Ở lưng chừng trời, mỗi ha dược liệu cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng
- Thứ năm - 20/04/2017 03:55
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trồng tam thất có tiền tỷ để cất
Tháng 11.2014, huyện Si Ma Cai có 10 hộ dân tại xã Mản Thẩn và Nàn Sán đầu tư trồng cây tam thất với diện tích trên 5,5 ha. Đến nay, người dân bắt đầu thu hoạch củ tam thất tươi, ước tính năng suất đạt 3 tấn củ/ha. Ngay khi thu hoạch, củ tam thất đã có thị trường tiêu thụ tốt, nhiều khách hàng ở xa cũng đặt mua.
Người dân Si Ma Cai thu hoạch lứa tam thất đầu tiên với niềm phấn khởi bởi năng suất và giá bán cao. Ảnh: Vân Thảo.
Điều đáng phấn khởi, giá bán bình quân đạt 350.000 đồng/kg củ tam thất tươi (giá trị đạt 1,15 tỷ đồng/ha). Và cây tam thất được đánh giá là cây trồng có giá trị kinh tế cao nhất từ trước đến nay được trồng tại huyện Si Ma Cai. Từ giá trị kinh tế cây tam thất đem lại, thêm nhiều hộ dân có ý định trồng loại cây này trong những năm tới, theo đó, diện tích cây tam thất vụ tới của Si Ma Cai có thể tăng mạnh.
Để giúp người dân tiêu thụ củ tam thất, ngành nông nghiệp huyện đang tích cực quảng bá sản phẩm củ tam thất tươi sau thu hoạch.
Tiềm năng nhưng không dễ “ăn”
Ðang khẩn trương thu những luống sâm đương quy cuối cùng để chuẩn bị đất trồng vụ kế tiếp, anh Tráng Hồng Phong ở thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, cho biết: Vụ đông năm 2014, gia đình anh trồng 1 ha cây đương quy. Sau hơn 2 năm, đến nay thu hoạch được hơn 4 tấn củ và 3 tấn thân lá bán cho Công ty Cổ phần Nam Dược với giá 50.000 đồng/kg, mang lại thu nhập gần 400 triệu đồng. “Trước đây, cũng diện tích đất này gia đình tôi trồng ngô, đậu tương thì chỉ thu mỗi năm gần 100 triệu đồng” - anh Phong cho biết thêm.
Vườn trồng đương quy của anh Tráng Hồng Phong ở thôn Cán Chư Sử, xã Cán Cấu. Ảnh: Tùng Lâm
Hiện, việc trồng cây dược liệu đã giúp nhiều hộ dân ở Si Ma Cai thoát nghèo bền vững, đặc biệt có hộ đã trở thành tỷ phú. Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, cho biết: “Hiện huyện Si Ma Cai đã xây dựng thành công một số trang trại trồng cây dược liệu chuyên canh như: Tam thất, ý dĩ, đương quy, gừng, nghệ, khổ sâm bắc... với tổng diện tích trên 150 ha. Dự kiến, đến năm 2020, toàn huyện sẽ trồng mới hơn 350 ha cây dược liệu (cây tam thất, ý dĩ, đương quy; gừng, nghệ).
Tuy nhiên, từ thực tế triển khai trồng cây dược liệu ở Si Ma Cai đã phát sinh những thách thức không nhỏ. Có trang trại trồng cây dược liệu bị thiệt hại do sâu bệnh, do sản phẩm làm ra không đạt tiêu chuẩn nên giá bán không cao. Mặt khác, trồng cây dược liệu có yêu cầu kỹ thuật cao từ khâu làm đất, chọn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản... Trong khi nhiều hộ dân ở Si Ma Cai chưa nắm chắc quy trình kỹ thuật nên gặp không ít khó khăn khi canh tác.
Để cây dược liệu thực sự trở thành cây trồng mũi nhọn ở Si Ma Cai, trong thời gian tới, địa phương cần xây dựng quy trình trồng, chăm sóc từng loại cây dược liệu cụ thể phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu. Đặc biệt, việc phát triển cây dược liệu cần có lộ trình cụ thể; đồng thời có những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư cùng với nông dân trồng cây dược liệu theo hướng chuyên canh, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch và cả khâu tiêu thụ sản phẩm.