Phó Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
- Chủ nhật - 12/05/2019 21:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc hội nghị. |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cho đến nay, lịch sử ngành chăn nuôi thế giới và Việt Nam chưa từng đối phó dịch bệnh nào nguy hiểm, phức tạp, khó đối phó, tốn kém trong phòng chống đến như vậy. Mặc dù dịch tả châu Phi xảy ra từ 1921 tại châu Phi, song quy mô kinh tế thời điểm ấy chưa tới mức lớn như hiện nay.
“Chỉ 3 - 4 năm gần đây, tốc độ lan truyền bệnh này ở đàn lợn nuôi mới lớn, xảy ra ở 56 nước. Đặc biệt ở châu Á, tốc độ lây lan chóng mặt. Độc dược của virus rất cao, đã vào đàn là 100% lợn bị bệnh. Mặt khác, điều kiện khí hậu cùng quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, dẫn đến tình hình dịch bệnh thêm phức tạp”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, từ tháng 8 năm ngoái, khi dịch bệnh xảy ra ở Trung Quốc, chúng ta đã có ý thức ngay. Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao, Bộ cũng đã xây dựng các kịch bản đối phó. Sau khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta đã áp dụng mọi biện pháp, từ văn bản pháp luật đến các khâu xử lý cụ thể.
Tuy nhiên, điều trớ trêu là chưa có thuốc phòng, thuốc chữa. Dù vậy, nhiều địa phương đã xử lý bước đầu rất tốt. Đến hiện tại chúng ta đã buộc phải tiêu hủy khoảng 1,2 triệu con lợn, tương đương 4% tổng đàn. Nguy hiểm ở chỗ tốc độ lây lan rất nhanh.
“Ngoài những việc đã làm được, phải nhìn nhận thực tế là có những địa phương, có những khâu làm chưa tốt. Công tác chỉ đạo cũng cần siết lại, cùng với các nhóm giải pháp khác. Trước mắt là hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Bước sau này, chúng ta sẽ có thêm các biện pháp tái đàn khi dịch bệnh đi vào ổn định”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người dân vớt xác lợn chết mắc kẹt tại khu vực cầu Gia Tư, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Minh Phúc. |
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 12/5/2019, Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) xảy ra tại 2.296 xã, 204 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn bệnh và tiêu hủy là 1.220.488 con (chiếm khoảng trên 4% tổng đàn lợn của cả nước).
Tuy nhiên, thời gian qua đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành phố có dịch bệnh đã qua 30 ngày, sau đó lại phát sinh lợn bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã.Đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành phố khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh.