Quảng Trị phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

Quảng Trị phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững
Những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh Quảng Trị đang dần chuyển dịch theo hướng tập trung, thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp theo hình thức trang trại, gia trại quy mô lớn, liên kết và mang tính bền vững, từng bước đưa ngành chăn nuôi dần chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nông nghiệp. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đang đặt ra mục tiêu phấn đấu nâng tỷ trọng giá trị sản lượng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp đạt 40% vào năm 2020.


Nhiều hộ gia đình ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) xây dựng trang trại chăn nuôi có hiệu quả.


Thực trạng chăn nuôi nhỏ lẻ

Ở Quảng Trị, những năm qua nhiều hộ gia đình ở vùng gò đồi thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng và hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông vẫn duy trì tập quán nuôi trâu, bò thả rông trong rừng. Theo đó, sau khi mua được con giống về, người dân xua trâu, bò vào rừng để chúng tự kiếm lấy thức ăn, không phải bỏ công chăn dắt, thuốc thang chăm sóc khi bị dịch bệnh. Lúc cần xẻ thịt hoặc bán, người dân chỉ việc vào rừng rẻ đàn lùa về. Chính từ tập quán chăn nuôi lạc hậu này đã nảy sinh những rắc rối, phức tạp mà hậu quả chính người chăn nuôi phải gánh chịu.

Do địa hình rừng núi đi lại khó khăn, việc triển khai tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc còn hạn chế nên nhiều trâu, bò bị nhiễm bệnh chết trong rừng. Đây chính là nguồn lây lan dịch bệnh không kiểm soát được. Việc trâu, bò thả rông rồi không kiểm soát được dẫn đến tranh chấp vật nuôi, gây mất an ninh trật tự ở địa phương, ảnh hưởng đến tình làng nghĩa xóm đã từng xảy ra ở Quảng Trị.

Bên cạnh đó, trâu, bò khi được trả về với tự nhiên, không có sự quản lý của con người, bản tính hoang dã của chúng lại trỗi dậy, thường xuyên phá hoại diện tích rừng trồng cao su tiểu điền, sắn, hoa màu và đe dọa đến cả tính mạng người dân. Thời gian qua, có nhiều người dân ở xã Cam Tuyền (Cam Lộ), Triệu Ái (Triệu Phong) bị đàn trâu hoang tấn công gây thương tích khi vào rừng sản xuất gây hoang mang, lo lắng cho người dân.

Chăn nuôi gia súc phát triển mạnh ở miền núi Quảng Trị.

Anh Phan Doanh, công nhân Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 đang đi kiểm tra rừng ở tiểu khu 604 đã bị đàn trâu hoang tấn công gây thương tích nghiêm trọng ở vùng ngực, phải đưa đi cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Đàn trâu này sau đó tiếp tục tấn công anh Lê Văn Tiến và Nguyễn Văn Quy, ở thôn Tân Hiệp (Cam Tuyền)... Sự việc trên, một lần nữa cảnh báo nạn chăn nuôi trâu, bò thả rông trong rừng lâu ngày không đưa về nhà, trở thành trâu, bò hoang quay lại tấn công người và phá hoại hoa màu, rừng trồng của người dân sống ven vùng rừng giáp ranh giữa các huyện Cam Lộ, Gio Linh và Đakrông...

Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Sinh Tung cho biết: Đối với số trâu bò chăn nuôi có kiểm soát, khi có dịch bệnh xảy ra, cơ quan thú y sẽ triển khai nhanh các biện pháp để khống chế, bao vây, dập dịch. Còn đối với số trâu bò thả rông, lực lượng thú y dù có nỗ lực vào rừng tiêm phòng thì cũng không thể bao quát được và nguy cơ lây lan dịch bệnh từ trâu, bò thả rông là hết sức cao. Những năm qua, thiên tai với loại hình mới xuất hiện như rét đậm, rét hại kéo dài đã gây ngã đổ một số lượng lớn trâu, bò, nhất là bê, nghé, làm cho người chăn nuôi bị thiệt hại lớn...

Ðể giữ vững tổng đàn và chất lượng vật nuôi trước những biến động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, những năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đề tài nghiên cứu để chọn lựa và nâng cấp các loại giống con nuôi có giá trị kinh tế cao nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò, lợn phát triển bền vững và chiếm tỷ trọng tương xứng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Theo đó, người dân không chăn nuôi theo lối tận dụng đồng cỏ tự nhiên, thả rông, mặc chăng hay chớ, thả nổi cho dịch bệnh, thời tiết bất lợi, mà phải chủ động tạo nguồn thức ăn cho trâu, bò, lợn bảo đảm về số lượng và chất lượng...

Định hướng phát triển chăn nuôi

Hiện nay, đứng trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội về số lượng, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải thay đổi căn bản theo hướng thâm canh sản xuất hàng hoá và tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng hiệu quả và bền vững.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng cho biết: Mô hình trồng cỏ nuôi bò đang giúp nông dân các xã vùng gò đồi thay đổi tập quán chăn nuôi từ dựa vào tự nhiên sang chăn nuôi theo phương thức an toàn, có hiệu quả kinh tế cao. Đây còn là cơ sở vững chắc trong việc xây dựng nguồn nông sản hàng hóa chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu thực phẩm của người tiêu dùng. Đặc biệt, việc chăn nuôi theo hướng ổn định, bền vững sẽ tạo điều kiện để nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh của hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở. Công tác bao vây, khống chế, dập dịch trên đàn gia súc cũng sẽ nhanh chóng, chủ động và hiệu quả hơn.

