Nuôi ngựa, nhiều hướng kinh doanh

Nuôi ngựa, nhiều hướng kinh doanh
Hầu hết các loại gia súc nuôi chủ yếu để lấy thịt, riêng chăn nuôi ngựa phục vụ nhiều mục đích: thồ hàng, kéo xe, thể thao, ngựa mi ni để làm cảnh, ngựa bạch để nấu cao… Nuôi ngựa còn có thể thu hoạch huyết thanh đem bán cho các viện nghiên cứu nhân y để chế ra các loại thuốc điều trị vô sinh, bệnh dại, uốn ván…
 

Đến Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi (ở ngoại ô thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), chúng tôi bắt gặp những thảo nguyên xanh ngút ngàn, trên triền đồi là hàng trăm con ngựa đang thong thả gặm cỏ. Trên con đường rải sỏi, thỉnh thoảng gặp những con ngựa đua lao vút đi, để lại thảo nguyên đám bụi mờ đỏ huyền ảo trong sương sớm. 

Câu chuyện của những “Bật mã ôn” 

TS.Nguyễn Hữu Trà, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi và TS.Vũ Đình Ngoan, Trạm trưởng Trạm Nghiên cứu ngựa niềm nở dẫn chúng tôi đi tham quan khu chuồng trại. Ông Trà cho biết, tiền thân của Trung tâm là Trạm thí nghiệm ngựa Bá Vân, sau này được nâng cấp lên thành Trung tâm, trực thuộc quản lý của Viện Chăn nuôi quốc gia. Hiện, nơi đây lưu giữ khoảng 150 con ngựa giống gốc cấp quốc gia và chăn nuôi hàng trăm con ngựa giống. 

Ông Ngoan dắt ra một con ngựa to lớn, chiều cao vai tới 1,6m (nếu tính từ trán xuống phải 2,4m), chiều dài thân 1,7m, ước nặng khoảng 500kg, khoe: “Đây là giống Cabardin thuần chủng. Ngựa chiến thời xưa ở Trung Quốc, ngựa Xích Thố mà Quan Vũ cưỡi cũng thuộc giống này”. Năm 1964, Chính phủ cho nhập 8 con ngựa Cabardin từ Liên Xô (cũ) về nuôi thích nghi tại Bá Vân. Đến năm 2000, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho nhập 3 con ngựa Cabardin từ Hắc Long Giang (Trung Quốc) về nữa. Từ nguồn gen quý đó, Trung tâm đã thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước: “Nghiên cứu chọn lọc và lai tạo giống ngựa địa phương với giống ngựa Cabardin phục vụ dân sinh và quốc phòng”. Kết quả, tạo được dòng ngựa lai 25% máu Cabardin và 75% máu ngựa bản địa, thích nghi nhất trong việc thồ hàng ở nước ta. Dòng ngựa lai này có chiều cao vây 123 - 128cm, dài thân 123 - 125cm, trọng lượng 238 - 246kg, sức kéo hàng 900 - 1.000kg, thồ hàng 70 - 80kg, thích ứng rất tốt với điều kiện nuôi dưỡng, quản lý và sinh thái ở nước ta. “Ngựa Cabardin to khỏe, nhưng ngựa bản địa lại khéo léo hơn, bởi vậy ngựa lai phù hợp để kéo xe vận chuyển gạch, cát, xi măng. Với đồng bào ở miền núi cần ngựa làm phương tiện đi lại hoặc thồ nông sản thu hoạch từ nương về nhà, thì giống ngựa này rất phù hợp. Miền núi không bao giờ bỏ được ngựa, vì nhiều chỗ địa hình hiểm trở, không thể làm đường cho xe máy lên được. Những năm qua, xe máy đã được đồng bào mua sắm nhiều, nhưng thống kê cho thấy, đàn ngựa không giảm”, TS.Ngoan chia sẻ. 

Đến nay, đã có 20.000 con ngựa lai 25% máu Cabardin đang được người dân các tỉnh miền núi nuôi (chiếm 17,86% tổng đàn ngựa trong cả nước) phục vụ sản xuất và đời sống. 
 

Hiện, TT Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi miền núi đang lưu giữ nhiều giống ngựa quý.


TS.Trà cho biết, ngựa đua cũng là sản phẩm được ưa chuộng, nên giá bán khá cao. Ở Việt Nam, nhiều địa phương thường tổ chức đua ngựa mỗi dịp Tết đến, xuân về. Giống ngựa Việt Nam tầm vóc nhỏ, nếu chạy nhanh cũng chỉ 25 - 28km/giờ, kém xa so với tốc độ ngựa đua trên thế giới. Vì vậy, từ năm 2007 đến nay, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi đã thực hiện đề tài khoa học: “Nghiên cứu tạo nhóm ngựa lai phục vụ thể thao, du lịch”. TS.Trà bảo: "Những con ngựa đua có giá cả triệu USD. Không có tiền để nhập ngựa thành tích cao về Việt Nam nên chúng tôi đành mua tinh của loại ngựa này". Theo đó, Trung tâm đã nhập 72 cọng tinh ngựa đông lạnh thuộc 2 giống Westgale và Oldenbuger từ CHLB Đức, mỗi cọng giá 500 - 800 USD. Nguồn này được phối giống với ngựa lai 25% máu Cabardin, cho ra dòng 3 máu, ngoại hình đẹp, đạt thành tích chạy 40-43 km/giờ, bằng 83% so với ngựa bố. Trạm đang có kế hoạch nhập tiếp tinh ngựa đua về phối giống với ngựa lai đua để sản xuất ra ngựa có 75% máu ngựa đua. “Khi biết Trung tâm đã lai tạo được ngựa đua, nhiều đại gia trong Nam ôm cả bọc tiền bay ra đây ngắm ngựa rồi nằng nặc đòi mua nhưng ban lãnh đạo đơn vị phải từ chối vì số lượng ngựa dòng này sản xuất ra chưa nhiều, còn phải để lại để tiếp tục nghiên cứu”, ông Trà tiết lộ.

