Phân bón Mầm Xanh đặt chất lượng lên hàng đầu

Ngày 5/7, NNVN đăng bài: “Phân bón cây cao su quá bát nháo”, trong đó có đề cập đến Cty CP Phân bón Mầm Xanh (75 đường số 5, khu dân cư Trung Sơn, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM) đưa phân bón xuống các vườn cao su tiểu điền ở huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương có trường hợp mẫu mã không ghi ngày tháng SX, hệ thống phân phối chủ yếu là Hội Nông dân các xã nên đặt vấn đề nghi ngờ chất lượng phân bón của Cty này.
Nhà vườn đang chuẩn bị bón phân MX cho cây cao su

Sau đó, bà Trần Thị Minh Nguyệt, GĐ Cty CP Phân bón Mầm Xanh (MX) đã đến làm việc với Chi nhánh báo NNVN tại TPHCM nhằm giải thích rõ hơn. Theo bà Nguyệt, Cty MX thành lập cách đây 6 năm, SX 6 dòng sản phẩm chính và hơn 30 loại sản phẩm khác nhau thích hợp cho từng loại cây trồng và từng vùng sinh thái khác nhau. Hiện Cty có một nhà máy đóng tại TX Thuận An, tỉnh Bình Dương với diện tích trên 10.000m2.

Với phương châm “Người Việt hiểu đất Việt”, đội ngũ cán bộ kỹ thuật Cty MX luôn lắng nghe và thấu hiểu các ý kiến phản hồi của nông dân nhằm hoàn thiện hơn các sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng từng loại cây theo từng vùng thổ nhưỡng khác nhau. Song song đó, Cty luôn đặt ra công tác đầu tư cải tiến công nghệ hiện đại lên hàng đầu để mọi sản phẩm đưa ra thị trường đều đảm bảo chất lượng tốt nhất với giá cả hợp lý nhất.

Trường hợp NNVN phát hiện bao bì loại phân kali 30+TE không ghi ngày tháng SX tại nhà ông Đào Văn Cư (khu phố 5, thị trấn Mỹ Phước) là có thật mà nguyên nhân chính là do lỗi kỹ thuật, Cty đã biết và thay đổi mẫu mã từ 6 tháng qua. “Thế nên, sau khi quí báo lên tiếng, chúng tôi lập tức cho nhân viên thu hồi ngay sản phẩm mẫu cũ còn tồn trên thị trường, còn về chất lượng thì các cơ quan chức năng như Thanh tra, QLTT tỉnh cũng đã đến làm việc và lấy mẫu các loại phân bón về kiểm tra. Đến nay, đã có thông báo đều đạt chất lượng không hề có sai phạm gì cả” - bà Nguyệt nói. Đồng thời, bà Nguyệt đã cung cấp cho chúng tôi hồ sơ giấy chứng nhận liên quan đến việc DN SX phân bón đảm bảo chất lượng.

Ông Đỗ Văn Châu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương cho biết, từ 3 năm qua thông qua HND xã, mỗi năm các chi hội đặt mua phân bón MX cho khoảng 200 hộ với số lượng chừng 200 tấn phân. Mỗi ha bón 2 đợt, mỗi đợt là 900 kg vị chi là 1,8 tấn/ha/năm. Cty đầu tư trả chậm 3 tháng cho nông dân, giảm được áp lực chi phí đầu tư phân ban đầu nên đây cũng là cách làm hay của DN. Nhìn chung, cho đến nay chưa thấy nông dân nào phàn nàn về chất lượng phân bón của Cty MX.

“Tôi đánh giá cao các chương trình an sinh xã hội của Cty MX, tuy không phải là DN lớn nhưng họ luôn đi đầu trong các chương trình đền ơn đáp nghĩa ở địa phương” - ông Lương Văn Lai, Chủ tịch HND thị trấn Mỹ Phước nói.

“Ngay cả gia đình tôi trồng 1,2 ha cao su, đầu tiên cũng bán tín bán nghi, nhưng sau khi xài rồi thì nhận thấy có hiệu quả thật sự, cây cao su không chỉ giữ được độ mủ mà còn đỡ vàng lá, rụng lá. Cty đưa ra quy trình chăm sóc bón phân chủ yếu sử dụng 4 loại sản phẩm MX kết hợp giữa hữu cơ và vô cơ theo từng giai đoạn cụ thể, đạt hiệu quả cao nhưng chi phí lại thấp so với trước đây tôi sử dụng phân tự do” - ông Châu khẳng định.

Ông Tô Hồng Hiệp, nông dân ấp Hàng Nù, xã An Lập trồng 2 ha cao su, là người đang sử dụng phân bón MX từ năm 2010 đến nay nói thêm: "Nông dân tụi tui bây giờ cũng “quái” lắm, nắm bắt KHKT từng ngày, nếu loại phân nào kém chất lượng thì tẩy chay ngay từ đầu, sau 3 tháng hiệu quả như thế nào nhà vườn tự đánh giá được, chứ không phải đợi dùng đến 2-3 năm nay như loại phân MX đâu. Vì vậy, không riêng gì tôi mà nhiều người trồng cao su ở đây cũng đều dùng loại phân này. Tuy nhiên, có thực tế là do năm nay giá mủ xuống thấp chỉ bằng phân nửa năm ngoái, nên hầu hết nông dân đều tiết kiệm, không còn đầu tư nhiều như mọi năm".

Điều đáng nói là, mặc dù kinh doanh phân bón không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhưng Cty MX không bao giờ quên làm công tác xã hội từ thiện đối với cộng đồng. Mỗi năm, Cty trích từ 100-200 triệu từ lợi nhuận có được để thực hiện các chương trình tài trợ từ thiện cho các địa phương. Chẳng hạn, mới đây ngày 18/7, Cty đã xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho thị trấn Mỹ Phước với giá trị 20 triệu/căn.

Theo nongnghiep.vn