Quy định đóng tàu theo Nghị định 67 vênh nhau: Lúng túng xử lý
- Thứ năm - 11/06/2015 22:16
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tàu đã ra khơi vẫn phải chờ
Ông Nguyễn Sáu (xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi), chủ tàu QNg 98919 đóng mới theo NĐ 67, đã hạ thủy đi Hoàng Sa mấy tháng nay nhưng vẫn chưa nhận được tiền hoàn thuế GTGT như quy định. Ông Sáu cho hay, ngay khi tàu đóng xong thì ông cũng hoàn tất hồ sơ, đầy đủ thủ tục để hoàn thuế GTGT 10%. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 3 tháng nhưng ông vẫn chỉ nhận được câu trả lời: Chờ xem xét. “Mới đây, khi tôi gửi đơn kiến nghị đến Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi và tiếp tục lên hỏi thì họ bảo phải chờ thêm 40 ngày nữa mới có câu trả lời chính thức, xem có hoàn thuế được hay không” - ông Sáu cho biết.
Với việc đóng mới con tàu hết gần 10 tỷ đồng, ông Sáu phải bỏ ra 5% trong giá trị con tàu này để làm vốn đối ứng, số còn lại vay vốn ưu đãi. “Làm xong tàu thì gia đình tui cũng cạn vốn, lại chấp nhận vay tiền ngoài để đầu tư ngư lưới cụ. Số tiền vay này hy vọng sẽ được bù vào bằng tiền hoàn thuế, nhưng nghe kiểu trả lời thế thấy nó xa vời quá”, ông Sáu nói.
Ngư dân Lê Văn Nhắn (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), người đầu tiên được giải ngân vay vốn đóng tàu theo NĐ 67 ở Đà Nẵng, cho hay: Hiện tại ông vẫn chưa nhận được thông tin gì về việc hoàn thuế GTGT. Tuy nhiên, với những thông tin trên báo chí và các bạn thuyền ở Quảng Ngãi, Quảng Nam thông báo, ông cũng đang lo lắng không biết được hoàn thuế số tiền gần 1 tỷ đồng thuế GTGT hay không. “Tui lo lắm, nếu không được hoàn thuế thì phải bỏ tiền mua ngư
lưới cụ”.
Theo ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng, hiện Sở chưa nhận được khiếu nại ngư dân. Tuy nhiên, trong Ban chỉ đạo thực hiện NĐ 67 có người của Cục thuế là thành viên nên Sở sẽ ngay lập tức họp bàn phương án giải quyết, hướng dẫn ngư dân thi hành.
Nhiều vướng mắc
Theo Sở NN&PTNT Quảng Ngãi, có nhiều vướng mắc cần được làm rõ trong quá trình thực hiện NĐ 67, đóng mới tàu xa bờ cho ngư dân. Cụ thể, về đối tượng, chủ tàu đóng tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ theo NĐ 67 có thuộc đối tượng được hoàn thuế hoặc không chịu thuế GTGT hay không; Chủ tàu giao cho đơn vị đóng tàu chịu trách nhiệm toàn bộ chi phí đầu vào (trong đó có thuế GTGT của máy móc, vật tư, trang thiết bị, ngư lưới cụ…) chủ tàu được hưởng ưu đãi gì và có được hoàn thuế GTGT của máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ… đầu vào hay không? Thuế GTGT đầu ra được tính như thế nào? Chủ tàu tự mua máy móc, vật tư, trang thiết bị, ngư lưới cụ… đầu vào (có hóa đơn GTGT của đơn vị bán), chỉ thuê đơn vị đóng tàu gia công vỏ tàu, đơn vị đóng tàu chỉ xuất hóa đơn GTGT cho chi phí gia công vỏ tàu… với phương án này chủ tàu được hưởng ưu đãi gì và có được hoàn thuế GTGT đầu vào hay không? Thuế GTGT đầu ra được tính như thế nào?
Ngoài ra, theo Sở NN&PTNT tỉnh, NĐ 67 quy định chủ tàu được cho vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu cá. Theo đó, ở cả hai phương án, đóng trọn gói và chỉ đóng thân tàu, mức tín dụng cho vay đối với chủ tàu có bao gồm thuế GTGT đầu vào (và đầu ra) hay không? Hiện nhiều chủ tàu đang loay hoay vì các đơn vị bán vật tư, máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ… đều bán và xuất hóa đơn theo giá có thuế GTGT. Ngược lại, các ngân hàng thương mại đề nghị không cơ cấu trong tổng mức đầu tư đóng tàu phần thuế GTGT đầu vào của vật tư, máy móc, trang thiết bị, ngư lưới cụ…
Vướng mắc cuối cùng, theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi, và cũng là then chốt nhất, đó là thời điểm thực hiện chính sách ưu đãi về thuế GTGT. Đề nghị ngành thuế hướng dẫn cụ thể chính sách ưu đãi tại các thời điểm trước và sau ngày 1/1/2015 và chính sách ưu đãi thuế theo NĐ 67.
theo tienphong
Ông Hồ Quang Vinh – Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi cho hay, hiện nay chưa thể trả lời rõ ràng được ngư dân đóng tàu theo NĐ 67 có được hoàn thuế GTGT hay không. “Đã có khiếu nại của ngư dân gửi lên chúng tôi về chuyện hoàn hay không được hoàn thuế GTGT sau khi đóng tàu theo NĐ 67. Hiện chúng tôi tuân thủ theo hệ thống chính sách để thực hiện. Nếu có vướng mắc gì thì chuyển lên trên giải quyết”.