Nuôi thủy sản Hà Tĩnh - “Chủ động” để thành công

Nuôi thủy sản Hà Tĩnh - “Chủ động” để thành công
Năm 2015, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng xác định là cột mốc quan trọng để hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Toàn ngành sẽ tập trung đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiệu quả và phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện quyết liệt tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Nông nghiệp, nông thôn Hà Tĩnh năm 2014, đã gặt hái được nhiều thành công. Trong đó nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh được đánh giá là phát triển mạnh mẽ chưa từng có từ trước tới nay cả về chiều sâu và chiều rộng. Tuy nhiên, thực trạng về con giống, công nghệ, dịch bệnh, thị trường, hạ tầng và vốn sản xuất vẫn là những vấn đề khó khăn; đã và đang được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ nông nghiệp, nông thôn, ngành thủy sản năm 2015 và những năm tiếp theo, những vấn đề trên vẫn tiếp tục được bàn đến, trên cơ sở tăng cường tính “ chủ động”.
Kỳ 1. Chủ động con giống – Hà Tĩnh “ Khuyến khích và Mời gọi ”
Năm 2014, Hà Tĩnh thả nuôi 400 triệu giống tôm, khoảng 60 triệu giống cá nước ngọt và một lượng lớn các giống nhuyễn thể, giống thủy đặc sản khác. Thế nhưng, hiện nay số lượng và chất lượng các cơ sở sản xuất và ương dưỡng giống vẫn còn thiếu và yếu, kém. Trên địa bàn tỉnh có 03 cơ sở cung cấp tôm giống (02 cơ sở ương dưỡng, 01 cơ sở  vận chuyển trực tiếp giống từ ngoại tỉnh về bán cho các hộ nuôi không qua ương dưỡng), 02 cơ sở ương dưỡng cung cấp được gần 82 triệu con, trong đó cung cấp nội tỉnh 39,13 triệu con bằng 11,18% tổng số giống thả nuôi, còn 88,82% số giống mua nhập từ bên ngoài, chủ yếu từ các tỉnh Nam Bộ. Có 03 cơ sở sinh sản và ương dưỡng giống thủy sản nước ngọt được 42,8 triệu con, đáp ứng gần 60% nhu cầu, số còn lại mua từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa... Giống nhuyễn thể vá các đối tượng cá biển, hải đặc sản khác: Chủ yếu từ khai thác tự nhiên và thu mua ở một số tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định...
 Lượng con giống chất lượng được sản xuất và cung cấp cho bà con ngay trên tỉnh nhà chỉ đáp ứng từ 20-30% nhu cầu. Lượng lớn còn lại thì phải mua từ các tỉnh khác, quá trình vận chuyển đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con giống. Từ việc đóng gói, điều kiện vận chuyển và rồi quá trình thuần hóa cũng như sự thích ứng ban đầu với những thay đổi của môi trường nước ao nuôi, điều kiện khí hậu đã làm cho con giống bị sốc, là nguyên nhân làm thất thoát giống và đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến quá trình hồi sức đảm bảo cho sự tăng trưởng phát triển trở lại của đối tượng. Không sản xuất được phải mua, không thể kiểm soát được chất lượng con giống bố mẹ, đặc biệt hiện nay một số trại giống vẫn còn hiện tượng cho đẻ quá lứa và xuất bán khi con giống chưa đạt kích cỡ yêu cầu. Vì mua xa, không ít cơ sở nuôi chỉ dựa trên uy tín của công ty mà không đi đến tại cơ sở sản xuất giống để kiểm tra chất lượng giống. Giống nhuyễn thể được sản xuất tại địa bàn thì kích cỡ cung cấp cho các hộ dân còn quá nhỏ do không có bãi ương và một ít nữa lại được bán ra các tỉnh ương dưỡng sau khi đạt kích cỡ phù hợp mới phân phối lại cho bà con. Và phần nhiều vẫn còn kết luận vào vấn đề may rủi, từ những người nuôi tôm lâu năm hay những người mới bắt đầu nghề nuôi. Sự kết luận đó đã phần nào làm giảm nhẹ giá trị, vai trò quyết định sự thành công của vụ nuôi từ con giống. Vì vậy mà hàng năm nhiều lô giống phải xã bỏ, không những mất kinh phí mua giống còn kéo thêm hệ lụy về kinh tế, môi trường và xã hội từ việc xử lý hậu quả của nó. Vì vậy, một số nhiệm vụ trước mắt và lâu dài đặt ra cho ngành nông nghiệp và bà con tỉnh nhà như sau:
* Đối với người sản xuất:
Con giống chất lượng phải được sản xuất từ con bố mẹ khỏe mạnh và được nuôi dưỡng, chăm sóc đúng quy trình. Khi xuất bán phải có kiểm dịch các bệnh, dịch cơ bản. Người nuôi hiện nay đánh giá con giống dựa trên 02 tiêu chí: Uy tín của cơ sở sản xuất là sự tin dùng và chấp nhận của người nuôi và chất lượng con giống, dựa trên kết quả đánh giá cảm quan, xét nghiệm các loại bệnh dịch nguy hiểm và sốc. Người dân cần nắm vững các căn cứ về tiêu chuẩn con giống và bằng những kinh nghiệm có được của mình mà lựa chọn các lô giống đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó bà con cũng cần có sự chủ động liên kết với các cơ sở sản xuất có uy tín để thực hiện kế hoạch sản xuất được thuận lợi hơn.
