Quảng Trị: Ứng dụng KHCN vào sản xuất, thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là một trong những phong trào trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam được đông đảo nông dân tham gia tích cực và đạt được nhiều kết quả. Phong trào đã thực sự phát huy tinh thần sáng tạo, chủ động đầu tư mở rộng SXKD, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất đã thúc đẩy sự tăng trưởng và bảo vệ môi trường sinh thái.
 

Ứng dụng kỹ thuật mới trong canh tác cây hồ tiêu

Phong trào nông dân SXKD giỏi phát triển sâu rộng trong toàn tỉnh Quảng Trị trên nhiều lĩnh vực đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển ngành nghề, trang trại, doanh nghiệp... ở nông thôn. Số hộ nông dân SXKD giỏi các cấp tăng đều qua các năm. Đến hết năm 2014, toàn tỉnh có hơn 22.000 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp từ cơ sở đến trung ương.

Ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ phong trào thi đua lao động giỏi, nông dân đã mạnh dạn đầu tư vật tư, vốn và trí tuệ vào SXKD đúng hướng, tổ chức quản lý điều hành và đặc biệt là ứng dụng tiến bộ KHCN mới vào sản xuất. Các ngành, các cấp đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho nông dân về vai trò của việc ứng dụng KHCN vào sản xuất, triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc xây dựng nhiều mô hình đã thúc đẩy phong trào nông dân thi đua SXKD. Nhờ đó đã giúp người nông dân nâng cao trình độ hiểu biết và từng bước làm chủ các tiến bộ KH&CN để áp dụng hiệu quả vào sản xuất.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của KHKT cùng với những biến đổi khó lường của dịch hại và thời tiết, nhiều nông dân chuyển hướng, chọn giải pháp tiếp cận với tiến bộ KHKT để tăng năng suất, giảm giá thành sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế. Trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nông dân đã ứng dụng tiến bộ KHKT trong lĩnh vực giống, phân bón, phương thức canh tác, quản lý dịch hại tổng hợp, đưa cơ giới vào đồng ruộng, bảo quản, chế biến sau thu hoạch... Mô hình nông dân sản xuất giống lúa chất lượng tốt để phục vụ sản xuất đại trà và áp dụng quy trình thâm canh thích hợp với từng vùng sinh thái cho năng suất bình quân gần 60 tạ/ha đã được nhân rộng trên toàn tỉnh và đã hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao. Mô hình trồng sắn KM140 ở Hải Lệ, thị xã Quảng Trị cho năng suất cao gấp 1,5 lần so với giống sắn KM94. Mô hình trồng chuối ở Tân Long, Hướng Hóa; trồng tre bát độ, thanh long ruột đỏ ở Triệu Phong; mô hình trồng ớt chỉ thiên, trồng hoa cây cảnh, rau an toàn ở Đông Hà; mô hình lúa-cá, sen- cá ở Hải Lăng... cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Đối với các vườn cây công nghiệp như tiêu, cà phê, cao su, với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, nông dân đã sử dụng giống mới qua chọn lọc lai tạo để thay đổi giống vườn cây già cỗi; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật bón phân theo độ phì nhiêu của đất và năng suất cây trồng giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Cây hồ tiêu được nông dân áp dụng kỹ thuật mới trong trồng và chăm sóc vườn cây theo tiêu chuẩn ICM, kỹ thuật canh tác sinh học, sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh để bón, hạn chế sử dụng các loại phân hóa học trong thời kỳ kiến thiết cơ bản giúp cây phát triển tốt, đến kỳ khai thác cho năng suất cao. Trong khâu chế biến cà phê đã ứng dụng công nghệ sơ chế sử dụng enzyme trong chế biến ướt tiết kiệm nước, điện, giảm hao hụt và đảm bảo chất lượng.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, nông dân cũng mạnh dạn đầu tư các mô hình nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi lợn theo quy trình khép kín, nuôi vịt an toàn, chăn nuôi bò thâm canh, bồ câu Pháp... Phong trào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được nông dân đưa vào sử dụng các nghề mới như lưới chụp, lưới rê, vây rút, sử dụng hệ thống đèn tiết kiệm năng lượng, xử lý ao nuôi bằng biện pháp sinh học nâng cao hiệu quả và đảm bảo môi trường sản xuất bền vững. Nhiều nông dân thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng như các hộ Nguyễn Văn Bình, Hồ Văn Thà ở thị trấn Cửa Việt, Gio Linh. Trong sản xuất lâm nghiệp, việc nhân giống bằng công nghệ cấy mô, giâm hom để trồng rừng nguyên liệu và áp dụng quy trình chăm sóc rừng theo phương pháp FSC đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân yên tâm với nghề rừng. Nhiều nhóm hộ thực hiện phương pháp chăm sóc rừng FSC sau 10 năm cho thu nhập 250 triệu đồng/ha.

Ở vùng đồng bằng, các hộ nông dân vừa thâm canh cây trồng, vật nuôi, vừa mua máy móc làm dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp đem lại nhiều lợi nhuận. Nhiều nông dân còn tự nghiên cứu, sáng chế cải tiến tư liệu phục vụ sản xuất, điển hình như hộ ông Văn Đức Quynh ở Hải Thượng, Hải Lăng. Các ngành nghề truyền thống đang được nông dân khôi phục cùng với việc ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất nâng cao chất lượng hàng hóa làng nghề, nâng cao thu nhập cho người lao động như anh Nguyễn Đăng Dũng ở Linh Chiểu, Triệu Sơn, Triệu Phong sản xuất bún bằng máy kết hợp với chăn nuôi có xử lý môi trường bằng công nghệ sinh học cho lãi ròng mỗi năm hơn 300 triệu đồng.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất cũng thúc đẩy kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh phát triển, cung cấp sản phẩm hàng hóa phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng. Trang trại tổng hợp (rừng, lợn, cá, cây ăn quả) của chị Nguyễn Thị Kiệu ở thôn Thượng Lâm, xã Cam Thành, Cam Lộ được thực hiện theo phương pháp công nghệ sinh học đảm bảo an toàn dịch bệnh cho cây trồng vật nuôi, giảm chi phí, nâng cao thu nhập cho người lao động. Mỗi năm chị Kiệu thu nhập từ trang trại 250 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập 4 triệu đồng/người/tháng.

Có thể khẳng định một trong những giải pháp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh là ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, cùng với việc các cấp, các ngành tuyên truyền mạnh mẽ về ứng dụng tiến bộ KHCN đã tạo nên những hiệu ứng tích cực trong nông dân, góp phần quan trọng làm thay đổi nhận thức trong sản xuất của nông dân và thúc đẩy phong trào thi đua lao động sản xuất phát triển.

TRẦN ANH THƯ
Nguồn: Báo Quảng Trị