Sẽ nhiễm bệnh từ chính gia cầm mình vứt

Ứng phó như thế nào nếu xuất hiện bệnh nhân đầu tiên nhiễm cúm A/H7N9? Hôm qua (20/2), ông Trần Đắc Phu (ảnh), Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã chia sẻ cùng PV NNVN...

Chủ động bảo vệ chính mình

Cả nước đang nóng lên bởi dịch cúm gia cầm (CGC) ngày càng đe dọa đến đời sống của mỗi người dân, nhất là bà con nông dân. Sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan hiện nay như thế nào, thưa ông?

Có thể nói, đây là thời điểm bùng phát mạnh nhất của nhiều chủng virus cúm trên gia cầm có nguy cơ truyền sang người như cúm A/H7N9, H5N1. Nguyên nhân bởi mùa đông xuân, thời tiết lạnh, thuận lợi cho virus này phát triển. Kết hợp tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới khó kiểm soát. Thêm vào đó, virus cúm A/H7N9 lưu hành trên các đàn gia cầm nhưng lại không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát.

Lúc nào khống chế được dịch cúm trên gia cầm thì mới khống chế được nguy cơ dịch bệnh lây trên người.

Như vậy nhiệm vụ nào chúng ta cần tập trung lúc này, theo ông?

Có hai nhiệm vụ chính mà liên ngành có vai trò chủ lực là Nông nghiệp và Y tế cần tập trung. Thứ nhất, ngành Nông nghiệp cần giám sát chặt chẽ để biết thông tin sớm nhất sự xuất hiện ổ dịch cúm mới để có biện pháp xử lý nhanh nhất. Song song là thông báo cho ngành Y tế để cùng giám sát những người có nguy cơ nhiễm cao, nhanh chóng tìm ra nguyên nhân.

Thứ hai, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân, trong đó phải cung cấp đầy đủ thông tin, hướng dẫn người dân chủ động phòng, chống và không được hoang mang nếu như phát hiện ra một ổ dịch cúm mới trên gia cầm. Chủ động bảo vệ chính mình là biện pháp cần thiết và quan trọng hàng đầu trong thời điểm này đối với mỗi người, nhất là người nông dân gắn bó chặt với chăn nuôi. Đó cũng chính là kinh nghiệm nhiều năm làm công tác chống dịch bệnh mà tôi từng tham gia.

Họ sẽ nhiễm bệnh từ chính gia cầm mình vứt

Ông đánh giá sao khi ở nhiều địa phương, có nhiều người dân tìm cách giấu dịch?

Có thể nói, vứt xác gia cầm ốm, gia cầm bệnh ra kênh, rạch nhỏ là một tập quán từ nhiều đời của bà con nông dân. Kết hợp với ý thức “sạch nhà, bẩn ngõ” của rất nhiều người dân không còn trở nên xa lạ đối với xã hội. Thế nhưng, vứt với số lượng ít có thể không sao, chứ như lúc này, gia cầm lên đến hàng triệu con trong mỗi vùng chăn nuôi, nếu chết sẽ càng ảnh hưởng đến môi trường, là nguy cơ lây lan dịch bệnh.


Người dân nên hiểu rằng, vứt xác gia cầm bệnh khỏi nhà không phải là mình hết bệnh (Ảnh minh họa: Tuoitre.vn)

Người dân nên hiểu rằng, vứt xác gia cầm bệnh khỏi nhà không phải là mình hết bệnh đâu. Điều này hoàn toàn sai bởi chính họ sẽ có thể mắc bệnh từ chính hàng xóm sử dụng con gia cầm bệnh do chính họ vứt ra.

Có nghĩa là cần có hình thức xử lý mạnh tay bởi tuyên truyền có vẻ đã “nhờn thuốc”?

Tuyên truyền để thay đổi hành vi của người dân đã có từ rất nhiều năm không hề đơn giản và không thể một sớm một chiều. Tuy nhiên, biện pháp đó sẽ có kết quả tốt hơn nếu kết hợp cả những chế tài xử lý mạnh.

Bộ Y tế đã lên kế hoạch hành động như thế nào nếu xuất hiện bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên?

