Nuôi TTCT lại gặp khó

Nuôi TTCT lại gặp khó
Đây là vấn đề chính được bàn luận tại hội nghị giao ban Nuôi trồng thủy sản và phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi tại các tỉnh ven biển phía Nam vừa được tổ chức vào đầu tháng 6 tại Kiên Giang.

Vẫn đổ xô nuôi TTCT

Vụ nuôi 2014, giá tôm nguyên liệu những tháng đầu năm luôn cao, nhất là TTCT có thời điểm 120.000 - 140.000 đồng/kg đối với loại 100 con/kg, nên lợi nhuận thu được từ tôm rất lớn. Từ đó, người dân đổ xô nuôi TTCT (do thời gian nuôi ngắn, năng suất cao), khiến diện tích tăng mạnh, lấn lướt so với tôm sú, thậm chí “vượt rào” phá vỡ quy hoạch, xảy ra ở hầu hết các địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng “khủng hoảng thừa”, giá giảm mạnh khi vào chính vụ thu hoạch.

Tại Kiên Giang, diện tích thả nuôi tôm nước lợ từ đầu năm đến nay đạt gần 88.400 ha, với trên 3,3 tỷ con tôm giống. Riêng diện tích thả nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh (TC - BTC) đạt 1.241 ha thì TTCT chiếm tới 1.181 ha. Theo ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang, điều đáng lo ngại hiện nay là TTCT không chỉ lấn lướt tôm sú trong vùng quy hoạch nuôi chung cả hai loài này mà còn “lấn sân” vùng quy hoạch sản xuất tôm sú - lúa. Qua kiểm tra, đã phát hiện 399 ha TTCT nuôi sai quy định, rải rác ở các huyện vùng U Minh Thượng, Hòn Đất, Châu Thành và TP Rạch Giá. Không những thế, ở vùng Tứ giác Long Xuyên một số hộ dân còn lấn chiếm cả rừng phòng hộ để đào ao nuôi tôm TTCT, tổng diện tích 152,8 ha, nhất là TX Hà Tiên với 142 ha. Không chỉ các hộ dân mà ngay cả những đơn vị đầu tư làm ăn bài bản cũng lấn chiếm đất rừng để nuôi tôm (Công ty Vương Quốc Việt chiếm 28,8 ha).

Người dân lo lắng trước giá tôm diễn biến bất thường - Ảnh: Trần Út

Tại Bạc Liêu, diện tích thả nuôi TTCT cũng tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh này cho biết, trong vùng nuôi TC - BTC, diện tích thả nuôi TTCT đã tăng 5.000 ha so với năm 2013. Ngoài ra, trong vùng quy hoạch nuôi tôm sú quảng canh (tôm - lúa), nông dân tự ý thả nuôi khoảng 10.000 ha TTCT. Thả nuôi vậy là sai quy định nhưng cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản yêu cầu cam kết không thả nuôi tiếp, chứ không có chế tài xử phạt.

 

“Cơ hội” tăng dịch bệnh

Theo Cục Thú y, dịch bệnh trên tôm nuôi đang diễn biến phức tạp và có quy cơ bùng phát trở lại ở một số địa phương, nhất là từ cuối tháng 4, tháng 5.

Tại Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay 1.503 ha tôm nuôi bị thiệt hại; trong đó riêng tôm TTCT bị thiệt hại 1.063 ha, chiếm 23% diện tích thả giống và 71% diện tích thiệt hại toàn tỉnh, đa phần liên quan hoại tử gan tụy cấp, một số ít có biểu hiện bệnh đốm trắng.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đề nghị, trước tình hình dịch bệnh như vậy, các đơn vị trực thuộc, ngành nông nghiệp các địa phương cần tập trung quản lý tốt chất lượng con giống ngay từ khâu nhập khẩu tôm bố mẹ, đến quá trình sản xuất, lưu thông, cung cấp ra thị trường. Đặc biệt, phải xử lý mạnh tay đối với các đơn vị làm ăn gian dối, thu mua tôm giống trôi nổi rồi đóng thùng, gắn nhãc mác đơn vị làm ăn có uy tín để trục lợi. Phối hợp giữa các đơn vị chức năng để kiểm tra thức ăn, thuốc thú y và hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tăng cường khuyến cáo người dân ngưng sử dụng Oxytetracycline 3 - 4 tuần trước khi thu hoạch, nhằm đảm bảo không còn tồn dư kháng sinh trong tôm nguyên liệu. Khi tình hình dịch bệnh tôm có dấu hiệu bùng phát trở lại, cần cấp bách triển khai các biện pháp phòng chống, nghiêm cấm người nuôi xả thải, nước ao nuôi bị dịch bệnh chưa qua xử lý ra môi trường. Tiếp tục nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm từ các mô hình nuôi hiệu quả để hoàn thiện quy trình, chuyển giao nhân rộng, hướng đến nuôi tôm bền vững hơn.  

>> Tính đến hết tháng 5/2014, dịch bệnh trên tôm xảy ra tại 232 xã, phường, thị trấn của 60 huyện, thị xã thuộc 19 tỉnh, thành phố; tổng diện tích khoảng 14.000 ha. Đến nay, đã xác định khoảng 5.000 ha bị nhiễm bệnh đốm trắng, 1.700 ha bị bệnh hoại tử gan tụy cấp và một số bệnh khác.

Trung Chánh - Ngọc Trinh
Nguồn: thủy sản việt nam