Phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn

Phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn
Từ ngày 15/07/2016 việc phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn phải thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành.
 Từ ngày 15/07/2016 việc phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn phải thực hiện theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành.

 

Ảnh minh họa

Theo đó, các biện pháp phòng bệnh bắt buộc cho động vật trên cạn bao gồm: Thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc định kỳ theo hướng dẫn; Phòng bệnh bắt buộc cho động vật bằng vắc-xin được thực hiện đối với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định.

Về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi đối với cơ sở chăn nuôi tập trung, Thông tư nêu rõ cơ sở chăn nuôi động vật tập trung phải tuân thủ yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong chăn nuôi theo quy định của pháp luật để phòng bệnh cho động vật.

Cơ sở chăn nuôi động vật tập trung bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường và được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, nếu có kết quả âm tính đối với bệnh quy định thì không phải thực hiện phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin đối với bệnh đó.

Đối với xử lý bắt buộc động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh và sản phẩm động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cụ thể việc áp dụng các biện pháp tiêu hủy bắt buộc hoặc giết mổ bắt buộc đối với Bệnh Cúm gia cầm; Bệnh Lở mồm long móng; Bệnh Tai xanh ở lợn; Bệnh Dịch tả lợn; Bệnh Dại động vật…

Đối với động vật, sản phẩm động vật mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới, Cục Thú y trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định các biện pháp xử lý bắt buộc.

Trong trường hợp có dịch bệnh đối với các bệnh động vật quy định hoặc bệnh truyền nhiễm mới mà trong nước chưa sẵn có thuốc thú y phù hợp để phòng, chống dịch bệnh, Cục Thú y trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định việc sử dụng thuốc thú y chưa được lưu hành tại Việt Nam để phòng, chống dịch bệnh khẩn cấp. Việc sử dụng thuốc thú y để phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc hoặc chỉ định của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Việc công bố hết dịch bệnh động vật bao gồm các điều kiện: Trong thời gian 21 ngày kể từ ngày con vật mắc bệnh cuối cùng bị chết, bị tiêu hủy, giết mổ bắt buộc hoặc lành bệnh mà không có con vật nào bị mắc bệnh hoặc chết vì dịch bệnh động vật đã công bố.

Đã phòng bệnh bằng vắc-xin cho động vật mẫn cảm với bệnh dịch được công bố đạt tỷ lệ trên 90% số động vật trong diện tiêm trong vùng có dịch và trên 80% số động vật trong diện tiêm trong vùng bị dịch uy hiếp hoặc đã áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc khác cho động vật mẫn cảm với bệnh trong vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.

Thực hiện tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc trong khoảng thời gian quy định đối với vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp theo hướng dẫn bảo đảm đạt yêu cầu vệ sinh thú y. Có văn bản đề nghị công bố hết dịch bệnh động vật của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương và văn bản chấp thuận công bố hết dịch gửi kèm theo biên bản thẩm định điều kiện công bố hết dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp trên.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15/07/2016.

Khánh Linh/baochinhphu.vn