Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ

Phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ
Trong thời gian qua, trên lúa HT, mùa, thời kỳ đẻ nhánh, đẻ nhánh rộ, sâu cuốn lá nhỏ lứa 4 đã phát sinh gây hại gần 14.000ha lúa, với mật độ cao, trên diện rộng tại nhiều huyện trong tỉnh Nghệ An.

Mật độ phổ biến từ 20 - 50 con/m2, nơi cao 100 - 150 con/m2, cá biệt 200 - 300 con/m2. Hiện tại trưởng thành lứa 4 đang thời điểm ra rộ ở hầu hết các huyện, một số nơi trưởng thành đã qua đỉnh rộ (tắt bướm). Dự kiến sâu non tuổi 1, tuổi 2 của lứa 5 sẽ nở rộ trong khoảng thời gian từ 11 - 17/7.

15-33-15_nh_1
Trứng sâu cuốn lá nhỏ đẻ trên lá lúa

Để chủ động phòng trừ kịp thời, hiệu quả đối với sâu cuốn lá nhỏ (SCLN) lứa 5, đồng thời tránh việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, gây lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ phơi nhiễm đối với người sử dụng, Chi cục Trồng trọt - BVTV Nghệ An đã kịp thời chỉ đạo các Trạm Trồng trọt - BVTV các huyện phân công cán bộ phụ trách và chịu trách nhiệm về công tác điều tra, dự tính, dự báo cụ thể cho từng vùng.

Chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về điều tra phát hiện theo QCVN 01-38, 01-166. Thường xuyên bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với lực lượng khuyến nông, BVTV cấp xã để phân vùng, phân trà theo dõi sát sao diễn biến SCLN trên đồng ruộng, để phát hiện kịp thời, chính xác thời gian xuất hiện trưởng thành lứa 4 và sâu non tuổi 1, 2 của lứa 5...

Bà Nguyễn Thị Tình, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Diễn Nguyên, huyện Diễn Châu chia sẻ: “SCLN lứa 4 đã phát sinh gây hại trên nhiều xứ đồng, sâu trưởng thành đã qua đỉnh rộ, vẫn còn rải rác mới vũ hóa. Mật độ trứng tương đối lớn, trước tình hình đó chúng tôi đã triển khai các hoạt động thăm đồng, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cụ thể các biện pháp phòng trừ”.

Để phòng trừ đạt hiệu quả cao, ngoài việc theo dõi diễn biến phát sinh gây hại của SCLN, một số yếu tố kỹ thuật cần lưu ý như sau:

Việc phát hiện trứng rất khó khăn với người nông dân vì nó quá nhỏ, sâu non tuổi 1, tuổi 2 cũng rất nhỏ, chỉ các chuyên gia mới dễ dàng nhận thấy, còn đa số nông dân phát hiện sâu khi sâu đã cuốn tổ, hoặc trắng lá (tuổi 3, 4, 5).

Sau khi trưởng thành ra rộ (tắt bướm) trên đồng ruộng thì sau 4 - 5 ngày sẽ có sâu tuổi 1. Đặc điểm của trưởng thành SCLN có tính hướng sáng mạnh, thường bay vào đèn. Ngoài ra, ngài thường bay đến các ruộng gần bờ mương, đường đi, vườn, nhà ở, vì thế việc phát hiện SCLN không khó.

15-33-15_nh_4
Sâu cuốn lá nhỏ lứa 4

Trứng được đẻ rải rác trên lá, thường là mặt dưới và cạnh gân chính giữa của lá. Sau khi nở sâu non thường chui vào các tổ cũ, nên có những tổ bóc ra thấy nhiều sâu non tập trung, đang thời kỳ tuổi 1, 2. Sau đó sâu non di chuyển ra các lá khác nhả tơ cuốn dọc lá lúa thành một bao thẳng đứng hoặc bao tròn gập lại. Mỗi sâu non có thể gây hại từ 5 - 9 lá, chúng có thể di chuyển từ lá này sang lá khác, thường diễn ra từ 17 - 21 giờ.

Việc phun thuốc trừ SCLN của nông dân hiệu quả không cao. Ngoài thói quen phòng trừ muộn (tuổi 3 - 5). Một quan điểm sai lầm mà người nông dân thường mắc phải là xử lí các nhóm thuốc không chọn lọc ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đã làm giảm mật độ thiên địch và sử dụng các thuốc dòng tiếp xúc khi sâu đã cuốn tổ (tuổi 2 - 3).

Xử lý khi sâu tuổi 1 - 2, vì tuổi lớn hơn phòng trừ sẽ không hiệu quả do lúc đó sâu đã vào tổ thuốc sẽ không tiếp xúc được với sâu. Mặt khác sâu ở tuổi 3 - 4 thì cơ bản lá lúa đã bị trắng, chỉ còn lại gân lá, kể cả các thuốc nội hấp lưu dẫn cũng không thể hấp thụ và lưu dẫn được.

Khuyến cáo phòng trừ khi mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên đối với lúa thời kỳ đẻ nhánh, từ 30 con/m2 trở lên đối với thời kỳ làm đòng trở đi. Bằng các loại thuốc có chưa hoạt chất nư Chlorantraniliprole (Virtako 40WG, Voliam Targo 063 SC…), Indoxacard (Ammate 150 SC, Clever 150 SC, Opulent 150 SC, Obaone 95WG, AgFAN 150SC…), Flubendiamide (Takumi 20WG…).

Theo: Minh Sơn/nongnghiep.vn