Ớn lạnh người đàn ông nuôi hơn 1.000 con 'mãng xà' cực độc ở Lào Cai
- Thứ ba - 20/08/2019 23:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từng nuôi đủ thứ con như: Lợn, ba ba, tôm càng xanh, cá giống nhưng do tốn nhiều công chăm sóc và giá cả không ổn định, ông Bình quyết định nghe theo lời một người bạn, chuyển sang nuôi loài “mãng xà” cực độc (rắn hổ mang). Từ nuôi con cực độc kêu “phì phì” này mà mỗi năm ông Bình “bỏ túi” trên 300 triệu đồng.
Ông Bình cho biết: "Nuôi rắn hổ nhàn không vất vả, giá trị kinh tế cao nhưng rất nguy hiểm. Sau gần 9 năm nuôi, tôi đã bị chúng cắn đến 4 - 5 lần nhưng gia đình có phương thuốc gia truyền nên khi nào bị cắn là tôi xử lý ngay, chứ nếu không biết phương pháp sơ cứu thì nguy hiểm vô cùng".
Nhấc ly trà mát lạnh mời tôi, ông Bình ngược dòng thời gian kể lại một thời gian khó với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN khi mới bắt đầu tập tành nuôi rắn hổ mang.
Thức ăn yêu thích của rắn hổ mang là cóc.
“Sau nhiều lần thử nghiệm nuôi đủ thứ con để phát triển kinh tế gia đình nhưng đều không ổn định. Có lần ngồi đàm đạo với ông bạn Tô Văn Vẽ ở xã Xuân Quang (huyện Bảo Thắng), ông bạn mách tôi nuôi thử loài rắn hổ mang. Nghe ông bạn nói đến rắn hổ tôi đã khiếp vía rồi chứ đừng bảo nuôi. Rồi ông Vẽ chỉ tôi đường xuống Vĩnh Phúc xem người dân nuôi rắn hổ mà thành tỷ phú. Sau đó tôi bén duyên với nghề nuôi loài rắn hổ cực độc này” – ông Bình nhớ lại.
Rắn hổ phồng mang, bành cổ kêu "phì phì" khi có người đến gần.
Quá ấn tượng với mô hình nuôi rắn hổ ở Vĩnh Phúc, ông Bình dùng vốn liếng tích cóp được của gia đình đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi rắn. “Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi, tôi chỉ mua 34 con rắn hổ ở Vĩnh Phúc về nuôi. Lúc đó, kiến thức nuôi rắn hổ mù tịt nên tôi cũng chẳng biết con nào là cái, con nào là đực cả”, ông Bình chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Bình cho biết: Lúc mới nuôi cứ mỗi lần tôi vào trại cho đàn rắn hổ ăn là một lần khiếp vía. Khi mở nắp đẩy thức ăn vào mà rắn hổ cứ kêu “phì phì” phồng mang, bành cổ, nâng cao phần đầu lên trông rất đáng sợ.
Mỗi ô chuồng nuôi rắn hổ của ông Bình dài khoảng 80 cm, rộng khoảng 35 cm.
Sau một thời gian làm bạn với loài hổ mang này, ông Bình mới nhận ra chúng không “điên” như nhiều người nghĩ. “Thực ra rắn hổ rất lành, chúng chỉ tấn công khi cảm thấy bị đe dọa, bị bắt, trong lúc rắn phàm ăn và mùa giao phối” – ông Bình nói với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Ông Bình bắt đầu nuôi rắn hổ từ năm 2011. Sau gần 9 năm gắn bó với nghề nuôi rắn, ông Bình đã đúc kết ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để nuổi thành công loài rắn độc này.
Sau khi nuôi thành công rắn hổ, ông Bình đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lào Cai cấp giấy phép.
