Quảng Nam: Lặn lội đường rừng lên xem nơi bán 8 củ sâm xây nhà 1 tỷ
- Chủ nhật - 01/07/2018 00:15
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xây nhà nhà 1 tỷ bằng...8 củ sâm chứ mấy
Người ta biết đến xã Ngọc Linh, huyện Nam Trà My với thương hiệu sản phẩm của quốc gia là sâm Ngọc Linh. Những người trồng sâm lâu năm cũng không thể ngờ có một ngày mình lại có thể giàu nhờ cái thứ cây mà mẹ rừng ban tặng và cha ông họ gìn giữ.
Nóc Tắc Lang (thôn 3, xã Trà Linh) đã khoác lên mình diện mạo mới với nhiều ngôi nhà được xây kiên cố.
Nói đâu xa, chừng 8 năm trở về trước, lá sâm Ngọc Linh vẫn còn là một thứ rất thường. Và cũng chỉ có sâm củ mới đáng giá. Lá của cây sâm Ngọc Linh lúc đó, nhiều người dân bản địa đem cho... heo ăn cho nhanh lớn. Vậy mà ngoảnh mặt, giá sâm Ngọc Linh tăng chóng mặt. Từ một đống lá không biết làm gì thì nay đã tăng lên hơn 7 triệu/kg. Đó là lá tươi, còn lá khô thì giá leo tới 30 triệu/kg mà chẳng có để mua. Củ sâm thì một tấc lên trời, giá cao ngất ngưởng. Vậy là tiền thi nhau đổ về, dân Trà Linh cũng đổi đời từ đó. Và họ, có một cách hưởng thụ... rất khác.
Cách đây vài năm, nhắc đến các nóc Tắc Tu, Tắc Lang hay Măng Lùng thì người ta đều phải rùng mình vì đường đi quá khó khăn. Từ trung tâm huyện, đi nhanh thì cũng 4 tiếng đồng hồ, chậm thì nửa ngày đường mới tới được nơi. Cũng vì thế, người ta đã từng rất xôn xao khi hộ ông Hồ Văn Du xây dựng một nhà vệ sinh tốn đến hơn...200 triệu đồng.
“Họ nghe thì thấy lạ, tưởng rằng hoang phí, nhưng đối với mình cái giá đó cũng hợp lý. Cứ nghĩ đi, cõng 1 bao xi măng từ trung tâm xã lên tới nơi cũng mất 3 tiếng, đắt không phải là ở chỗ vật liệu mà đắt ở công vận chuyển mà thôi” - già Hồ Văn Du cười nói.
Đó cũng là cách xây nhà rất... Trà Linh. Chấp nhận với cái giá có thể cao hơn cả mấy chục lần, nhưng miễn sao có được công trình mà mình mong muốn. Giờ, đã có con đường mở lên tới thôn nên chi phí vận chuyển đã được giảm bớt, nhưng vẫn không hề thấp.
Ông Hồ Văn Viêm - Trưởng Công an xã Trà Linh nhẩm tính, ngôi nhà của mình mới xây tốn hơn 300 bao xi măng. Mỗi bao theo giá thị trường chưa đến 80 nghìn đồng nhưng khi lên đến đây thì đội giá thành 500 nghìn đồng. Chỉ tính riêng tiền xi măng đã ngốn hơn 150 triệu đồng.
Một góc khu rừng trồng sâm Ngọc Linh ở xã Trà Linh.
“Đó là mới chỉ tính riêng tiền xi măng, còn cát sỏi, vật liệu xây dựng nữa cũng tầm giá đó. Như mỗi viên gạch lên tới đây thì có giá 5 ngàn đồng một viên, xây nhà tốn cả mấy ngàn viên gạch cũng chả nhớ. Cốt là có cái nhà cho vững chắc mà ở thì mấy mình cũng chấp nhận” - anh Viêm bộc bạch.
Ngôi nhà cấp 4 xây dựng trên diện tích khoảng 50m2 của anh Viêm, nhẩm tính sơ bộ cũng hơn 1 tỷ đồng. Với người dân ở đây, cái giá đó là... bình thường. “Với giá sâm hiện tại, ngôi nhà đó bằng khoảng 8kg sâm Ngọc Linh loại 2 củ một lạng ấy. Mình đủ sức mà, miễn là mỗi khi trời mưa gió được ở trong ngôi nhà xây chắc chắn là được rồi. Nhà mình còn chưa là gì so với người khác đâu” - anh Viêm nói.
Trong “những người khác” mà anh Viêm nhắc đến, có gia đình anh Hồ Văn Hình, hiện xây dựng một dãy nhà cho cả đại gia đình cùng ở. Chỉ tính riêng cái bờ kè tránh đất đá sạt lở đã chôn mất của anh không dưới 1 tỷ đồng.
Đó cũng là mức giá chung cho những hộ dân đang tiến hành xây nhà ở nóc Tắc Lang (thôn 3, xã Trà Linh) như hộ anh Nguyễn Cao Bằng, Hồ Văn Long hay Hồ Văn Thành... Những ngôi nhà chênh vênh trên sườn núi nay đã được gia cố bằng những bờ kè đá chắc chắn, nguy cơ sạt lở hầu như đã được khắc phục.
Ông Hồ Văn Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Linh cho biết, từ khi giá sâm Ngọc Linh được đẩy lên cao, đời sống bà con đã thay đổi hẳn. Nhất là đối với các hộ có diện tích trồng sâm lớn ở thôn 2, 3, 4.
Một củ sâm "khủng" được mang ra bán đấu giá lên tới hơn nửa tỷ đồng ở Hội chợ.
