Phát triển nghề trồng nấm

Trồng nấm không làm ảnh hưởng đến môi trường, rơm rạ sau khi thu hoạch nấm xong còn thể dùng làm phân bón cho cây trồng.
Phát triển nghề trồng nấm

Nhằm thay đổi cơ cấu ngành nghề, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, đưa tiến bộ kỹ thuật vào SX, từ năm 2012 - 2014, Trạm Khuyến nông huyện Diễn Châu (Nghệ An) triển khai mô hình SX nấm rơm, nấm mỡ và nấm sò tại 3 xã Diễn Xuân, Diễn Thái, Diễn Liên.

Ngoài ra, trong năm 2012 Trung tâm Khuyến nông Nghệ An giao cho Trạm phối hợp với UBND xã Diễn Xuân mở 1 lớp đào tạo nghề trồng nấm cho 33 học viên tại xã.

Ông Nguyễn Hải Sao, một chủ hộ trồng nấm ở xã Diễn Liên cho biết, năm 2014 gia đình ông làm 4,5 tấn rơm cả nấm sò và nấm mỡ, 1 tấn rơm làm được 700 - 800 bịch nấm sò, từ khi trồng đến khi thu hoạch hết nấm là 3 tháng, năng suất đạt khoảng 5 tạ nấm/tấn rơm, giá bán 25.000 đ/kg, lãi 5 - 6 triệu đồng/tấn rơm.

Đối với nấm mỡ, 1 tấn rơm nguyên liệu làm được 30 - 40 m2 nấm, năng suất 2,5 tạ/tấn rơm, giá bán 40.000 - 45.000 đ/kg, lãi 6 - 7 triệu đồng/tấn nấm. Năm tới gia đình ông sẽ đầu tư trồng thêm nấm mộc nhĩ để cung cấp nấm hàng hóa cho người dân trong huyện và các vùng lân cận.

Chị Nguyễn Thị Hoa là người trồng nấm đầu tiên ở Diễn Xuân cho biết thêm: Nấm sò có thể trồng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau, nấm mỡ chỉ phát triển trong điều kiện nhiệt độ thấp nên mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ. Trồng nấm không làm ảnh hưởng đến môi trường, rơm rạ sau khi thu hoạch nấm xong còn thể dùng làm phân bón cho cây trồng.

Nấm được xem là rau sạch, thịt sạch, chất lượng cao, dễ làm, dễ tiêu thụ, nguyên liệu trồng nấm chủ yếu là rơm rạ nên rất phù hợp để SX, bà con nông dân ở Diễn Châu đang từng bước phát triển nghề trồng nấm.

Theo Nongnghiep.vn