Sẽ có nhiều nông dân triệu phú
- Thứ tư - 24/12/2014 01:49
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Từ năm 2011, dưới sự chỉ đạo của Bộ NNPTNT, mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã được triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước. Sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn thực chất là sự liên kết sản xuất dịch vụ khép kín 4 nhà (nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp). Qua 3 năm triển khai, thống kê cho thấy các tỉnh có diện tích thực hiện mô hình CĐML ở miền Bắc là Thái Bình, Nam Định và ở phía nam là An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Long An, Cần Thơ, Trà Vinh, Kiên Giang.
Lựa chọn từng ngành hàng phù hợp
Ngày 10.6.2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 899 về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với 3 mục tiêu chính: Xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa lớn; nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp; tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao và có tính cạnh tranh trên thị trường. Từ đó, Bộ NNPTNT đã triển khai 5 mục tiêu cụ thể để thực hiện đề án này, đó là: Quy hoạch lại quy mô sản xuất nông nghiệp, tăng tích tụ ruộng đất cho người dân; thiết lập các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng và nhu cầu của thị trường; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; đào tạo nghề và khuyến khích người ND chủ động, sáng tạo trong lao động, sản xuất.
Đánh giá về việc triển khai đề án này, TS Đặng Kim Sơn- Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn nói: “Tái cơ cấu nông nghiệp đang diễn ra ở rất nhiều địa phương, xuất phát từ việc phát huy lợi thế từng vùng miền và mỗi vùng tùy theo điều kiện môi trường, kinh tế, xã hội và thị trường, để họ lựa chọn cho mình ngành hàng nào có lợi thế nhất. Chẳng hạn, có vùng thì ven biển là thủy sản, miền núi là lâm sản, ở trung du có thể chăn nuôi hoặc các cây công nghiệp dài ngày, còn ở đồng bằng thì là lúa gạo, cá da trơn…”. Cũng theo phân tích của TS Đặng Kim Sơn, hiện các nông sản của nước ta đa số đã sản xuất để tiêu thụ ra thị trường cho dù người sản xuất của ta là người sản xuất nhỏ. Tuy nhiên, ở đây có thể người ta gọi là chuỗi sản xuất chứ chưa phải là chuỗi giá trị, tức là nó có nối với nhau nhưng bị cắt đoạn rất phập phù và không có sự nâng cao giá trị. Khi đã chuyển từ chuỗi sản xuất sang chuỗi giá trị thì đây là bước tiến rất lớn và đây chính là nội dung chính của quá trình tái cơ cấu.
Chia sẻ quan điểm của mình về quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, TS Phan Huy Thông- Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng: “Động lực hay chìa khóa để chúng ta đạt được mục tiêu của tái cơ cấu nông nghiệp đều phải xác định 2 giải pháp có tính quyết định là khoa học kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất để đạt được mục tiêu gia tăng giá trị và nâng cao thu nhập. Trong đó, hoạt động khuyến nông là một trong những lực lượng chủ chốt để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu”. Cụ thể, theo ông Thông, lần này nội dung hoạt động khuyến nông sẽ bám vào những sản phẩm hàng hóa chủ lực mà từng vùng miền, từng địa phương đã xác định để mà xác định những đối tượng cần chuyển giao và lựa chọn những tiến bộ công nghệ có tính đột phá, có khả thi trên diện rộng để tạo sức bật về tăng năng suất, chất lượng và giá trị của sản phẩm.
“Tỉnh nào, huyện nào cũng tái cơ cấu sẽ nát bét”
Nhìn nhận từ góc độ của người ND, ông Nguyễn Văn Quý- Chủ tịch Hội ND Vĩnh Phúc cho biết: “Theo tôi, để tái cơ cấu nông nghiệp thành công thì tất cả giai cấp ND, doanh nghiệp tư nhân cùng các nhà khoa học phải vào cuộc đồng bộ, tích cực với Nhà nước và phải giúp ND giải quyết những cái cần thiết trong sản xuất. Đó là: ND cần chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật. ND cần dạy nghề, chuyển đổi nghề, ND cần vật tư, cây con giống tốt; ND cần vay vốn và hỗ trợ sản xuất”. Muốn làm được như thế, ông Quý cho rằng, Nhà nước phải có nguồn nhân lực chất lượng cao để tham mưu về định hướng phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung…
Còn dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo- Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, để tái cơ cấu, tái cấu trúc lại hay tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nước ta theo sản xuất nông nghiệp hàng hóa đem lại giá trị cao, chúng ta phải tổ chức quy hoạch sản xuất hàng hóa theo vùng mà cây trồng đó phù hợp, chứ không phải tỉnh nào cũng tái cơ cấu, huyện nào cũng tái cơ cấu, xã nào cũng tái cơ cấu, cuối cùng nát bét, không ra cái gì cả. “Chúng ta phải quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên tổng thể lãnh thổ Việt Nam, ví dụ đồng bằng sông Hồng, 11 tỉnh, thành là vựa lúa thì chúng ta phải làm lúa, đồng bằng sông Cửu Long trồng lúa, cây ăn quả; còn vùng Tây Nguyên trồng cây công nghiệp” - ông Báo nói rõ.