Phòng chống thiên tai: Trông chờ ở lực lượng xung kích cơ sở

“Thiên tai khốc liệt như hiện nay đòi hỏi công tác chuẩn bị của chúng ta phải tốt hơn, có nhiều mặt phải rút kinh nghiệm, kỹ năng ứng phó phải tốt hơn, thái độ kiên quyết hơn” - Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh khi đánh giá về công tác ứng phó, phòng chống thiên tai 6 tháng đầu năm 2018.

Phương châm “4 tại chỗ” phát huy tác dụng

Thưa Bộ trưởng, ông có nhận định gì khi thời tiết 6 tháng qua diễn biến khá bất thường, không theo quy luật của mọi năm?

- Trong 6 tháng đầu năm 2018, diễn biến thời tiết khá bất thường do tác động của biến đổi khí hậu và các dạng hình khí tượng cực đoan. Ngay từ đầu năm đã xuất hiện rét bất thường, nóng bất thường, mưa bất thường. Đặc biệt là hiện tượng mưa từ ngày 22 - 26.6 ở các tỉnh miền núi phía Bắc, vì các năm trước vùng này thường mưa vào tháng 8 - 9, năm nay lại xuất hiện mưa lớn ngay từ tháng 6, chỉ trong 2 ngày có nơi lượng mưa đạt gần 600mm, đây là hiện tượng bất thường. Tiếp theo đó là 8 ngày nắng nóng vừa qua với nhiệt độ 40 - 41 độ C trên toàn tuyến gồm các tỉnh miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền Trung.

 phong chong thien tai: trong cho o luc luong xung kich co so hinh anh 1

 Khung cảnh tan hoang sau lũ dữ ở Hà Giang. Ảnh: T.L

"Lực lượng xung kích, xung phong ở cơ sở sẽ mang tính quyết định trong phòng chống, vì thiên tai sẽ diễn ra bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời điểm nào, dạng hình nào”. 

Bộ trưởng Bộ NNPTNT
Nguyễn Xuân Cường

Về mặt ứng phó, chúng ta đã làm được những gì và điều gì cần rút kinh nghiệm, thưa Bộ trưởng?

- Thứ nhất, chúng ta luôn nêu cao cảnh giác, không thể chủ quan. Mặc dù có một số tháng đầu năm điều kiện khí hậu chưa có những kiểu dị thường, nhưng công tác ý thức chuẩn bị phòng ngừa của chúng ta cũng rất chủ động. Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị tất cả các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành trong cả nước để nêu cao cảnh giác, chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu và điều kiện bất thường của thời tiết.

Thứ hai, chúng ta triển khai đồng bộ ở tất cả các cấp, từ Ban chỉ đạo Trung ương đến ban chỉ huy các bộ, tỉnh, thành đến cơ sở, công tác ứng phó thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Thứ ba, những kinh nghiệm của những năm trước được tổng kết đưa vào giải pháp ứng phó cho năm 2018.

Thứ tư, một số tác động hậu quả của năm trước đã được Chính phủ chủ động xử lý. Ví dụ, Thủ tướng Chính phủ quyết định gói 1.500 tỷ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và yêu cầu tổng hợp nhanh, ra hẳn nghị quyết cho các tỉnh miền núi phía Bắc về vấn đề tai biến địa chất, những vấn đề dễ tổn thương trước tác động của mưa lớn.

Kiên quyết hơn trong ứng phó thiên tai

Nhìn lại đợt thiên tai vừa qua ở miền núi phía Bắc, chúng ta đã có những sự phối hợp chỉ đạo như thế nào để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra?

 phong chong thien tai: trong cho o luc luong xung kich co so hinh anh 2

 phong chong thien tai: trong cho o luc luong xung kich co so hinh anh 3

Lũ khiến nhiều bản làng ở Hà Giang tan hoang. Ảnh: T.L.

- Có thể rút ra một số điểm như sau: Thứ nhất, phương châm “4 tại chỗ” đã phát huy tác dụng, tính đồng bộ trong chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, ngay sáng sớm 24.6, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương đã có chỉ đạo. Ngày 24.6 đã có các đoàn công tác của Ban chỉ đạo lên Lai Châu. Ngày 25.6, các đoàn công tác Chính phủ từ Thủ tướng, Phó Thủ tướng cho đến các bộ, ngành đã vào cuộc.

Thứ hai, chúng ta đã đưa ra phương châm xử lý đồng bộ, cùng lúc trên toàn tuyến của tỉnh Lai Châu nhưng tập trung ưu tiên 2 thiết chế hạ tầng, một là giao thông, hai là hệ thống đường điện để giải quyết hỗ trợ cho công tác cứu hộ và khắc phục. Chúng ta kiên quyết không để cho dân bị thiệt hại về tính mạng nhiều hơn. 297 hộ của tỉnh Lai Châu ở khu vực xung yếu yêu cầu phải di dời. Bản Sáng Tùng sơ tán kịp thời lúc chiều tối 25.6, sáng 26.6 sụp toàn bộ khu vực bản. Công tác tổ chức cứu trợ sau thiên tai được làm đồng bộ, bà con không nơi nào bị thiếu ăn, thiếu mặc.

Để ứng phó, phòng chống tốt thiên tai có thể xảy ra trong những tháng cuối năm 2018, cần có những sự chuẩn bị như thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Thiên tai khốc liệt như vậy đòi hỏi công tác chuẩn bị của chúng ta phải tốt hơn, có nhiều mặt phải rút kinh nghiệm. Ví dụ như kỹ năng ứng phó, rất nhiều nơi, nhiều thành phần phải có thái độ kiên quyết hơn, chúng ta phải tiếp tục tập huấn, tuyên truyền. Về việc huy động các lực lượng tham gia, chúng ta có lực lượng quân đội, công an rất quyết liệt, hiệu quả, nhưng các lực lượng xung kích khác cần phải rà soát ngay từ cơ sở. Lực lượng xung kích, xung phong ở cơ sở sẽ mang tính quyết định trong phòng chống, vì thiên tai sẽ diễn ra bất kỳ ở đâu, bất kỳ thời điểm nào, dạng hình nào.

Công tác dự báo rồi đây cũng phải thay đổi, phải phối hợp với các đài quốc tế để đưa ra dự báo sát hơn, tăng cường cơ sở vật chất để có nhiều dự báo chứ không phải dự báo một số loại hình cơ bản.

Chúng ta sẽ kiện toàn một bước nữa về quy chế hoạt động từ Ban chỉ đạo Trung ương đến ban chỉ huy các tỉnh. Phải rà soát lại toàn bộ kể cả kế hoạch, phương án theo phương châm “4 tại chỗ” của từng cấp để bổ sung, tăng cường nguồn lực tập trung cho công tác phòng chống thiên tai.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Đình Thắng (danviet.vn)