Triển vọng ngựa cảnh

Lai tạo ngựa đua mất nhiều chi phí và thời gian, nhưng huấn luyện chúng còn kỳ công hơn. Ở đây chúng tôi được gặp những chàng “Bật mã ô­n”, công nhân của trạm ngựa. “Nài” Dương Văn Quốc cho tôi làm quen với những con ngựa mang tên: Châu Phi, Sao Chổi, Mi Hót, Hồng Nhung, Nhài Thơm… Anh dắt con Châu Phi ra khỏi chuồng. Vừa thoát khỏi chuồng, nó đã lao bắn đi trên đường sỏi. Quốc cho hay: “Con Châu Phi này đang dẫn đầu về tốc độ chạy trong đàn ngựa ở Trạm, với 45 km/giờ. Nó đã từng được đưa xuống trường quay Cổ Loa tham gia đóng phim “Thiên mệnh anh hùng”. Nó khôn đến nỗi bình thường thả trên bãi, đến giờ ăn là tự động về, gõ móng xuống như một ám hiệu đòi ăn”. Mỗi ngày công nhân huấn luyện từ 3-4 con ngựa. Huấn luyện phải có những bước làm quen kỳ công, từ việc xoa tắm, chải lông, phải nhẹ nhàng và dứt khoát. Bước vào chuồng để làm bất cứ động tác gì cũng phải đi từ hướng thẳng với mặt nó để con vật nhìn thấy, chứ ở đằng sau tiến tới dễ “xơi” nguyên cả đôi vó ngựa. Lúc trưởng thành, ngựa đua phải được đưa vào giá chịu lực tập cưỡi. Gặp con bất kham, phải đem xuống suối, nước ngập ngang lưng để chúng không đá được rồi luyện.

TS.Trà cho biết, xã hội cũng đang có nhu cầu về ngựa cảnh. Dân gian có câu “Nhất khuyển nhì mã” hoặc “khuyển mã tri tình”, nói về sự trung thành, gắn kết với con người của 2 giống vật nuôi này. Ngựa cảnh là loại ngựa tầm vóc nhỏ, quy định khi trưởng thành lúc 5 năm tuổi chiều cao không được quá 0,8m. Ngựa mi ni có nhiều màu lông hấp dẫn: đen, xám, trắng bạch, hồng, màu da hoẵng, màu hạt dẻ, đốm trắng. Đặc biệt, giống ngựa Pony trọng lượng khi trưởng thành chỉ 30kg, tức là chỉ bằng con chó. Ngựa mi ni còn được huấn luyện làm các công việc giúp đỡ con người: cho trẻ em cưỡi, “dẫn đường” cho người khiếm thị, người già. 

Ngựa cảnh tuy mới xuất hiện tại Việt Nam nhưng đã được nhiều người ưa thích. Một trong những người đi đầu trong phong trào nuôi ngựa mi ni là anh Phạm Huy Hoàng, làm trong lĩnh vực du lịch tại Bãi Cháy (Quảng Ninh). Anh nhập 2 con ngựa loại này với giá 45 triệu đồng nhưng ban đầu do chưa quen cách chăm sóc nên 1 chú ngựa đã chết. Theo anh Hoàng, ngựa mi ni chưa quen với điều kiện khí hậu Việt Nam nên dễ ốm, thế nhưng nước ta không có bác sỹ thú y chuyên về ngựa. Trên thị trường, những chú ngựa Pony xuất xứ từ Mỹ, Canada..., hình thức đẹp có giá 3.000 - 10.000 USD. Theo giới kinh doanh, phần lớn ngựa Pony đang được nuôi ở Việt Nam hiện nay chủ yếu nhập từ Trung Quốc với giá 20-25 triệu đồng/con. Những con ngựa này thường cao hơn, gày và lông kém mượt so với những con ngựa được sinh ra tại châu Âu hoặc châu Mỹ. Năm 2009, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chăn nuôi miền núi được Tổng cục 5 giao cho 5 con ngựa mi ni do cơ quan này nhập về để thí nghiệm. Tuy nhiên, đến nay, chiều cao vây của chúng đều đã hơn 1m, tức là không thể đạt tiêu chuẩn để làm ngựa cảnh. “Mục tiêu đón đầu trào lưu nuôi ngựa cảnh để cung cấp giống của chúng tôi tạm thời thất bại. Hiện Giám đốc Trung tâm đang nhờ người thân ở nước ngoài “xách tay” hộ vài con ngựa siêu mi ni về mà vẫn chưa được”, ông Trà chia sẻ. 

TS.Trà cho biết, ngựa nuôi tại Trung tâm còn để lấy huyết thanh bán cho các viện nghiên cứu chế biến thuốc nhân y. Ở nước ta, nhiều chế phẩm sinh học đã được nghiên cứu thành công từ con ngựa như: huyết thanh ngựa chửa dùng để điều trị vô sinh, huyết thanh kháng bệnh dại, huyết thanh chống uốn ván, sinh khối B12 từ bột hồng cầu ngựa thuỷ phân làm thuốc bổ cho người và gia súc... Ngoài ra, Trung tâm cũng nghiên cứu và nhân giống ngựa bạch cung cấp cho người nuôi ngựa ở miền Bắc. Chăn nuôi ngựa bạch đang phát triển ở nhiều địa phương, đáp ứng nhu cầu nấu cao, vì cao xương ngựa bạch là loại thực phẩm chức năng được ưa chuộng.

 

Chu Khôi

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn