Phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm: Nhiều nơi vẫn chủ quan

Phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm: Nhiều nơi vẫn chủ quan
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần lo ngại: "Có những tỉnh từ tháng 4 đến nay vẫn chưa dập tắt được dịch tai xanh do chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, còn trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước.
Trong khi đó, dịch cúm gia cầm lại bắt đầu tái phát tại nhiều địa phương, nếu không làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh sẽ rơi vào tình trạng dịch chồng dịch".
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), trong hai tuần qua có thêm tỉnh Cao Bằng phát hiện dịch tai xanh. Như vậy, hiện cả nước có 3 tỉnh có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày là Cao Bằng, Đắk Lắk và Nghệ An. Trong số đó, lo ngại nhất là tỉnh Đắk Lắk với tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh đến "chóng mặt". Chỉ sau hai tuần, toàn tỉnh đã có thêm 20 xã có dịch tai xanh và đến nay Đắk Lắk có tổng số 88 xã, phường thuộc 11 huyện, thành phố có dịch tai xanh với khoảng 16.000 con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy.
 
Chăn nuôi gà ở huyện Đông Anh.
Trong khi dịch tai xanh chưa được kiểm soát, trong tháng 8, dịch cúm gia cầm lại bắt đầu tái phát ở một số địa phương ở miền Bắc và Bắc Trung bộ. Các ổ dịch xuất hiện lẻ tẻ, chủ yếu trên đàn thủy cầm nuôi trong gia đình. Cục Thú y cũng đã phát hiện một nhóm virut H5N1 tuy vẫn thuộc nhánh 2.3.2.1 (nhóm A) nhưng có sự khác biệt với nhánh virut cùng loại gây bệnh năm 2011. Ông Phạm Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, nhóm virut này có khả năng mới xâm nhập vào Việt Nam và hiện tại vẫn chưa có vaccine phù hợp để khống chế.
Đáng lo ngại là việc chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm tại nhiều địa phương chưa được quản lý chặt. Do vậy nguy cơ dịch bệnh tiếp tục xuất hiện trong giai đoạn hiện nay là rất cao. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần lo lắng, có những địa phương còn chủ quan trong việc phòng chống dịch bệnh, để dịch lây lan trên diện rộng. Ông Tần nêu ví dụ, qua kiểm tra tại Đắk Lắk, có thời điểm phát sinh 20 ổ dịch tai xanh/ngày trong khi chính quyền địa phương chưa có kế hoạch chống dịch cụ thể. "Nếu làm quyết liệt ngay từ ban đầu chỉ cần khoảng 20.000 liều vaccine là dập được dịch nhưng nay Đắk Lắk dùng tới 200.000 liều cũng chưa chắc đã dập được dịch. Điều này gây tốn kém rất lớn và nảy sinh nhiều vấn đề về môi trường" - Thứ trưởng Tần nói.
Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh hiện nay rất có thể dẫn tới nguy cơ thiếu thịt, thực phẩm cho những tháng cuối năm. Do đó, ông Diệp Kỉnh Tần yêu cầu Cục Thú y chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Trong thời gian tới tổ chức phát động Tháng tiêu độc khử trùng trên cả nước. Cùng với đó, cấp vaccine kịp thời cho các địa phương bao vây ổ dịch và kiểm soát tốt gia cầm nhập lậu qua biên giới. Ông Tần cũng cho biết, với những địa phương để dịch kéo dài dai dẳng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng sẽ báo cáo với Chính phủ để có biện pháp xử lý.
Thiện Quang
Theo ktdt.com.vn