Bà con cần tính toán và bố trí công trình, thời gian để ương dưỡng giống trước khi thả nuôi. Nhằm ổn định chất lượng giống trước khi thả nuôi. Thời gian ương dưỡng có thể từ 30-45 ngày. Đây cũng là giai đoạn ủ bệnh của con giống. Kích cỡ giống lớn sẽ góp phần giảm hao hụt. Đồng thời thời gian ương ban đầu sẽ giúp chúng ta quản lý  thuận lợi hơn, kể cả khi có bệnh dịch phát sinh trong trường hợp con giống có vấn đề về chất lượng. 
 
Ảnh. Ương cá giống để thả nuôi bằng lồng trên sông và hồ chứa
* Đối với Sở, ngành:
- Nhiệm vụ được đặt ra trước mắt đó là:
Tăng cường công tác là tuyên truyền, vận động bà con nhận thức đúng về vai trò con giống. Cần tổ chức nhiều hơn các cuộc tập huấn, hội thảo cũng như các diễn đàn để bà con có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và tạo điều kiện để người dân và các các công ty, doanh nghiệp sản xuất giống có uy tín chất lượng tiếp cận nhau.
Thực hiện tốt việc quản lý giống thuỷ sản theo quy định tại Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22/5/2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trên cơ sở cân đối nhu cầu giống, tiến hành rà soát các trại sản xuất giống, cơ sở ương giống trên toàn tỉnh, tổ chức tốt việc cho sinh sản và ương giống. Từng bước nâng cấp và hoàn thiện các trại giống hiện có. Nâng cao chất lượng các loài cá đang sinh sản hiện nay. Đối với giống tôm: Tập trung chỉ đạo công tác ương dưỡng con giống của các trại tôm giống (Trại Xuân Phổ - Công ty TNHH Thông Thuận; Trại Cương Gián). Tăng cường công tác khảo sát các cơ sở cung ứng tôm giống có chất lượng, uy tín như Công ty CP, UP, Việt Úc... để khuyến cáo cho người dân. Đối với giống cá nước ngọt và thuỷ sản khác: Tổ chức tốt sản xuất giống nước ngọt tại trại Đức Long và phát triển mạng lưới sản xuất, ương dưỡng giống trong nhân dân. Từng bước thực hiện xã hội hoá sản xuất giống thuỷ sản truyền thống và đẩy mạnh nghiên cứu, du nhập, chuyển giao công nghệ các giống mới có năng suất và giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh., Tiếp tục phát triển nhanh hệ thống ương cá giống cấp 2, cấp 3 để chủ động các loại giống phục vụ các loại hình nuôi. Khuyến khích các cơ sở (hộ gia đình, HTX, THT) sản xuất giống thuỷ đặc sản như cá lóc, ếch, ba ba, lươn… duy trì phát triển sản xuất phục vụ kịp thời nhu cầu nuôi của người dân trong tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm dịch con giống trong tỉnh cũng như nguồn giống nhập vào tỉnh; xử lý những lô giống không bảo đảm chất lượng. Triển khai tốt nhiệm vụ kiểm soát chất lượng con giống.
Khuyến cáo các vùng/cơ sở nuôi liên kết với các cơ sở sản xuất giống tôm, cá trong việc cung ứng giống; ký kết hợp đồng để tăng trách nhiệm của người sản xuất giống trong việc đảm bảo chất lượng con giống tôm, cá đồng thời giúp cho việc quản lý chất lượng giống từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ được tốt hơn
- Nhiệm vụ về lâu dài: Về lâu dài ngành phải đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, tạo các điều kiện, có các chính sách thuận lợi nhất để thu hút, mời gọi các doanh nghiệp, công ty có uy tín trong và ngoài nước về lĩnh vực sinh sản giống thủy sản vào địa bàn đầu tư sản xuất.
Những năm qua ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã ra sức mời gọi và thu hút được một số công ty sản xuất giống thủy sản chất lượng vào đầu tư trên địa bàn như Công ty CP Thủy sản Thông Thuận Hà Tĩnh tại thôn Song Long (Cương Gián - Nghi Xuân), với tổng diện tích gần 7 ha và vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng. Hàng năm, theo dự tính cơ sở này sẽ đảm bảo cung cấp từ 3-3,5 tỷ con giống cho bà con. Công ty sản xuất và nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương với kế hoạch hàng năm công ty sẽ thả nuôi khoảng 60 nghìn con cá mú, 75 nghìn con cá bơn thương phẩm và trên 5 triệu con tôm giống trên diện tích 5ha, tại thôn An Phúc Lộc, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân với số vốn đầu tư khoảng 36 tỷ đồng. Vào tháng 2 năm 2015, công ty sẽ phấn đấu thả lứa giống đầu tiên.
Con giống được Hà Tĩnh xác định là yếu tố then chốt để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành. Phát triển sản xuất con giống thủy sản chất lượng còn nhiều thách thức lớn, song đó cũng là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong những năm tới. Hà Tĩnh đã, đang và sẽ tiếp tục mở rộng cơ chế, chính sách nhằm thu hút và mời gọi các nhà đầu tư.
( Còn nữa).
Kim Thịnh
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh