Nuôi tôm '3 sạch' có nhiều ưu việt

Nuôi tôm '3 sạch' có nhiều ưu việt
Mặc dù mới thử nghiệm 2 năm nay nhưng “vua tôm” Vũ Văn Đức khẳng định, quy trình nuôi tôm “3 sạch” có nhiều ưu việt, dịch bệnh cơ bản được khống chế, năng suất tăng đáng kể...

 

Thu hoạch tôm tại đầm tôm của ông Đức

Thu hoạch tôm tại đầm tôm của ông Đức

“Say” con tôm như điếu đổ

Ông Vũ Văn Đức ở phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An được ví là “vua tôm”. Người nuôi tôm nơi đây khẳng định, 17 năm qua chưa bao giờ thấy ông Đức trắng tay vì con tôm. Có những năm, nhiều hộ tôm chết trắng đầm, thua lỗ tiền tỷ thì ít nhất ông cũng hòa vốn. Hiện ông là một trong những người nuôi tôm “cứng” nhất xứ Nghệ với 12ha ao lắng, ương dèo và nuôi tôm; lãi ròng/năm lên đến 4 - 5 tỷ đồng.

Bí quyết thành công của ông Đức là bởi ông rất “say” con tôm, ham học hỏi, biết lắng nghe và không ngại thử nghiệm để tìm ra công thức tối ưu nhất trong nuôi tôm. Bởi thế, người ta không thấy ông bỏ bất cứ một buổi tập huấn, hội thảo nào mỗi khi có cơ hội .

Năm 2000, khi mà nuôi tôm thâm canh ở xứ Nghệ mới manh nha thì ông Đức đã bỏ rất nhiều thời gian để ra Hà Nội nghe các chuyên gia truyền đạt kỹ thuật nuôi thâm canh tôm sú. Sau đó là những chuyến điền dã từ Bắc vào Nam để được tận mắt chứng kiến, học hỏi các mô hình nuôi tôm tiên tiến. Chính ông là người đã mạnh dạn đưa tôm thẻ chân trắng, một vật nuôi “ngoại lai” về nuôi. Sự thành công của ông đã khiến nhiều người phải ngả mũ kính phục.

Khi đã có thu nhập khá từ con tôm thẻ chân trắng, trong những chuyến được mời đi du lịch Thái Lan cùng với Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, một mình ông tách đoàn, tìm về những vùng nuôi tôm thâm canh tiên tiến nhất đất nước này. Những chuyến đi đó đã giúp ông tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm quý báu mà không phải ai cũng có thể có được.

Dù ở nhà hay bất cứ nơi đâu, những cuộc điện thoại của bà con nuôi tôm trong vùng thường xuyên gọi đến nhờ ông tư vấn tình hình dịch bệnh tôm. Vị “bác sĩ” không bằng cấp này “bắt mạch” qua miêu tả và tư vấn nhiệt tình. Cả 4 đứa con đều tin tưởng ông tuyệt đối, mỗi khi có dịch bệnh trên tôm thì đều chạy về hội ý cùng bố để tìm nguyên nhân, cách khắc phục.

 

Nuôi tôm “3 sạch”

Ngay khi bước vào nuôi tôm thâm canh, ông đã để trên 50% diện tích đầm làm hồ lắng. Và đến nay, trong số 12ha đầm tôm, diện tích thực nuôi tôm thương phẩm chỉ 3,2ha, số còn lại là hồ ương dèo tôm. Tôn chỉ nuôi tôm 17 năm của ông Đức là “nói không với kháng sinh”, chỉ có thể phát triển bền vững nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học. Thế nhưng, khi mọi người đang đi theo hướng nuôi trồng này thì ông lại rẽ qua một lối đi khác. Theo ông, nó mang lại hiệu quả đến bất ngờ.

