Phòng trừ ốc bươu vàng hại lúa

Vụ lúa hè thu ở các tỉnh Nam bộ bắt đầu được xuống giống. Cùng với cỏ dại, bù lạch, sâu keo… thì ốc bươu vàng (OBV) cũng là một đối tượng cần phải hết sức quan tâm ở đầu vụ.

OBV là một dịch hại nguy hiểm luôn tiềm ẩn trên ruộng lúa. Chúng sẵn sàng bùng phát gây hại nặng nếu gặp điều kiện thuận lợi cho chúng sinh sản, phát triển (cây lúa còn non là thức ăn phù hợp) và phát tán (mực nước trên ruộng và trên các kênh mương, sông ngòi… cao).


Thuốc trừ ốc bươu vàng TATOO 150B

Để hạn chế OBV, phải áp dụng kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ và hợp lý trong Quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Cụ thể là:

- Trước khi gieo sạ lúa, phải tổ chức đi thu gom ốc và ổ trứng trên đồng ruộng, xung quanh các ao hồ, sông suối, kênh rạch công cộng…tiêu hủy.

- Đào các rãnh nhỏ xung quanh ruộng và những chỗ có nhiều nước trong ruộng để khi nước rút ốc sẽ tập trung vào những đường rãnh này, việc thu bắt ốc sẽ dễ dàng và đỡ tốn công lao động.

- Dùng cây, que cắm ở những chỗ có nhiều ốc tập trung “dụ” cho ốc leo lên đẻ rồi thu gom ổ trứng tiêu huỷ.

- Kết hợp với các đợt làm cỏ, tỉa dặm lúa ở đầu vụ tiến hành thu gom ốc và trứng ốc trước khi trứng kịp nở ra ốc con rơi xuống nước phát tán đi gây hại.

- Dùng lưới nilon có lỗ nhỏ che chắn kỹ những chỗ có đường nước chảy tự nhiên từ ngoài kênh, mương, sông rạch… vào ruộng hoặc những chỗ nhong bơm nước để ngăn chặn ốc từ bên ngoài xâm nhập vào ruộng lúa.

- Trước khi xuống giống (hoặc khi cây lúa đã lớn) có thể thả vịt vào ruộng để vịt ăn ốc.

- Ở những vùng thường bị ốc gây hại nhiều, phải tăng lượng giống từ 5- 10% so với những ruộng khác, để trừ hao những cây bị ốc ăn mất sau này. Nếu ruộng cấy, thì nên cấy mạ già tuổi hơn một chút và cấy nhiều tép.

- Khi cây lúa còn nhỏ dễ bị ốc gây hại, chỉ nên để mực nước ruộng sâu khoảng 2- 3 cm, để hạn chế bớt sự di chuyển của chúng sang nơi khác.

- Dùng lá cây thầu dầu, lá cây đu đủ, lá cây khoai mì, lá khoai lang, lá khoai môn, khoai sọ, vỏ xơ mít…bó thành từng bó thả xuống những chỗ nước sâu trong ruộng lúa để dẫn dụ ốc tập trung lại rồi thu gom tiêu diệt.

-Những nơi thường bị ốc gây hại nặng hàng năm, ngoài các biện pháp trên, bà con cần dùng thuốc để diệt ốc. Thuốc diệt ốc hiện nay có nhiều loại, tuy nhiên theo kinh nghiệm của một số bà con ở Long An, Tiền Giang…thì thuốc diệt ốc Tatoo 150B, với liều lượng 3-5 kg/ha (tùy lượng ốc nhiều hay ít) đã cho kết quả rất cao. Bà con có thể sử dụng thuốc Tatoo 150B bằng một trong ba cách sau đây:

1-Sử dụng trước khi sạ: Sau khi làm đất lần cuối, cho nước vào ruộng, giữ mức nước 3-5 cm để nhử ốc, tiến hành rải thuốc, tiếp tục giữ nước 1-2 ngày, rồi xả bỏ, sau đó tiến hành sạ bình thường.

2-Sử dụng sau khi sạ: Ngay sau khi bơm nước để rải phân đợt 1 (sau sạ khoảng 7-8 ngày) tiến hành rải thuốc diệt ốc. Có thể trộn thuốc với phân hay cát để rải. Nhớ khi rải thuốc, mực nước ruộng phải đạt mức 3-5 cm và phải giữ mực nước này khoảng 2-3 ngày.

3-Sử dụng ngay khi thấy có ốc trên ruộng: Nếu sau khi sạ, do trời mưa hay lý do gì khác làm nước đọng trên ruộng, ốc sẽ trồi lên cắn phá lúa, bà con có thể tiến hành rải thuốc để diệt.

Ngoài ra, bà con cũng có thể rải thuốc ở những nơi nước đọng thành vũng hay dọc theo rãnh thoát nước dọc ruộng. Có thể trộn chung thuốc với hạt giống để rải.

Theo nongnghiep.vn