Phân đạm, những điều cần biết


Đạm- dưỡng chất thiết yếu

Trong 13 loại dưỡng chất thiết yếu cho cây trồng thì đạm đứng vị trí hàng đầu về lượng hấp thụ với tầm quan trọng cao nhất, chiếm 2-3% tổng vật chất khô của cây trồng. Mỗi năm, cả nước sử dụng trên 2 triệu tấn đạm urê, đây là loại đạm dễ sử dụng vì không làm thay đổi tính axit, bazơ của đất; riêng vùng Nam bộ là hơn 1 triệu tấn.

Tuy nhiên đây lại là loại phân bón dễ thất thoát, đặc biệt qua con đường bay hơi khiến lượng đạm cây trồng hấp thụ được chỉ từ 30-40% lượng cung cấp. Việc sử dụng phân đạm sao cho hiệu quả, tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường là quan tâm hàng đầu của tất cả bà con nông dân nói chung và người trồng lúa nói riêng.

Khi đạm vào trong cây sẽ được tổng hợp để giúp tạo thành các loại protein từ đơn giản đến phức tạp, hay còn gọi là chất thịt, thành phần cơ bản của cơ thể sống. Nó tham gia vào cấu tạo của axit nucleic và có vai trò quan trọng trong việc trao đổi chất của cơ thể cây trồng.

Ngoài ra, đạm còn là thành phần của diệp lục tố tạo nên màu xanh cho lá cây, đây chính là yếu tố thiết yếu giúp thực vật quang hợp, biến đổi năng lượng của ánh sáng để chuyển đổi nước và cacbonic thành đường bột, nuôi sống toàn thể giới động vật.

Phân đạm là thức ăn chính của cây, giúp cho chồi, cành lá phát triển; lá có kích thước to sẽ tăng khả năng quang hợp từ đó làm tăng năng suất cây trồng. Thiếu đạm, cây sẽ sinh trường còi cọc, lá già toàn thân biến vàng, toàn bộ quá trình sinh trưởng của cây sẽ bị trì trệ do thiếu chất hình thành tế bào, các quá trình sinh hóa cũng bị ngưng trệ.

Khi bón thừa phân đạm, cây trồng sẽ lớn nhanh, đẻ nhánh nhiều, dễ bị đổ ngã, cây chậm ra hoa và khó đậu quả. Mặt khác, thừa đạm làm tăng mức độ lây nhiễm sâu bệnh do lá mềm, màu sắc xanh đậm của lá thu hút các loại côn trùng và nấm bệnh gây hại.

Hiện nay, do phân đạm đang được khuyến cáo sử dụng với liều lượng vừa đủ, tránh hiện tượng dư thừa làm một số nông dân hiểu nhầm là đây là chất độc khi dùng với liều lượng quá mức cần thiết. Cần phải khảng định lại là đạm không phải là chất độc, các bất lợi đem lại khi bón thừa phân đều do cây “quá bổ”. Đơn cử như đạm có tác dụng làm cây lúa phát triển cao lên, khi thừa thì làm cho lóng dài ra, dẫn đến việc cây dễ đổ ngã.

Thất thoát đạm và phương pháp hạn chế

Đạm urê dùng để bón cho cây (NH2)2CO là chất rắn màu trắng, tan tốt trong nước, chứa khoảng 46% N. Khi gặp nước, urê sẽ bị thủy phân tạo thành đạm amôn (NH4), đây là loại đạm cây có thể hấp thu được. Tuy nhiên, khi cây trồng không hấp thụ kịp, amôn nhanh chóng bị enzim thủy giải thành amôniac (NH3).

Bên cạnh đó, đạm urê còn bị phản nitrat hóa, tạo thành oxit nitơ. Đấy là 2 con đường bay hơi của đạm, gây thất thoát chủ yếu khi sử dụng. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc thất thoát như nhiệt độ, pH của đất, pH của nước, mực nước trong ruộng,… Vào lúc thời tiết nắng nóng, lượng đạm bị mất trong một ngày có thể lên đến 50%.

Để tránh thất thoát khi bón urê cho cây, người dân có thể vùi sâu viên phân xuống dưới ruộng. Tuy nhiên, cách này rất mất thời gian, công sức và trong thực tế phương pháp này không được áp dụng vào SX. Một số giải pháp khác như bọc urê bằng lưu huỳnh, màng PE có lỗ thủng, dầu khoáng,… đều mang lại hiệu quả nhất định song vẫn còn một số hạn chế.

Bón phân đạm làm nhiều lần là một cách để giúp việc sử dụng đạm tiết kiệm mà hiệu quả. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, đối với ruộng chủ động được nước tưới thì nên cung cấp đạm cho lúa làm 3 lần. Lần 1: Từ 8-10 ngày với 20-30% lượng đạm; lần 2: Từ 18-22 ngày với 40%; lần 3: Đón đòng với lượng còn lại. Tùy trường hợp cụ thể mà có thể cung cấp thêm 10% khi lúa trổ.

 Agrotain-đạm vàng, giải pháp vàng

Agrotain là một chất được các nhà khoa học Hoa Kỳ tổng hợp nên năm 1996, chất có dạng dung dịch sánh đặc, dùng để trộn với urê nhằm giảm thất thoát do bay hơi. Khi được phối trộn, agrotain sẽ bao bọc urê, hạn chế việc đạm bị chuyển hóa thành amôniac cũng như oxit nitơ.

Khi sử dụng đạm hạt vàng, có phối trộn agrotain, để phân biệt với đạm trắng thông thường, mang lại hiệu quả sử dụng đạm cao hơn, từ đó tiết kiệm được chi phí phân bón cũng như giảm thiểu các ảnh hưởng của sử dụng thừa đạm như côn trùng, sâu bệnh tấn công, đổ ngã, ô nhiễm môi trường.

Hiện agrotain đã được sử dụng rộng rãi hơn 60 nước trên thế giới. Tại VN, Cty CP Phân bón Bình Điền là đơn vị độc quyền sử dụng chất này trong việc phối trộn với đạm urê. Các sản phẩm của Cty có trộn agrotain có thể kể đến như Đầu Trâu 46A+, Đầu Trâu TE+ 25-20-10, Đầu Trâu TE+ Lúa 1, Lúa 2 và một số sản phẩm khác cho cà phê, cao su. Khi sử dụng các loại phân này, hiệu suất sử dụng đạm có thể đạt 75-80%, giảm 20-25% lượng bón cho cây.

Theo nongnghiep.vn