Theo ông Bình, rắn hổ mang có sức đề kháng cao nhưng vào thời điểm giao mùa, nhất là mùa đông, rắn hay bị bệnh phổi và nấm. Để rắn hổ sinh trưởng và phát triển triển tốt, phải đảm bảo chuồng trại khô ráo, thoáng mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. Cùng với đó, chú ý trộn thêm thuốc kháng sinh với thức ăn để phòng bệnh cho rắn.
Cũng theo ông Bình, rắn hổ mang 4 – 5 ngày mới ăn một lần, mùa đông rắn ngủ đông ròng rã suốt 5 tháng nên rất nhàn. Thức ăn của rắn hổ là cóc, gà, vịt, ngan. Nhưng nếu có điều kiện cho ăn cóc vẫn là tốt nhất, vì cơ thể cóc có nhiều chất đạm, nhiều kháng sinh. Rắn hổ ăn cóc sẽ được thương lái ưa chuộng và giá bán cao hơn so với ăn gà, vịt, ngan.
Theo ông Bình, thị trường đầu ra của rắn hổ mang được thương lái Vĩnh Phúc lên thu mua rồi mang ra Quảng Ninh để bán sang Trung Quốc.
“Rắn hổ mang bắt đầu mùa giao phối từ cuối tháng 3 âm lịch, khi đó phải ghép rắn hổ đực vào chuồng rắn hổ cái, khi thấy bụng rắn cái to thì lại ghép rắn đực sang chuồng khác. Lưu ý, một rắn hổ đực có thể giao phối được 3 rắn hổ cái, nhưng để trứng và giống có chất lượng chỉ nên giao phối với 2 rắn hổ cái là vừa. Sau đó, đến tháng 5 thì rắn hổ cái đẻ, trung bình đạt khoảng 25 trứng/cái. Một năm rắn hổ chỉ đẻ một lần” – ông Bình tiết lộ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN.
Gần một tiếng đồng hồ trò chuyện với chúng tôi về loài rắn hổ, trời bắt đầu nhá nhem tối thì cũng là thời điểm thích hợp để ông Bình cho đàn "mãng xà" ăn.
Từ đầu năm đến nay, ông Bình xuất bán được 350 kg với giá bán 450 nghìn đồng, thu được trên 150 triệu đồng.
Theo chân ông Bình vào đến cửa trại, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN phải lấy hết can đảm mới dám bước vào trại. Tại đây, với đôi tay thoăn thoắt của mình, ông Bình xếp 4 - 5 con cóc ra từng đĩa một trong hàng nghìn chiếc đĩa đã xếp sẵn. Ông Bình một tay mở nắp chuồng, tay còn lại dùng kẹp gắp từng đĩa cóc cho vào từng ô chuồng sâu hun hút được xây bằng gạch ống. Chúng tôi không khỏi rùng mình sợ hãi, cứ cách vài giây lại nghe tiếng kêu "phì phì" của hàng nghìn con rắn hổ phát ra ở ngay dưới bàn chân.
Những con rắn hổ cái đẻ tốt được ông Bình giữ lại gây giống, những con đẻ không tốt, ông đem bán để tăng thu nhập.
Sau gần 9 năm nuôi rắn hổ, hiện ông Bình đang có 1.200 con rắn hổ mang (rắn cái 700 con, rắn đực 500 con). Mỗi năm ông Bình xuất bán ra thị trường từ 700 – 800 kg rắn hổ mang thịt thương phẩm và hàng nghìn quả trứng ra thị trường. Với giá bán rắn hổ mang thịt dao động từ 450 nghìn – 550 nghìn đồng/kg, giá bán trứng rắn hổ mang từ 40 nghìn – 50 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Bình thu lãi từ 300 triệu – 400 triệu đồng.
Không những là người đầu tiên nuôi thành công rắn hổ, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, ông Bình còn chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang, cung ứng giống rắn hổ cho một số hộ dân trong thôn nuôi để từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ dân ở thôn Làng Chưng.
Theo Tuệ Linh/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/on-lanh-nguoi-dan-ong-nuoi-hon-1000-con-mang-xa-cuc-doc-o-lao-cai-1006624.html