09-40-02-2101129218
Ông Đức (đội mũ) kiểm tra ao ương dèo

 

“Nuôi sinh học nói chung và nuôi tôm bây giờ cần rất nhiều diện tích hồ lắng. Và chỉ có thể lắng lọc tốt, phòng ngừa tốt thì mới đảm bảo mầm bệnh không xâm nhập. Trên cơ sở nuôi tôm sinh học, hiện tôi đang thực hiện nuôi tôm 3 sạch bao gồm nước sạch, đáy sạch và cho ra tôm sạch”, ông Đức cho biết.

Với quy trình này, xử lý nước trước khi nuôi là quan trọng nhất. Theo đó, hồ nuôi sẽ được xử lý bằng thuốc tím và PAC, sau đó khử trùng bằng clorin tại ao sẵn sàng trước khi được lắng lọc qua túi lọc, đưa vào ao nuôi. Quy trình này đòi hỏi người nuôi tôm phải có kinh nghiệm để đảm bảo tỷ lệ các hóa chất phù hợp với tình trạng từng loại nước trước khi xử lý, giúp giảm lượng hữu cơ hòa tan trong nước đến mức 3 PVM. Dung dịch clorin sẽ giúp xử lý mầm bệnh đốm trắng được các vật trung gian mang trên mình… Căn cứ vào tình hình nước ao nuôi, cứ 3 - 5 ngày, các đầm tôm phải được thay nước với lượng nước thay từ 30 - 50% lượng nước trong ao nuôi.

Việc thay nước phải đảm bảo thường xuyên, liên tục kể từ khi bắt đầu xuống giống đến khi xuất bán, hàng ngày phải làm sạch đáy ao. Để đảm bảo quá trình thay nước dễ dàng, diện tích ao nuôi nên chỉ khoảng 2.000m2; đáy ao xử lý, ao sẵn sàng, ao nuôi đều được lót bạt tránh quá trình tích tụ hữu cơ đồng nghĩa với tích tụ các bào tử trùng, mầm gây bệnh. Theo quy trình này, tuyệt đối không cần dùng kháng sinh, giảm khoảng 70% chi phí đầu tư so với nuôi tôm sinh học nhưng tỷ lệ tôm “rơi đáy” giảm hắn.

“Đặc điểm của quy trình nuôi này là máy quạt nước sử dụng với tần suất ít nhưng phải bổ trợ thêm sục khí ô xy. Tỷ lệ tỷ lệ tôm “rơi đáy” từ 20 - 30% xuống còn 1 - 2%; có thể tăng mật độ nuôi và kéo dài thời gian nuôi, tăng trọng con tôm, tăng giá bán, thậm chí ghim hàng chờ tăng giá…”, ông Đức chia sẻ.

Hai bước trên xử lý tốt cộng với việc không sử dụng kháng sinh khi nuôi sẽ cho sản phẩm tôm sạch, đạt chất lượng.

Năm 2015, trong khi gần 80% hộ nuôi ở Quỳnh Xuân thua lỗ vì bệnh trên tôm thì ông vẫn đạt gần 20 tấn/ha (vụ 1). Năng suất tôm vụ 1 năm nay của gia đình ông đạt 25 tấn/ha. Tính ra, với 3,2ha tôm thẻ chân trắng, vụ 1 năm nay ông “đút túi”trên 5 tỷ đồng.

“Thay vì sử dụng kháng sinh, vừa đắt đỏ, vừa độc hại hay sử dụng vi sinh, tôi sử dụng thuốc tím với nồng độ 3 - 5 PVM, tức là 3 - 5kg/1.000m3 nước; 10 - 20kg PAC/1.000m3 nước; 10 - 15kg clorin/1.000m3 để xử lý nước trước khi nuôi. Trong suốt quá trình nuôi, nước liên tục được xử lý ngoài ao xử lý, chuyển qua ao sẵn sàng để thay vào ao nuôi. Hiệu quả rõ rệt, tôm chết và tỷ lệ “rơi đáy” giảm hẳn; năng suất, chất lượng tôm thương phẩm tăng lên”, ông Vũ Văn Đức.

 

Theo Văn Dũng/nongnghiep.vn