Sống trên cát: Độc chiêu thoát nghèo.

“Độc chiêu” đó chính là thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi hàng trăm ha đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng cây dưa hấu.
Sống trên cát: Độc chiêu thoát nghèo.
Khu vực ven biển miền Trung vốn chỉ có gió Lào và cát trắng hoang vu, như đôi vai gầy gánh chịu nhiều thiên tai bão lũ, hạn hán; hiếm có cây, con nào trụ nổi. Vậy mà hoa vẫn nở trên đất cằn...  “Độc chiêu” đó chính là thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi hàng trăm ha đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng cây dưa hấu. Chuyển đổi là tất yếu Theo lời giới thiệu của ông Phạm Bá Oai, Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), chúng tôi về xã Hoằng Thắng tham quan cánh đồng SX dưa gối vụ. Ông Oai từng là người trực tiếp “cầm tay chỉ việc”, đưa cây dưa hấu vào trồng trên đất cát Hoằng Thắng nên khi nói về chuyển đổi cây trồng ở địa phương này, ông nói vanh vách như đọc thuộc lòng. Hiểu rất rõ về Hoằng Thắng nhưng ông Oai lại nhường lời tâm sự cho lãnh đạo xã, những người đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân và chính họ đã giúp hơn 350 hộ dân trong xã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ông Hoàng Minh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho hay, Hoằng Thắng là một trong 48 xã, phường ven biển của tỉnh Thanh Hóa thuộc diện khó khăn. Hơn 8.100 nhân khẩu của xã trông chờ vào 410 ha đất SX nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 183 ha làm được 2 vụ lúa, diện tích còn lại là đất pha cát cằn cỗi, gần như không có chất dinh dưỡng nên trồng cây gì lên cũng “năm ăn năm thua”. “Trước khi đưa cây dưa hấu vào trồng, bà con có chăm chỉ thâm canh đến mấy thì năng suất lúa cũng chỉ được 2 - 2,4 tạ/sào; đất 1 vụ lúa trung bình 1,8 tạ/sào; còn đất màu làm ngô, lạc, đậu… chỉ đạt từ 0,8 -  1,4 tạ/sào. Sau khi trừ chi phí đầu tư, đại đa số hòa vốn, năm nào được mùa, được giá thì cũng chỉ lãi được mấy trăm nghìn đồng/sào”, ông Quyết nói. Bà Nguyễn Thị Loan, thôn 8, xã Hoằng Thắng bảo: “Vẫn biết trồng lúa, trồng ngô chỉ lỗ chứ không có lãi nhưng nông dân không SX nông nghiệp thì biết làm gì. Chúng tôi cũng đã đưa KHKT và các giống lúa, ngô năng suất cao vào SX nhưng thu hoạch cũng chỉ đủ ăn”. Theo bà Loan, đất SX là đất cát pha, trong khi hệ thống kênh mương thủy lợi chưa được đầu tư đồng bộ nên hầu hết diện tích lúa phải trông chờ nước trời, còn trồng ngô, lạc, đậu, tuy năng suất đạt cao hơn lúa nhưng đầu ra không có, chưa tạo được sản phẩm hàng hóa nên lợi nhuận chẳng ăn thua. Nông dân dựa vào SX nông nghiệp, nhưng làm lúa không ổn; ngô, lạc, đậu, vừng… cũng rất bấp bênh. Bài toán ngăn chặn tình trạng bỏ hoang ruộng đất, giải quyết việc làm cho lao động ở Hoằng Thắng trở nên cấp bách. Cuối cùng Nghị quyết HĐND xã năm 2003 phải tiếp tục làm “liều” đưa cây dưa hấu và bí xanh vào SX. “Những ngày đầu vận động người dân chuyển đổi gặp phải rất nhiều khó khăn. Bà con vẫn tiếp tục trồng lúa, ngô, lạc, đậu. Mãi đến khi xã ban hành bỏ chính sách hỗ trợ giá giống lúa, ngô, lạc, một số hộ mới đồng tình chuyển sang cây dưa hấu”, ông Hoàng Minh Quyết kể lại. Mừng rỡ khi nhận được sự hưởng ứng của người dân, từ Chủ tịch xã đến lực lượng khuyến nông, thôn xóm cùng xuống đồng “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc các cây trồng mới. Trầy trật vận động suốt mấy tháng trời nhưng diện tích áp