Sản xuất và tiêu thụ cam Canh bền vững: Nâng giá trị từ sản phẩm an toàn
- Thứ ba - 05/01/2016 22:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giàu lên nhờ trồng cam
Những ngày cuối năm, xã Kim An, huyện Thanh Oai tấp nập chẳng khác gì ngày hội. Bởi đây là khoảng thời gian cam Canh chín rộ, rất nhiều thương lái đến tận vườn thu mua với số lượng lớn. Ông Lê Xuân Long, ở thôn Ngọc Liên, chủ vườn cam hơn 2 mẫu chia sẻ: “Năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 20 tấn cam, với giá bán 50.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, thu lãi 500 triệu đồng”. Tương tự, ông Mai Văn An, ở thôn Tràng Cát chỉ có 3 sào cam nhưng cũng cầm chắc 100 triệu đồng tiền lãi.
Mô hình trồng cam tại huyện Gia Lâm. Ảnh: Ánh Ngọc
Manh nha từ năm 2001 với 2 hộ, đến nay, diện tích cây cam Canh của xã Kim An đã tăng lên 60ha với hơn 200 hộ trồng. Ông Đoàn Văn Huỳnh – Chủ tịch UBND xã cho biết, trồng cam cho thu lãi cao, trung bình từ 500 – 700 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có vườn cho thu lãi 1 tỷ đồng/ha/năm nên người dân địa phương rất thích “làm” cam. Từ năm 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội về mặt kỹ thuật thâm canh nên năng suất và chất lượng cam đã tăng lên đáng kể. Năm 2015, sản lượng cam của Kim An đạt xấp xỉ 1.000 tấn, ước tính cho thu nhập 50 tỷ đồng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, trước đây cam Canh chủ yếu trồng ở huyện Từ Liêm (cũ) nhưng hiện đã được phát triển mạnh tại các huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Hoài Đức... với tổng diện tích 747ha, sản lượng hàng năm đạt gần 7.000 tấn. Mặc dù được đánh giá là loại cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao nhất hiện nay, song tình hình sản xuất và tiêu thụ cam trên địa bàn TP vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Gỡ “nút thắt”
Cam là loại cây ăn quả dễ bị nhiễm bệnh nên đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc khoa học và tỉ mỉ. Theo các chủ vườn, cây cam dễ bị nhiễm bệnh vàng lá nhất nhưng bệnh này hiện chưa có thuốc đặc trị. Thêm vào đó, việc nông dân nhân giống bằng phương pháp ghép mắt theo kinh nghiệm cũng là nguyên nhân khiến cây giống không đảm bảo chất lượng và thường xuyên bị nhiễm bệnh. Bà Nguyễn Thị Thoa – Trưởng phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho rằng, Thanh Oai rất khó có được bộ giống cam Canh đạt yêu cầu vì hiện nay trên địa bàn huyện vẫn chưa có cây cam nào được công nhận là cây đầu dòng.
Một yếu tố khác là sự biến đổi bất thường của thời tiết khiến nhiều chủ vườn đứng ngồi không yên. “Hơn chục năm “làm” cam, tôi chưa thấy năm nào như năm nay, tháng 10 âm lịch mà trời vẫn nắng to, nhiệt độ vẫn cao đến 35oC khiến cam nảy lộc trái mùa. Hiện tượng này đồng nghĩa với việc sang tháng 2, cam không ra hoa nữa” – ông Mai Văn An, thôn Tràng Cát lo lắng. Để hạn chế tối đa những rủi ro do thời tiết gây ra, Sở NN&PTNT cần hỗ trợ nông dân về tập huấn kỹ thuật chuyên sâu để ứng biến kịp thời. Đáng chú ý, mặc dù nhãn hiệu tập thể “Cam đường Kim An” đã được công bố một năm nay nhưng địa phương vẫn chưa xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiện, các hộ gia đình chủ yếu tiêu thụ cam qua kênh bán buôn cho thương lái nên giá trị chưa cao.
Ông Ngô Đại Ngọc – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhận định, hiện nay, sản lượng quả của Hà Nội chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu thị trường, do đó để cạnh tranh được những sản phẩm ở nơi khác mang về, sản phẩm quả của Hà Nội phải hơn hẳn về chất lượng và đảm bảo an toàn. Khi sản phẩm an toàn chắc chắn giá trị hàng hóa sẽ cao. Để làm được điều này, nông dân cần liên kết thành các tổ, nhóm để hỗ trợ, kiểm soát nhau trong sản xuất, như vậy sản phẩm cam mới an toàn và giữ vững được thương hiệu.
Với sự hỗ trợ đắc lực của Sở NN&PTNT, trong tháng 12/2015, Công ty CP Nhất Nam đã ký hợp đồng cam kết với HTX Nông nghiệp Kim An tiêu thụ 40 tấn cam Canh để cung ứng cho chuỗi siêu thị Fivimart trên địa bàn TP.
Ánh Ngọc
Nguồn tin: Kinh Tế Đô Thị