SRI “bén rễ” ra diện rộng

Từ 10 hộ nông dân thí điểm quy trình thâm canh lúa cải tiến (SRI) vào năm 2008, đến nay tỉnh Thái Nguyên đã có hàng nghìn hộ tham gia.

Bà Ngô Thị Bình (53 tuổi) ở xóm Vườn Rẫy, xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên có 8 sào ruộng cấy 2 vụ lúa. Tất cả diện tích này, bà áp dụng quy trình thâm canh cải tiến (SRI) và thu về năng suất cao hơn 10-15% so với canh tác truyền thống.

Năm 2008, gia đình bà là 1 trong 10 gia đình của xã Đồng Tiến được tham gia quy trình SRI do Tổ chức Oxfam phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên chọn làm thí điểm ô mẫu. Đến nay đã là hơn 4 năm, bà áp dụng kỹ thuật thâm canh mới này cho các giống lúa Khang Dân và giống lúa Q Ưu. Bà Bình cho biết: “SRI là quy trình thâm canh lúa tốt hơn quy trình truyền thống trước đây ở chỗ không tốn giống, cấy theo hàng vừa dễ làm cỏ, giảm phun thuốc trừ sâu, bông lúa lớn hơn và chắc hạt”.

Người dân xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) áp dụng kỹ thuật SRI trong thâm canh lúa.

Theo phương pháp truyền thống mà bà Bình vẫn thực hiện trước đây, mỗi sào ruộng cần 2,8–3kg lúa giống. Giống lúa thuần bà thường dùng là Khang Dân, cho năng suất trung bình 1,5 – 1,6 tạ/sào (mỗi sào Bắc Bộ bằng 360m2). Nhưng theo quy trình SRI, mỗi sào ruộng giờ đây chỉ cần 0,8 – 1kg lúa giống do chỉ cấy 1-2 dảnh lúa, thay vì cấy 7-10 dảnh như trước (tiết kiệm từ 50 – 70% giống). Lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm. Năng suất lúa theo phương pháp thâm canh cải tiến tăng bình quân từ 8-10%. Canh tác theo quy trình mới, giống lúa Khang Dân cho năng suất 2–2,2 tạ/sào, giống lúa Q Ưu có thể cho thu hoạch 3 tạ/sào. Hiện nay nhà bà Bình có 5 sào cấy lúa Khang Dân và 3 sào cấy lúa Q Ưu.

Một nông dân khác, anh Nguyễn Thái Duy, 38 tuổi ở thôn Thanh Xuân, xã Đồng Tiến có 3.800m2 ruộng trồng lúa, trong đó 3.000m2 cấy lúa 2 vụ. Gia đình anh Duy đã có hơn 4 năm áp dụng thâm canh lúa theo phương pháp SRI. Năng suất lúa tăng 15–20%. Bên cạnh nghề nông, vợ chồng anh còn có thêm thu nhập từ nghề điện dân dụng và bán tạp hóa. Lượng thóc thu về từ ruộng lúa không chỉ đủ dùng cho hai vợ chồng và 2 con, còn phục vụ chăn nuôi.

Trồng bằng kỹ thuật SRI giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường.
Trên bình diện cả nước, đến nay, quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI đã được nông dân nhiều địa phương ở 40 tỉnh, thành áp dụng.
Từ chỗ chỉ có 10 hộ làm thí điểm (2008), đến nay xã Đồng Tiến đã có 1.300 hộ áp dụng phương pháp thâm canh lúa cải tiến, cho thấy sự hấp dẫn và hiệu quả của quy trình SRI. Tuy nhiên, có một số nông dân dù muốn nhưng vẫn chưa thể áp dụng quy trình này, vì ruộng chưa chủ động được nước tưới – một điều bắt buộc nếu muốn áp dụng quy trình này. Ở những thôn có nhiều người làm nghề phụ như thôn Thanh Xuân, một số nông dân không trực tiếp cấy lúa mà thuê người nơi khác đến cấy, cũng chưa áp dụng quy trình mới này.

Đi cùng đoàn chúng tôi có chị Đặng Thị Thắm - cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phổ Yên. Chị Thắm cho biết thêm: Đến nay, huyện Phổ Yên đã nhân rộng quy trình thâm canh lúa cải tiến ra 18 xã trong huyện. Các huyện khác của tỉnh Thái Nguyên cũng đang mở rộng ứng dụng quy trình này. “Từ năm 2013, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên đã được cấp thêm 100 triệu đồng từ kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh Thái Nguyên để nhân rộng quy trình SRI ra 2 huyện Phú Lương, Định Hoá (2 huyện vùng cao chưa được hỗ trợ trong giai đoạn vừa qua). Hơn 70% dân số ở 2 huyện này là người dân tộc thiểu số” - bà Đỗ Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết thêm.