dụng chỉ được trên dưới 5 ha. Sau hơn 3 tháng thu hoạch, bí xanh thất thu nhưng rất may dưa hấu cho năng suất 1,2 tấn/sào, bán với giá dưa 800 đ/kg, nông dân thu gần 1 triệu đ/sào. “Tuy hiệu quả kinh tế chưa đạt như mong muốn nhưng những năm sau đó bà con tiếp tục trồng cây trồng này bởi đầu ra dưa hấu ổn định hơn các cây trồng khác. Cứ thế, đến năm 2008 việc chuyển đổi đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng dưa như một vấn đề tất yếu. Nhà nhà trồng dưa, người người trồng dưa với diện tích bình quân đến thời điểm này đạt 60 - 80 ha/vụ”, ông Quyết nói. Dưa hấu Hoằng Thắng được xuất bán cho các chợ đầu mối ở Thanh Hóa Triệu phú trên đất cát Để tránh tình trạng “được mùa mất giá”, nông dân xã Hoằng Thắng thực hiện SX luân canh gối vụ nhằm tiết kiệm phân bón, giảm công lao động. Theo đó, mỗi năm bà con có thể làm 3 vụ dưa, trong đó tập trung 2 vụ chính là đông xuân (60 – 65 ngày) và xuân hè (55 – 60 ngày). “Một số năm chúng tôi không đưa cây dưa hấu vào cơ cấu nhưng do cây trồng này mang lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân vẫn đồng loạt SX. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo bà con nên luân canh nhiều loại cây trồng nhằm tạo độ màu mỡ cho đất, hạn chế sâu bệnh...”, ông Hoàng Minh Quyết. “1 sào dưa chúng tôi trồng khoảng 500 cây, chia mỗi luống 1,7 m, phủ ni lông hạn chế cỏ dại mọc. Sau khi thu hoạch vụ đầu, đến vụ thứ hai thì tráo ni lông theo hướng ngược lại, đồng thời đảo vị trí cây dưa để tiết kiệm tiền mua ni lông. Khi dưa đậu quả, chúng tôi tuyển chọn để lại mỗi cây 1 – 2 quả chứ không tham để nhiều quả trên 1 cây, nhờ vậy mà dưa không những to quả, mỏng vỏ mà còn rất ngọt”, bà Lê Thị Thăng, thôn 8 cho hay. Gia đình bà Thăng có 3 sào đất 1 vụ lúa, 1 vụ màu, sau khi xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, 7, 8 năm nay bà trung thành với cây dưa hấu. Vụ xuân 2015 bà thu 2 tấn dưa/sào x 3.500 đ/kg, tổng doanh thu đạt 7 triệu đ/sào (tương đương 14 triệu đ/sào/năm). Theo bà Thăng, đầu tư 1 sào dưa hết khoảng 2,2 – 2,5 triệu đồng, gồm giống 500.000đ; phân bón 300.000đ; ni lông 250.00đ, còn lại là tiền công và thuốc BVTV. Sau khi trừ chi phí đầu tư nông dân lãi từ 4,5 – 4,8 triệu đ/sào/vụ. Bà Thăng nhấn mạnh: “Đất cát pha ở Hoằng Thắng trồng dưa hấu là hiệu quả nhất bởi dưa không đòi hỏi tưới đẫm, chỉ cần đủ nước để giữ ẩm là phát triển được, trong khi trồng lúa năm nào cũng phải đối mặt hạn hán, thiếu nước, mất mùa. Hơn nữa, trồng dưa chủ yếu là công lao động nên giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn rất hiệu quả”. Còn bà Nguyễn Thị Loan cho biết: “Nếu làm lúa, ngô, lạc mỗi vụ chỉ thu được 2 triệu đồng là cùng. Nhưng làm dưa hấu được mùa như vụ xuân 2014 có nhiều nhà thu cả trăm triệu, vài trăm triệu từ cây trồng này. Cụ thể, bình quân năng suất 1 sào dưa đạt 1,7 tấn x 6.500 đ/kg = 1.040.000 đ/sào (tương đương trên dưới 200 triệu đ/ha)”. Không chỉ thích ứng tốt đất cát cằn cỗi ở Hoằng Thắng, theo ông Hoàng Minh Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã, có thời điểm nhiều đoạn đường tắc cả vài km vì ô tô tải vào thu mua dưa. Điều này một lần nữa khẳng định việc chuyển đổi đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng dưa là “một mũi tên trúng nhiều đích”. Đích đó chính là thay đổi tư duy SX từ truyền thống sang hàng hóa, là nâng cao thu nhập cho người nông dân trên chính đồng đất của mình.
 
 NongNghiep.vn