Nuôi tôm VietGAP, hướng đi bền vững

Theo đánh giá chung, nuôi tôm theo hướng VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật...
Nuôi tôm VietGAP ở Nghệ An bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Trên địa bàn các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TX. Hoàng Mai... (Nghệ An) có hàng trăm hộ nuôi tôm nước lợ tự phát nên thường phải đối mặt với nhiều rủi ro. Vì thế, việc áp dụng nuôi theo quy trình VietGAP (SX nông nghiệp tốt) được coi là giải pháp số 1.
Ông Ngô Xuân Đại ở xóm 4, xã Diễn Trung, Diễn Châu trước đây nuôi tôm theo hình thức quảng canh truyền thống nên hiệu quả không cao, thậm chí nhiều vụ thiệt hại nặng nề do dịch bệnh. Trăn trở suốt một thời gian dài, ông Đại quyết định chuyển hướng sang nuôi tôm VietGAP và nhanh chóng gặt hái được thành công.
“Năm 2011 tôi áp dụng nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Ban đầu gặp nhiều trở ngại nhưng được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ chuyên ngành thủy sản, tôi dần hoàn thiện mô hình, ao nuôi đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về nồng độ pH, chất lượng nguồn nước, con giống đảm bảo”, ông Đại nói.
Phương pháp nuôi mới giúp gia đình ông thu hoạch 43 tấn tôm trên diện tích 3 ha (trước đó chỉ đạt từ 37 - 40 tấn/ha), thời gian nuôi được rút ngắn đáng kể từ 75 - 80 ngày xuống còn chưa đầy 70 ngày.
Năm 2012 diễn biến thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh hoành hành dữ dội khiến nhiều hộ dân lao đao, nhưng riêng đầm tôm nhà ông vẫn bình an vô sự, năng suất khá. Đến năm 2013 mô hình của ông được Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản cấp giấy chứng nhận đủ tiểu chuẩn VietGAP.
“Thành công bước đầu của ông Ngô Xuân Đại nhanh chóng tạo nên "hiệu ứng dây chuyền", củng cố thêm niềm tin cho nhiều hộ dân tham gia áp dụng quy trình mới”, ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An đánh giá.
"Dự án CRSD hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền để người dân tự chuyển đổi sang các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, thân thiện với môi trường, khuyến khích đa dạng các loài nuôi có giá trị và tiềm năng. Đối với các hộ tiếp tục nuôi tôm VietGAP, dự án sẽ hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, an toàn sinh học và xây dựng hệ thống truy nguyên nguồn gốc thông qua mối liên kết với các cơ sở SX giống và các đơn vị chế biến, XK thủy sản", ông Trần Xuân Học, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Nghệ An.
Được sự hỗ trợ từ dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát bền vững (CRSD), sau 3 năm (2013 - 2015) Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An đã xây dựng thành công vùng nuôi tôm thẻ chân trắng quy trình VietGAP (mỗi vùng được hỗ trợ 4 - 5 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng) trên địa bàn các xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Yên (Quỳnh Lưu); Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân, Quỳnh Dị (TX. Hoàng Mai) và Diễn Trung (Diễn Châu) với tổng diện tích 220 ha.
Mỗi vùng nuôi lựa chọn 1 mô hình làm điểm, nhờ triển khai bài bản, đúng quy trình nên phần lớn các hộ đều thu được kết quả khả quan.
Tiêu biểu phải kể đến hộ anh Nguyễn Văn Nhân (xã Quỳnh Lộc, TX. Hoàng Mai), trên diện tích 4.400 m2, anh thả 440.000 con tôm giống của Cty TNHH Giống thủy sản Việt Úc, chỉ sau 69 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 100 con/kg, tỷ lệ sống 100%. Tổng sản lượng đạt gần 5 tấn, trừ chi phí lãi ròng 250 triệu đồng...
Theo đánh giá chung, nuôi tôm theo hướng VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao nhưng đòi hỏi người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, thường xuyên cải tạo, làm sạch ao đầm; kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường như độ pH, độ kiềm, độ mặn...
Nếu phát hiện có điểm bất thường phải điều chỉnh ngay, tránh gây sốc cho tôm. Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào cần đặc biệt được chú trọng, con giống phải được cơ quan chuyên ngành kiểm dịch đầy đủ trước khi thả nuôi.
Ông Tạ Quang Sáng, Trưởng phòng Quản lý giống, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An khẳng định: “Áp dụng quy trình VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là một giải pháp quan trọng và có tính bền vững cao, giúp người nông dân nâng cao nhận thức nuôi theo hướng an toàn sinh học, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường vùng nuôi”.
Theo: nongnghiep.vn