Nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi
- Thứ hai - 28/10/2013 20:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đón nước
Dân nuôi tôm lâu năm ở Đồng Tháp nói: “Năm nào nước lũ đầu nguồn đổ về mạnh, mực nước dâng cao ngập đồng, tôm càng mau lớn”. Từ nhiều năm qua, nông dân quen làm với mô hình lúa - tôm, sau khi thu hoạch lúa ĐX là bắt tay vào bồi đắp bờ bao, xử lý nền ruộng, đáy ao chuẩn bị cho vụ nuôi TCX.
Huyện Tam Nông là một trong những vùng nuôi TCX tập trung nhiều nhất ở khu vực đầu nguồn sông Tiền. Hàng trăm hộ đã tận dụng lợi thế nước lũ để nuôi tôm trong ao, nuôi trên mặt ruộng và đăng quầng ở một vài nơi chưa có bờ bao.
Mùa lũ năm nay, huyện Tam Nông có 75 hộ nuôi TCX trên 528 ha. Trong đó 5 xã gồm Phú Thành A, Phú Thành B, Phú Thọ, An Long và Phú Ninh tập trung nuôi TCX nhiều nhất. Hộ nuôi ít nhất 1 ha, có hộ nuôi quy mô trên 15 ha. Sau hơn 5 tháng, đến nay một số hộ bắt đầu thu hoạch tôm tỉa (thu chọn ra tôm trứng bán trước). Dự tính đến con nước đầu tháng 11 sẽ thu hoạch tôm thương phẩm.
Anh Nguyễn Văn Minh ở ấp Phú Long, xã Phú Thành B, huyện Tam Nông cho biết, mùa lũ năm nay là năm thứ 5 liên tiếp anh nuôi TCX, lãi cao hơn nhiều so với trồng lúa. Với diện tích 8 ha, nuôi thả mật độ 12 - 15 con/m2, sau hơn 2 - 3 tháng là có thể bắt đầu thu tôm tỉa bán để có tiền bù đắp vào chi phí mua thức ăn. Sau khoảng 5 tháng, tôm của ông Minh đạt cỡ loại 1 trọng lượng 100 gr/con chiếm khoảng 15 - 20%. Như vậy là đạt hiệu quả.
Ông Hứa Văn Điển ở ấp Phú Long, xã Phú Thành B chia sẻ kinh nghiệm 10 năm theo nghề nuôi TCX mùa lũ, ông nói: Năm nay gia đình ông có 7 ha thả nuôi tôm. Hiện tôm trong giai đoạn lớn nhanh. Đó là nhờ mực nước lũ năm 2013 cao hơn năm 2012. Tuy nước dâng cao có phần lo lắng, vất vả, nhưng nếu bảo vệ tốt thì hiệu quả cao.
Nuôi tôm vụ này đạt năng suất khá, ước khoảng 1,5 tấn/ha. Tổng thu sản lượng trên 7 tấn/ha với thời giá hiện nay có thể lãi ròng 500 triệu đồng. Đầu ra không quá lo, hiện có nhiều thương lái, một số Cty thủy sản ở TP.HCM xuống tận vùng thu mua với giá từ 135.000 - 265.000 đ/kg.
Lợi thế chuyển dịch SX
Con nước lũ năm 2013 khó đoán. Một số nông dân do dự, bởi từ đầu tháng tám âm lịch dòng nước đổ về chưa bộc lộ dấu hiệu mạnh mẽ của lũ lớn. Thế nhưng bất ngờ sau đó, nước lớn, mực nước dâng cao hơn năm 2012. Dọc theo các tuyến lộ ngang dọc về các huyện đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp, từ Cao Lãnh vô Tháp Mười rồi ngược lên các huyện Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng, nước đã tràn đồng, trắng xóa.
Ở những vùng ruộng sâu, không có hệ thống đê bao, làm lúa hai vụ, mùa nước nổi nông dân đóng cọc, giăng lưới nuôi cá, tôm là một trong những mô hình SX tạo thêm việc làm trong lúc nông nhàn, gia tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Trưởng trạm Thủy sản huyện Tam Nông, cho rằng: Mùa lũ năm nay diện tích nuôi TCX giảm khoảng 200 ha so với năm 2012. Đó là do một số hộ lo xa không có nước lũ về như năm ngoái, nuôi tôm chậm lớn, không đạt hiệu quả nên ngại đầu tư.
Mặt khác, năm nay chi phí đầu tư nuôi tôm quá cao, giá giống và thức ăn thủy sản tăng khiến cho một số hộ ngán ngại. Tuy nhiên đến nay cũng thấy nhẹ lo, nước lên khá và tôm mau lớn. Thêm vào đó nguồn thức ăn bổ sung (thả lưới bắt cá ngoài thiên nhiên phong phú), giảm bớt được chi phí thức ăn công nghiệp. Bà con ở Tam Nông cho biết, nuôi tôm lớn đạt chất lượng đồng đều, năng suất bình quân từ 1,5 - 1,8 tấn/ha, bán được giá, lợi nhuận hấp dẫn.
Theo ngành nông nghiệp huyện Tam Nông, tổng sản lượng tôm thu hoạch của toàn huyện hàng năm đạt gần 500 tấn. Nuôi tôm mùa lũ có nhiều mặt lợi ích, khi nông dân thu hoạch xong vụ tôm, sau đó xuống giống vụ lúa ĐX ít tốn phân bón, nhưng lúa rất trúng.
Ông Lê Hoàng Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho biết: Tổng diện tích nuôi TCX khoảng 1.100 ha, sản lượng hằng năm đạt 1.700 tấn tôm, chủ yếu nuôi trong ruộng lúa vào mùa lũ. Mô hình 1 vụ tôm - 2 vụ lúa đang có hướng phát triển tốt, nhất là nuôi tôm trong mùa lũ góp phần gia tăng thu nhập cho nông hộ. Đây là mô hình đột phá nhằm tận dụng lợi thế mùa nước nổi.
+ Mùa lũ năm nay vùng nuôi TCX tiếp tục phát triển mạnh ở các huyện Thoại Sơn, Châu Phú (An Giang). Tại TP Cần Thơ cũng SX 50 ha. Đặc biệt mô hình nuôi TCX toàn đực áp dụng tại An Giang, Cần Thơ đạt kết quả khá. Tuy nhiên giá giống đầu vụ cao do thiếu nguồn cung, giống nhập 150 đ/con, giống toàn đực 360 đ/con.
+ "Nhiều năm qua, tỉnh Đồng Tháp quan tâm chỉ đạo đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho bà con mở rộng vùng nuôi TCX. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ quy hoạch vùng nuôi tôm mùa lũ của Tam Nông cũng như một số huyện lân cận.
Ở các huyện khu vực đầu nguồn, nuôi TCX phát triển ngày càng mạnh theo hướng hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm chất lượng sạch, ổn định", ông Lê Hoàng Vũ chia sẻ.
Theo Nông nghiệp Việt Nam