“Người ta nói tiền đối với người dân trồng sâm là tiền núi, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Là tiền của họ nằm ở những luống sâm đang được chăm sóc ở núi, đem lại thu nhập vô cùng lớn cho bà con. Cũng từ đây, cuộc sống người dân trở nên khấm khá hơn, thụ hưởng được những tiện nghi mà trước giờ chẳng bao giờ dám nghĩ tới. Nhiều hộ dân đã dùng tiền có từ sâm để xây dựng lại ngôi nhà của mình kiên cố hơn. Hộ chưa xây nhà thì cũng đã làm kè đá để cho chắc đất, đợi đến khi hoàn thiện con đường từ trung tâm xã thì bắt đầu xây nhà. Chi phí cho việc xây kè này cũng rất nhiều tiền, hộ thấp nhất cũng chừng 170 triệu đồng. Trên này, mọi thứ đều cứ cân ký mà quy ra tiền. Một viên gạch 1kg có giá 5 ngàn tiền vận chuyển, cứ vậy nhân lên rồi tính” - ông Hồ Văn Thể kể.
Chính quyền xã cũng đã vận động bà con ở đây đừng vội xây nhà khi đường sá còn khó khăn, chi phí vận chuyển còn quá cao. Nhưng với một số gia đình, họ chấp nhận tất cả, miễn là được sống trong ngôi nhà được xây bằng gạch vữa. Đối với họ, khi thần rừng hậu đãi thì chẳng có gì phải tiếc, miễn sao thỏa mãn được nhu cầu, theo một cách trực quan nhất: lâu nay thiếu cái gì thì giờ có cái đó.
Có một văn hóa sâm
Câu chuyện về cách tiêu tiền của người dân Ngọc Linh đã làm cho nhiều người sợ rằng họ sẽ sớm tái nghèo. Như cách của anh Hồ Kim Lĩnh, vì không đi được xe máy nên mua... ô tô để đi. Và khi học lái xe cũng ra Huế để học chứ nhất quyết không chịu xuống Tam Kỳ hay Đà Nẵng với lý do: gần nhà quá! Những lo lắng đó dường như chẳng ảnh hưởng tới họ, bởi theo lời già Hồ Văn Thành (66 tuổi, nóc Tắc Lang, xã Trà Linh) thì trước khi tiêu pha vào việc gì, người ta đều ngước lên phía rừng, để xem mình có thể mua những gì chứ không phải là cách tiêu pha lãng phí.
“Lâu nay bà con vốn đã chịu quá nhiều cực khổ, giờ được thần rừng ưu đãi, muốn cho con cái được hưởng những gì mà cha chú nó chỉ biết ao ước. Cũng là cách để cho con cháu thấy nguồn lợi lớn từ sâm Ngọc Linh, rồi tiếp tục gìn giữ và phát triển nó đời này sang đời khác. Như là của để dành mà mẹ rừng đã tặng cho người Ca Dong dưới dãy Ngọc Linh này. Bà con dù có xây nhà mới, nhưng vẫn giữ lại ngôi nhà cũ, như một nét truyền thống không thể bỏ, luôn giữ lại gốc gác của mình” - già Thành tâm sự.
Những công trình bạc tỷ đang được người dân xây dựng.
Cũng với tinh thần đó, nhiều nét văn hóa mới đã được thiết lập từ sâm Ngọc Linh. Ở Trà Linh, mô hình Chi bộ trồng sâm đang được phát triển và mang lại hiệu quả rất cao. Mỗi đảng viên ở mỗi chi bộ thôn đều được vận động thành lập một chốt sâm, chăm sóc và phát triển, từ đó lấy nguồn lợi làm kinh phí cho các hoạt động của chi bộ. “Mỗi người góp một vài gốc sâm, tùy theo điều kiện của mình.
Ai có sâm thì góp sâm, ai không có thì quy thành tiền đóng góp rồi giao cho một người chăm sóc, bảo vệ. Từ nguồn lợi của sâm, có được kinh phí hoạt động cho từng chi bộ, không cần phải nhờ đến nhà nước hỗ trợ nữa. Đó cũng là một hoạt động thiết thực của mỗi chi bộ” - Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Thể nói.
Cái cách mà người dân Ca Dong ở đây giáo dục con cháu của mình về gìn giữ sâm cũng rất khác. Cứ mỗi đứa trẻ sinh ra trong nóc, khi đến sinh nhật từ 1 đến 5 tuổi thì quà mừng cho đứa trẻ là những gốc sâm tốt nhất. Tùy theo lòng của mỗi nhà, người nào có nhiều thì cho nhiều, có ít thì cho ít.
1ha sâm Ngọc Linh đến tuổi khai thác cho giá trị từ 75-80 tỷ đồng.
“Đến ngày mừng sinh nhật, đứa trẻ đó sẽ được ba mẹ dẫn lên rẫy, cầm những gốc sâm được tặng để trồng xuống rẫy, coi như đó là một món quà để dành cho nó sau này trưởng thành sẽ có được một số vốn làm ăn. Cũng là cách để ngay từ nhỏ nó ý thức được sâm Ngọc Linh quan trọng với đồng bào mình như thế nào, để luôn nhớ về gốc gác, về những khó khăn mà cha ông đã trải qua, để nó chăm lo phát triển sâm Ngọc Linh ngày một tốt hơn” - già Hồ Văn Thành lý giải.
Trà Linh những ngày cuối tháng 6 vẫn giữ cho mình cái lạnh đặc trưng khi cơn mưa chiều bất chợt ập xuống. Lửa vẫn cháy trong những ngôi nhà sàn - bên cạnh ngôi nhà mới, như một lời khẳng định, người Trà Linh cố giữ mình trong muôn vàn biến cố. Là mình trong cuộc đổi đời từ sâm Ngọc Linh.