế mạnh chăn nuôi lợn.
Dịch tả lợn châu Phi xảy ra ngay trước thềm kỳ họp HĐND tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Minh Dương
Ông Võ Đức Trong cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã phát hiện thêm ổ dịch tại 2 xã Thành Long và Phước Vinh (huyện Châu Thành). Dịch đang tiếp tục có khả năng nổ ra ở xã Thái Bình (huyện Châu Thành), xã Hòa Hiệp (huyện Tân Biên). Riêng tại xã Hòa Thạnh (huyện Châu Thành) trước đó đã có lợn chết bất thường nhưng qua xét nghiệm thì âm tính với DTLCP.
Trước đó, ổ dịch đầu tiên của tỉnh Tây Ninh xuất hiện tại một hộ chăn nuôi ở huyện Châu Thành. Như vậy, sơ bộ đã có 2 xã đã có dịch và 2 xã có khả năng xuất hiện dịch trên địa bàn huyện Châu Thành và Tân Biên.
“DTLCP hiện đang bủa vây Tây Ninh từ trong nội tỉnh cho tới các tỉnh thành giáp ranh Campuchia. Đây là áp lực rất lớn trong khi nguồn lợn vận chuyển về tỉnh để tiêu thụ và đưa qua Campuchia tiêu thụ cũng nhiều”, ông Trong nói.
Vẫn còn 3.000 hộ dân ở Tây Ninh đang chăn nuôi lợn nhỏ lẻ và chưa đảm bảo an toàn sinh học. Ảnh: Nguyên Vỹ
Điều nguy hiểm nữa là DTLCP có thời gian ủ bệnh rất dài, từ 4 - 19 ngày. Trong thời gian ủ bệnh, lợn đi trên xe trong lúc vận chuyển có khả năng không phát hiện triệu chứng nên khi đưa vào lò giết mổ, ra quầy thịt thì có khả năng bệnh lây nhiễm. Rồi khi mua thịt về ăn mà không thực hiện đúng các biện pháp sinh học, virus bệnh sẽ dễ dàng xâm nhiễm vào chuồng nuôi.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, Tây Ninh hiện có khoảng 80% hộ chăn nuôi trang trại với 200.000 con lợn, số lượng này vẫn đang ổn định. Tuy nhiên có khoảng 40.000 con trên 3.000 hộ dân vẫn đang chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là mối lo rất lớn. Hiện lãnh đạo tỉnh và địa phương tập trung mạnh các giải pháp để khống chế và dập dịch.
Đặc biệt, ông Trong lưu ý người dân người dân khi mua thịt lợn về ăn phải thực hiện ngay biện pháp cách ly, không để cho nước rửa thịt xâm nhiễm vào chuồng trại; tuyệt đối không sử dụng thức ăn thừa của nhà hàng, bếp ăn; tuyệt đối tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học được khuyến cáo.
“Các địa phương trong vùng dịch cũng phải giám sát kỹ khâu giết mổ. Thịt sau khi được giết mổ phải xét nghiệm âm tính với dịch bệnh mới được đưa ra quầy thịt”, ông Trong nhấn mạnh.
Xuất khẩu nông sản của Tây Ninh gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nguyên Vỹ
Một khó khăn khác cũng đang tạo ra áp lực lớn cho nông nghiệp của tỉnh là việc tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, trong khi tình hình tiêu thụ của Nhà máy chế biến trái cây Tanifood còn hạn chế.
Việc xuất khẩu ra nước ngoài gặp không ít thách thức từ việc đảm bảo chất lượng, giá thành đủ sức cạnh tranh các nước có sản phẩm tương tự khi Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do.
Ông Trong cho biết hiện cả nước xuất khẩu hơn 40 mặt hàng nông nghiệp đi 185 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, 80% mặt hàng nông sản là xuất qua thị trường Trung Quốc. Thị trường này trước đây vốn dễ tính, không đưa ra các tiêu chuẩn chất lượng cụ thể, giá cả thì tùy thuộc từng thời điểm. Nhưng từ tháng 6/2019, Trung Quốc bắt đầu đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe.
Nông dân cần sớm thay đổi nhận thức trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu thị trường. Ảnh: Nguyên Vỹ
6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp Việt Nam có tăng trưởng nhưng ngoài gỗ thì các ngành khác đều kém. Kế hoạch chỉ tiêu xuất khẩu các mặt hàng nông sản đang gặp nhiều thách thức. Tây Ninh cũng ở trong tình thế đó khi đang có 4 mặt hàng xuất khẩu gồm gạo, tinh bột mì, cao su và cây ăn trái.
“Tình hình tăng trưởng ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh 6 tháng đầu năm cũng gặp khó khăn là vì thế”, ông Trong giải thích.
Hiện UBND tỉnh đang tích cực chuyển hướng mạnh mẽ trong đầu tư phát triển hạ tầng, thực hiện nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ để nông dân có khả năng sản xuất đáp ứng được nhu cầu thị trường. "Giải pháp sắp tới phải bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của người nông dân trong sản xuất, liên kết sản xuất, vì việc thay đổi nhận thức của nông dân hiện còn chậm", ông Trong cho biết. |