Trang trại chăn nuôi và sản xuất vịt giống ở thôn Linh An, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) cho hiệu quả kinh tế cao.

Toàn tỉnh Quảng Trị có tổng đàn bò hơn 55.550 con, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng bò cái được phối tinh giống Zebu tăng nhanh qua các năm, tiếp tục khẳng định hiệu quả của chương trình cải tạo đàn bò (bò lai chiếm 41,4% tổng đàn). Trong chăn nuôi bò đã hình thành các tổ hợp tác chăn nuôi bò nhốt vỗ béo kết hợp dành vùng đất tốt để trồng cỏ nuôi bò đang ngày càng phát triển ở thôn Bắc Bình (Cam Tuyền); nuôi bò lai Zebu ở các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Tân (Vĩnh Linh). Hiện nay, chăn nuôi bò ở Quảng Trị chuyển mạnh theo hướng nuôi bò nhốt kết hợp với trồng cỏ thâm canh và kêu gọi các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp tập trung, áp dụng công nghệ cao. Tỉnh Quảng Trị đang tạo mọi điều kiện và mời gọi Công ty CP Bình Hà đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô 100 nghìn con bò, diện tích vùng dự án quy hoạch gần 3.000 ha tại huyện miền núi Hướng Hoá.

Ông Lê Công Minh, ở thôn Trung Kiên, xã Triệu Thượng (Triệu Phong) chuyển toàn bộ năm sào đất sang trồng cỏ để nuôi bò nhốt chuồng. Từ mô hình trồng cỏ, hàng năm gia đình ông nuôi từ 12-15 con bò lai, đem lại thu nhập từ 100-150 triệu đồng. Theo ông Minh, mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách chăn nuôi truyền thống. Bò được đầu tư chăm sóc tốt nên nhanh lớn, béo, vì vậy bán được giá hơn. Tính trong một năm nuôi bò nhốt cho lợi nhuận cao gấp hai lần so với nuôi bò thả rông. Mỗi con bò nuôi nhốt mỗi năm thu lãi từ 7- 8 triệu đồng...

Lên các huyện miền núi Quảng Trị tìm hiểu về mô hình chăn nuôi có hiệu quả, chúng tôi được Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Võ Thanh giới thiệu về các trang trại chăn nuôi tổng hợp có hiệu quả ở thị trấn Lao Bảo. Nhiều năm về trước, phần lớn người dân ở đây sống bằng nghề buôn bán, trao đổi hàng hóa qua về cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, chỉ có một số hộ chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, giá trị kinh tế không cao. Trước chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện về vay vốn ưu đãi, hướng dẫn khoa học kỹ thuật chăn nuôi của các cấp, ngành ở địa phương, nhiều hộ gia đình dân ở thị trấn Lao Bảo đã đầu tư xây dựng trang trại, gia trại để chăn nuôi tổng hợp. Đến nay, toàn thị trấn có 23 trang trại, 17 gia trại chăn nuôi lợn siêu nạc, bò vỗ béo, gà và dê… Bình quân, thu nhập của mỗi trang trại, gia trại đạt từ 200 - 400 triệu đồng/năm. Việc phát triển các trang trại, gia trại đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chăn nuôi bò mở hướng làm giàu cho nhiều hộ gia đình ở huyện miền núi Đakrông (Quảng Trị).

Ông Trần Bình Khải, ở khóm Tân Kim cho biết: Trước khi tiến hành chăn nuôi lợn, ông đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi phương pháp chăn nuôi, quy trình làm chuồng, chọn con giống, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Hội Nông dân tổ chức; tham quan các mô hình chăn nuôi lợn hiệu quả trong và ngoài địa phương. Trong chuồng trại nhà ông thường xuyên nuôi 160 con lợn thịt và 30 lợn nái, hằng năm cho xuất chuồng hơn 400 con, có tổng thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.
Ông Khải chia sẻ: Qua hơn hai năm đầu tư chăn nuôi lợn theo hướng trang trại, tôi thấy đây là mô hình kinh tế phù hợp với gia đình mình. Thị trường tiêu thụ lợn khá ổn định. Đến thời điểm xuất chuồng thương lái đưa xe đến tận trang trại thu mua. Từ ngày mở trang trại chăn nuôi, gia đình chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định, đời sống từng bước được nâng cao, có điều kiện nuôi con ăn học.

Để ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trâu, bò phát triển và chiếm tỷ trọng tương xứng trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, các địa phương và người chăn nuôi đã tập trung vào việc tạo nguồn thịt dồi dào, chất lượng cao cho xã hội từ vật nuôi, thay vì tận dụng trâu, bò làm sức kéo. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cùng các địa phương đã từng bước quy hoạch đồng cỏ có năng suất cao, chất lượng tốt, chủ động đáp ứng nhu cầu phát triển chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời xây dựng các chương trình, dự án mang tính lâu dài bảo đảm chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Tác giả bài viết: NGUYỄN VĂN HAI

Nguồn tin: www.nhandan.com.vn