Tại cuộc họp gần đây, sau khi làm việc với một số cơ quan chức năng, đại diện Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế thống nhất vẫn áp dụng theo "Kế hoạch hành động dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam" đã được phê duyệt từ năm 2013 với 4 tình huống cụ thể. Đó là chưa có trường hợp bệnh trên người; Có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người; Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ; Dịch bùng phát ra cộng đồng. Với những diễn biến của dịch như hiện nay thì Việt Nam vẫn nằm trong tình huống 1.

Tuy nhiên, khác năm trước, diễn biến của dịch bệnh lây lan từ gia cầm sang người tại nhiều nước sát Việt Nam ngày càng gia tăng, nhiều nhất là Trung Quốc và có chiều hướng phức tạp hơn. Vì vậy, Bộ Y tế tham mưu sẽ coi mức độ dịch như tình huống 1 nhưng công việc phải chuẩn bị ở tình huống 2.

Không thiếu thuốc Tamiflu

Từng xuất hiện tình trạng nhiều người dân tự đi mua thuốc Tamiflu ở các nhà thuốc tư nhân để tự điều trị. Ông có khuyến cáo gì đối với người dân nếu như dịch bùng phát?

Theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 19/2, thế giới có 355 bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9, trong đó 67 người đã tử vong, chủ yếu ở Trung Quốc. Việt Nam chưa có bệnh nhân nhiễm virus cúm này.

Tamiflu vẫn là thuốc duy nhất để điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A/H7N9. Hiện nay, ngoài cơ số thuốc dự trữ, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải dự trù số thuốc Tamiflu đủ đề phòng khi dịch bệnh xuất hiện. Bộ cũng giao cho các Sở Y tế chủ động được quyền mua thuốc để có thuốc điều trị khi có bệnh nhân xảy ra.

Riêng chuyện tự ý đi mua thuốc Tamiflu, tôi yêu cầu người dân tuyệt đối không làm việc này bởi tất cả các cơ sở điều trị của các địa phương hiện nay không thiếu thuốc Tamiflu. Vào đó điều trị, người dân cũng không phải mất tiền.

Nhiều người dân e ngại lượng thuốc tồn năm ngoái, liệu có hết hạn sử dụng trong mùa dịch này không, thưa ông?

Cái này là lo thừa bởi thuốc Tamiflu ngoài tác dụng điều trị cúm A/H7N9, H5N1 thì còn có thể điều trị các bệnh cúm mùa nên thuốc thường xuyên được luân chuyển. Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu các Sở không nên dự trữ quá nhiều, chỉ đủ lượng dùng thôi.

Tôi cũng xin nói thêm rằng hiện nay các đơn vị thuộc Bộ, Viện vệ sinh dịch tễ, Trung tâm y tế dự phòng và địa phương đều đã thành lập một đội cơ động luôn trong tình trạng “kích hoạt”, sẵn sàng lên đường bất kể thời gian nào ngay khi có thông tin mới nhất về bệnh nhân mắc dịch cúm A/H7N9.

Xin cảm ơn ông!

Kịch bản phòng chống cúm A/H7N9

Tình huống 1: Chưa có trường hợp bệnh trên người, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch các cấp trình UBND phê duyệt; chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương. Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, hạn chế tử vong khi có bệnh nhân...

Tình huống 2: Có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 trên người nhưng chưa phát hiện lây từ người sang người. Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân.

Tình huống 3: Phát hiện có các trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 lây từ người sang người nhưng ở phạm vi hẹp hoặc những ca đơn lẻ. Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm đường hô hấp cấp tính không rõ nguyên nhân tại cộng đồng. Đồng thời triển khai các biện pháp cách ly chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh cũng như nghi ngờ; điều tra, theo dõi chặt chẽ sức khỏe các trường hợp tiếp xúc.

Tình huống 4: Dịch bùng phát ra cộng đồng. Thiết lập các bệnh viện dã chiến tại các khu vực đông bệnh nhân tránh quá tải bệnh viện. Mở rộng các đơn vị y tế tiếp nhận bệnh nhân, phân loại bệnh nhân điều trị tại các tuyến.

theo nongnghiep.vn