Nuôi trùn quế lãi hơn 17 triệu/tháng

Tính từ đầu năm 2014 đến nay ông Thức bỏ túi 170 triệu tiền lời từ nuôi trùn quế.
Ông Lai bên trại trùn quế

Nhiều nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành công với mô hình nuôi trùn quế, tiêu biểu là ông Phạm Văn Thức, Giám đốc HTX Thương mại - dịch vụ Đức Vinh (tổ 44, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) có thu nhập hàng trăm triệu đồng…

Ông Thức cho biết: “Ý định khởi xướng việc nuôi trùn nhen nhóm trong tôi từ đầu năm 2013 khi thấy giá tiêu lên cao, diện tích tiêu trên địa bàn huyện tăng nhanh còn người trồng thì rất cần nguồn phân bón hữu cơ.

Qua tìm hiểu tôi biết, trong các loại phân hữu cơ thì phân trùn được nông dân trồng tiêu ưng mua nhất, bởi giàu dinh dưỡng, kích thích sự tăng trưởng của cây trồng. Đặc biệt, không giống như phân chuồng, phân trùn được hấp thu ngay một cách dễ dàng và còn tăng khả năng giữ nước trong đất. Nghĩ thế nên tôi quyết định khăn gói lên huyện Củ Chi, TP.HCM tìm hiểu, học hỏi và áp dụng mô hình nuôi trùn quế".

Ông Thức dắt chúng tôi ra xem khu vực nuôi trùn rộng 300 m2 của mình ở sau nhà rồi nói thêm: "Nuôi trùn quế có ưu điểm lớn nhất là con giống chỉ mua lần đầu, vì trùn quế sinh sản rất nhanh. Chỉ sau 20 ngày thả nuôi là trùn đã trưởng thành cặp đôi với nhau rồi sinh sản, trùn mẹ cứ 1 tuần đẻ 1 lần, từ hơn 2 tuần trở đi trứng nở thành kén rồi hóa thành trùn con.

Trùn trưởng thành khỏe mạnh có màu nâu đỏ hoặc mận chín, có sắc ánh kim trên cơ thể. Người nuôi chỉ việc lọc bắt lấy trùn lớn bán, còn trùn nhỏ thả lại nuôi tiếp".

Ông Lai vui vẻ cho biết:“Phân trùn tốt cho cây tiêu lắm nên người trồng cứ đặt trước tiền để lấy. Khổ nỗi diện tích trại trùn của tôi nhỏ, nhiều khi không đủ số lượng giao nên giờ tôi ngại không nhận tiền đặt trước”.

Nuôi trùn quế cũng không tốn nhiều nhân công, diện tích SX nhỏ, thu nhập lại ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Năm 2013 nuôi thử nghiệm 300 m2, sau khi trừ chi phí, ông Thức đã lời 150 triệu đồng.

Tính từ đầu năm 2014 đến nay ông Thức đã bán được 180 triệu đồng từ trùn thịt và 104 triệu đồng tiền trùn giống và phân trùn, tổng cộng thu 284 triệu. Sau khi khấu trừ chi phí mua phân bò cho trùn ăn, nhân công, vận chuyển… hết 114 triệu đồng, còn lại ông Thức bỏ túi 170 triệu.

Ông Thức cũng đã lặn lội xuống Trung tâm Giống thủy sản An Giang và ở đó hơn 2 tháng để học nuôi lươn đồng nhằm kết hợp với nuôi trùn quế để tăng hiệu quả kinh tế.

Cụ thể, ông nuôi trùn bán phân, rồi lấy trùn thịt cho lươn ăn, sau đó vừa bán trùn vừa bán lươn thịt để tăng thu nhập. Hiện ông Thức đã thả nuôi được 23 bể lươn (kích thước 1 bể 10 m 2 ) với hơn 100.000 con lươn giống kích cỡ khác nhau.

Tương tự, ông Lê Văn Lai, thành viên HTX TMDV Đức Vinh cũng áp dụng mô hình nuôi trùn quế cho hiệu quả kinh tế cao. Ông Lai cho biết, ban đầu việc nuôi trùn không mấy thuận lợi. Lúc đó ông nuôi gia công hơn 700 con heo cho một DN và chưa rành kỹ thuật nuôi trùn, vội vã cho trại trùn quế rộng 200 m2 của mình dùng phân heo tươi chưa qua xử lý.

Kết quả lượng trùn giống lăn đùng ra chết sạch làm ông vừa mất thời gian sửa chữa chuồng, vừa tốn tiền mua thêm một đợt trùn giống mới. Lần này nhờ được ông Thức hướng dẫn kỹ thuật ủ phân heo để làm thức ăn cho trùn và kỹ thuật chăm sóc nên từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng ông Lai thu từ 6 - 8 triệu đồng từ bán trùn thịt và phân trùn cho người trồng tiêu.

ĐÌNH LONG
Theo: nongnghiep.vn