Sáng 14.10: Diễn đàn nông dân quốc gia "Khơi nguồn nông sản Việt"

Nông nghiệp Việt Nam trong những năm gần đây đã có sự gia tăng nhanh chóng về mặt sản xuất, kéo theo đó là áp lực tăng lên về mặt tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Những vấn đề này sẽ được nhìn nhận, mổ xẻ tại Diễn đàn nông dân quốc gia lần 3, với chủ đề “Khơi nguồn cho nông sản Việt”.

Những tín hiệu mừng

29,64 tỷ USD là con số kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thuỷ sản lũy kế từ đầu năm 2018 đến nay, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 73% kế hoạch năm. Trong thời gian qua, hàng loạt các mặt hàng nông sản của Việt Nam như chôm chôm, xoài, vải thiều… đã được xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Hiện đã có tới 10 sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên như: Lúa gạo, cà phê, tôm, cá tra, cao su, sắn, hạt điều, rau quả…

 sang 14.10: dien dan nong dan quoc gia 'khoi nguon nong san viet' hinh anh 1

Trong thời gian qua, hàng loạt các mặt hàng nông sản của Việt Nam như chôm chôm, xoài, vải thiều… đã được xuất khẩu sang những thị trường khó tính. Ảnh: I.T

3 phiên đối thoại về
3 chủ đề nóng

Nhằm đánh giá những kết quả đạt được cũng như đưa ra những giải pháp thúc đẩy nông sản Việt, ngày 14.10 tới đây, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công thương chỉ đạo tổ chức Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ III với chủ đề “KHƠI NGUỒN CHO NÔNG SẢN VIỆT”. Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) phối hợp thực hiện.
Diễn đàn sẽ có 3 phiên đối thoại về 3 chủ đề nóng. Phiên 1 có chủ đề “Tổng quan chợ nông sản Việt”; Phiên 2 có chủ đề “Cùng nông dân đi chợ”; Phiên 3 có chủ đề “Đưa nông sản Việt ra chợ thế giới”.
Tham dự và chủ trì Diễn đàn, dự kiến có đồng chí Vương Đình Huệ, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tham dự diễn đàn còn có đại diện: Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp và nông dân.

P.V

Trước tín hiệu đáng mừng đó, những khó khăn thách thức cũng đang dần được gỡ bỏ để tạo đà cho nông nghiệp Việt Nam khơi dậy tiền năng xuất khẩu to lớn. Đây là sự nỗ lực và phối hợp giữa Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương, Trung ương Hội ND với các địa phương, doanh nghiệp và nông dân.

Bình luận về kết quả này, ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội ND Việt Nam, cho biết: “Có một thực tế rất rõ đến Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế cũng phải công nhận, nông nghiệp, nông dân, nông thôn của nước ta đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào. Đóng góp của mặt hàng nông sản vào giá trị xuất khẩu của cả nước liên tục tăng và tạo được những đột phá ấn tượng, ví dụ như đến tháng 4.2018, lần đầu tiên giá trị xuất khẩu rau quả ở Việt Nam vượt dầu thô…”.

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi thì những tháng cuối năm này xuất khẩu các sản phẩm nông lâm thuỷ sản sẽ đối diện với nhiều khó khăn hơn, và để đảm bảo mục tiêu kim ngạch 40 tỷ USD, đòi hỏi các ngành hàng phải rất nỗ lực rất nhiều.

Bộ trưởng NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm nay nông nghiệp Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ USD, nhưng nguy cơ thị trường rất lớn, đặc biệt là từ các cuộc chiến tranh thương mại, hàng rào bảo hộ.

Để khơi dậy tiềm năng xuất khẩu nông sản Việt, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục đàm phán với các nước để đưa nhiều sản phẩm trái cây thâm nhập vào các thị trường, trong đó tập trung vào các mặt hàng như xuất khẩu xoài sang Mỹ; nhãn sang Úc, măng cụt, bưởi, na, dừa, chanh leo, roi, sầu riêng vào Trung Quốc; chôm chôm, chanh leo, nhãn, vú sữa vào Hàn Quốc… Đối với sản phẩm thuỷ sản, một số mặt hàng và thị trường tiềm năng trong thời gian tới là cá hồi, nghêu, cá đồng, cá rô phi xuất khẩu vào Trung Quốc; tôm tươi nguyên con vào thị trường Úc…

Giải bài toán đầu ra

Ngoài ra, nhằm tiếp tục giải quyết “bài toán” đầu ra cho nông sản, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ NNPTNT thôn tìm kiếm, giới thiệu các tập đoàn nước ngoài chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với nhu cầu chế biến, sử dụng phụ phẩm..., đặc biệt là công nghệ về giống; giới thiệu, kêu gọi các nhà đầu tư, tập đoàn, công ty lớn hợp tác, nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm; nghiên cứu, tổng hợp thông tin về thị trường đối với từng mặt hàng cụ thể.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tìm kiếm các thị trường nước ngoài có tiềm năng, cung cấp thông tin cho Bộ NNPTNT và các địa phương nhằm điều tiết, phối hợp tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm nông sản hợp lý, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Với vai trò của mình, Trung ương Hội ND cũng đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của nông dân trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng với thế giới, về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao, sử dụng Internet và nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng và liên kết chặt chẽ 5 nhà: Nhà nước - nhà đầu tư - nhà khoa học - nhà nông - nhà bank (ngân hàng) để nâng cao thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới.

Còn rất nhiều những kiến nghị, giải pháp hay để tạo cú hích cho thị trường nông sản Việt. Tất cả sẽ được đưa ra phân tích, thảo luận chi tiết tại “Diễn đàn nông dân quốc gia lần thứ III “Khơi nguồn cho nông sản Việt”, diễn ra tại Hà Nội vào ngày 14.10 tới đây.

Ông Vũ Vinh Phú - Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội:

“Một mũi tên trúng nhiều đích”

Nếu khơi thông được dòng chảy hàng hóa nông sản, sẽ là một mũi tên trúng nhiều đích đó là nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt, đẩy mạnh được tiêu thụ hàng hóa tại các kênh phân phối hiện đại đang được người tiêu dùng tín nhiệm trên thị trường. Từ đó góp phần vào nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước hiện nay và những năm tiếp theo. Muốn vậy, chúng ta cần phải tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển các loại nông sản. Đi đôi với đó là việc mở rộng chính sách hạn điền, tạo điều kiện tốt, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa và hạ giá thành sản phẩm.

 

Nguyễn Xuân Thành - Trường Đại học Fulbright Việt Nam:

“Nông sản Việt hưởng lợi từ chiến tranh thương mại”

Việt Nam có khoảng 13 tỷ USD tất cả các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ tương tự như hàng Trung Quốc phải chịu thuế 10%. Trong đó, nông sản và thủy sản (kể cả sản phẩm chế biến) có giá trị 2,9 tỷ USD, chiếm tới 22,1% sẽ được hưởng lợi trong cuộc chiến này do Trung Quốc bị áp thuế cao hơn.

Huyền Anh

Theo Lê Thúy (danviet.vn)