Phát hiện hơn 3.200 tàu vi phạm về đánh bắt cá, xử phạt trên 40 tỷ

Trong thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cuộc chiến chống khai thác IUU, tăng cường giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển, ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài. Trong năm 2017 và quý I.2018, lực lượng thanh tra thuỷ sản địa phương đã kiểm tra, phát hiện 3.229 vụ vi phạm và xử phạt trên 40 tỷ đồng.

Theo báo cáo ngày 20.4 của Tổng cục Thuỷ sản, hiện nay đã có 15/28 tỉnh, thành phố ven biển ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá theo hướng dẫn của EC. Các lực lượng thực thi pháp luật đã tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành vi về khai thác IUU (chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), đặc biệt là việc kiểm soát trên biển để ngăn chặn tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp phát tại vùng biển nước ngoài.

 phat hien hon 3.200 tau vi pham ve danh bat ca, xu phat tren 40 ty hinh anh 1

Lực lượng Kiểm ngư đã phát hiện và xử phạt 865 tàu cá vi phạm khai thác IUU. Ảnh IT

Ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi Việt Nam triển khai quyết liệt các giải pháp, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, đặc biệt là tàu cá vi phạm các nước quốc đảo Thái Bình Dương đến nay hầu như không có; hiện tại chỉ còn các vụ việc tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại vùng biển lịch sử chồng lấn, tranh chấp do chưa được phân định rõ ràng giữa Việt Nam và các nước như Malaysia, Indonesia, Campuchia…

Lực lượng Kiểm ngư đã huy động 76 đợt, 157 lượt tàu xuồng, 1.979 kiểm ngư viên, 1.489 ngày bám biển tuần tra kiểm soát xử lý khai thác IUU; kiểm tra 2.217 tàu, phát hiện và xử phạt 865 tàu cá vi phạm khai thác IUU, ra Quyết định xử phạt 162 phương tiện, thu nộp 1.914.850.000 đồng; đặc biệt xử lý nghiêm đối với 03 tàu Quảng Ngãi vi phạm vùng biển Úc và Tân Calêđônia.

Các chủ tàu vi phạm đã bị xử phạt hành chính, thu bằng thuyền trưởng, thu giấy phép khai thác thủy sản; phối hợp với các lực lượng ngăn chặn 5 tàu cá tỉnh Bình Thuận có dấu hiệu vi phạm khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài.    

Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã phát hiện và xử lý 8 vụ/8 tàu cá Việt Nam hoạt động bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã xử phạt hành chính 55 chủ tàu cá và thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đặc biệt, lực lượng thanh tra thuỷ sản địa phương đã kiểm tra, phát hiện 3.229 vụ vi phạm và xử phạt 40.892.090.000 đồng trong năm 2017 và Quí 1 năm 2018.

Lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển, Bộ Đội biên phòng, lực lượng Hải quân đã ký quy chế phối hợp và ban hành kế hoạch tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chung trên biển. Trong đó, tập trung chủ yếu việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát về khai thác IUU trên vùng biển. Việc ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Nhờ đó, tình hình kiểm soát tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt. Trong 3 tháng đầu năm 2018, không có tàu cá nào của Việt Nam vi phạm vùng nước quốc đảo; số tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển một số nước trong khu vực ASEAN đã giảm đi nhiều.

Thông tin về đoàn công tác của EC sang Việt Nam, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản cho biết, khoảng từ 16-23.5, 1 đoàn Tổng vụ Các vấn đề Biển và Thủy sản (DG-MARE) của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để kiểm tra việc thực thi 9 khuyến nghị của EC.

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Tổng cục Thủy sản cùng với 28 tỉnh ven biển chuẩn bị công tác tiếp đón đoàn. Tổng cục Thủy sản trên cơ sở rà soát toàn bộ hồ sơ đã có và những công việc đã thực hiện từ 23.10.2017 đến nay, và có các văn bản chỉ đạo 28 tỉnh cũng như các DN, các hiệp hội hoàn thiện công việc trước ngày 23.4.2018.

Trong đó, các địa phương đã chỉ đạo các cơ sở, các cảng cá hoàn thiện các thiếu sót mà EC đã khuyến nghị. Trong đó, quan trọng nhất là quản lý tàu cá, tăng cường công tác thanh tra kiểm tra xử lý trên biển cũng như tại cảng. Đặc biệt, là các hồ sơ truy xuất nguồn gốc, xác nhận, chứng nhận các sản phẩm khai thác thủy sản trên biển.

“Chính phủ, Bộ NN&PTNT cũng như cộng đồng doanh nghiệp và người dân kỳ vọng sẽ gỡ được thẻ vàng. Tuy nhiên, nếu chưa đáp ứng được các yêu cầu khuyến nghị mà EC đặt ra, thì EC sẽ có kết luận sau ngày làm việc từ 16-23.5 tới” – ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản khẳng định.

Theo Đình Thắng (danviet.vn)