Như vậy, từ một sáng kiến có sự hỗ trợ ban đầu của Tổ chức Oxfam và Cục Bảo vệ thực vật, người dân đã “đồng sáng tạo” để quy trình SRI đem lại nhiều giá trị mới. Và một điều đáng mừng là cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã hưởng ứng và trích ngân sách để hỗ trợ mở rộng ứng dụng quy trình này ra diện rộng. 

Quy trình thân thiện với môi trường

* 9 ưu điểm của SRI: Tiết kiệm thóc giống (70-90%); tiết kiệm nước (40%); giảm công cấy (50%); dễ làm cỏ; giảm sâu bệnh, giảm công và thuốc trừ sâu bệnh (50-70%); lúa chống đổ tốt; năng suất tăng 12-29%; tăng chất lượng gạo; bảo vệ môi trường.

* 5 nguyên tắc của SRI: Cấy mạ non 2,5-3 lá; cấy thưa 1 dảnh/khóm; không sử dụng thuốc trừ cỏ, làm cỏ sục bùn sớm 2-3 lần; chế độ nước: để lớp nước mỏng 1cm và cạn xen kẽ; khuyến khích bón phân hữu cơ.

* Tính thích hợp của SRI: Áp dụng được với tất cả các giống lúa, đặc biệt là với giống lúa lai có hiệu quả lớn hơn; áp dụng ở tất cả các vụ.

* Không áp dụng SRI: Đất xấu, ruộng không phẳng; đất không chủ động nước, chăm sóc kém.

Tiếc nuối vì mất “đất dụng võ...”

Niềm vui làm chủ quy trình trồng lúa theo phương pháp thâm canh lúa cải tiến (SRI) chưa được bao lâu, nhiều nông dân xã Đồng Tiến lại tiếc nuối vì sẽ không còn đất mà cấy lúa.

Một ngày cuối tháng 3.2013, tôi đến thăm đồng lúa canh tác theo quy trình SRI của xã Đồng Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên theo một chương trình tập huấn thực tế. Một trong những nông dân tôi gặp đầu tiên là chị Nguyễn Thị Hợp – nông dân, thôn Thanh Xuân, đội 3, xóm Vườn Rẫy (xã Đồng Tiến). Vừa bẻ dảnh lúa kiểm tra sâu đục thân, chị Hợp vừa chia sẻ: “Sau gần 6 năm từ ngày đầu tiên được chọn thí điểm làm lúa theo phương pháp thâm canh cải tiến, hiệu quả đã được minh chứng qua nhiều vụ: Giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giảm công làm cỏ, tiết kiệm giống và nước tưới, tăng năng suất 10-15%. Nông dân trong thôn Thanh Xuân giờ đây ai cũng học theo phương pháp SRI”.

Tôi chưa kịp khen thì giọng chị chùng xuống, nhìn cánh đồng với vẻ tiếc rẻ. “Những đám ruộng này đang trong thời kỳ “khát nước”, lúa đang làm đòng nhưng các kênh mương đều cạn khô. Giai đoạn này mà thiếu nước thì khó mà đạt năng suất lắm. Giờ chẳng biết làm gì chỉ biết trông chờ vào nước trời”.

Cùng tâm trạng với chị Hợp, những nông dân khác đang chờ nước ở Đồng Tiến đều lo lắng, thấp thỏm trong lòng.

Giải đáp cho thắc mắc của tôi, chị Hợp cho biết, việc các hệ thống mương trong khu canh tác ở xóm Vườn Rẫy không có nước do một dự án của Tập đoàn Samsung đang đầu tư và san ủi mặt bằng, ảnh hưởng đến mương nước, người dân phải chờ nước từ kênh mương theo hướng khác. Hiện tại, họ vẫn chỉ biết chờ đợi và trông chờ vào nước trời trước khi có kênh mương mới.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Đặng Đức Kiên-Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tiến thừa nhận quy trình làm lúa SRI đã chinh phục được nông dân địa phương, nhưng ông cũng cho biết: “Đồng Tiến có hơn 200ha đất lúa bị mất do xây dựng đô thị và đất cho Tập đoàn Samsung. Những diện tích lúa này chủ yếu là lúa trồng theo phương pháp SRI. Hiện tại, xã có 23/25 xóm với 1.300 hộ, trên 270ha lúa đã học và áp dụng theo phương pháp SRI”.

Vẫn biết đô thị hóa nông thôn, xây dựng các khu công nghiệp có thể đem lại nhiều “cơ hội” hơn cho những người dân sở tại; thanh niên được ưu tiên học nghề, có việc làm; hay mở rộng dịch vụ, buôn bán cho các vùng nông thôn… Nhưng với những nông dân yêu lúa như con, lại vừa được học và áp dụng quy trình mới thành công như chị Hợp mà đã được báo trước sẽ phải chia tay với lúa là điều trăn trở. Ở tuổi chị, cơ hội được tuyển dụng vào các nhà máy mới hoặc sắp sửa mọc lên... là rất thấp.