TP.HCM xây dựng 3 tình huống ứng phó khẩn dịch tả lợn Châu Phi

Trước thông tin dịch tả lợn (heo) Châu Phi (ASF) đã xuất hiện ở Đồng Nai, UBND TP HCM đã họp với các sở, ngành liên quan để triển khai Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với ASF.

Theo ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP HCM, thông tin về ASF xuất hiện tại Trảng Bom và Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai thông tin tại buổi làm việc giữa 2 chi cục vào ngày 2/5/2019.

14-55-28_gim_st_cht_ho_nuoi_bng_thuc_n_thu
Kiểm soát xe chở động vật ở Trạm Kiểm dịch động vật Thủ Đức, TP HCM. (Ảnh: Nguyễn Thủy).

TP HCM hiện có 3.917 hộ chăn nuôi heo với tổng đàn 274.154 con. Trong đó, có 247 hộ nuôi heo bằng nguồn thức ăn thừa tại các nhà hàng, quán ăn có nguy cơ cao đối với ASF. Qua kiểm tra địa bàn TP HCM ghi nhận đến nay chưa phát hiện ASF.

TP HCM có 11 cơ sở giết mổ heo với số lượng giết mổ bình quân hàng đêm 6.500-7.000 con heo/ngày. Từ 25/2/2019 đến nay, thực hiện vận động của thành phố, các cơ sở giết mổ không tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc nhằm hạn chế nguy cơ xâm nhiễm mầm bệnh vào địa bàn thành phố. Nguồn heo nhập vào thành phố chủ yếu từ Đồng Nai (46,41%), Bình Dương (19,03%), Bình Thuận (10,88%), Bà Rịa - Vũng Tàu (8,01%) ...

Tháng 1 năm nay, UBND TP HCM đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với ASF trên địa bàn TP. Theo đó, TP đã xây dựng 3 tình huống.

Tình huống 1: khi ASF chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh phía Bắc hoặc khu vực các tỉnh miền Trung (các tỉnh không cung cấp nguồn heo, sản phẩm thịt heo cho thị trường thành phố).

Tình huống 2: ASF chưa xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố nhưng xảy ra bệnh tại các tỉnh có cung cấp nguồn thịt heo cho thị trường thành phố.

Tình huống 3: Xảy ra ASF tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố.

Như vậy, với việc ASF xuất hiện ở Đồng Nai, TP HCM đã bước vào việc triển khai các giải pháp phòng chống dịch theo tình huống 2, với các biện pháp như: Tổ chức rà soát, dự phòng sẵn các phương án tiêu hủy, chỗ chôn heo sống, sản phẩm thịt heo nếu phát hiện dương tính, hoặc nghi nhiễm bệnh ASF, đặc biệt trong các trường hợp phải tiêu hủy số lượng lớn hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn con heo;

Tăng cường lấy mẫu giám sát virus ASF trên đàn heo từ các tỉnh nhập vào thành phố tại các cơ sở giết mổ, nguồn thịt heo từ các tỉnh nhập vào thành phố tại các Trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông, các chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn;

Làm việc với các tỉnh trong khu vực có cung cấp nguồn heo sống, sản phẩm thịt heo để xác định những nguồn heo an toàn cho phép vận chuyển vào thành phố giết mổ tiêu thụ; thống nhất biện pháp kiểm soát đối với nguồn heo an toàn dịch bệnh hoặc sản phẩm thịt heo từ các tỉnh được phép kiểm dịch nhập vào thành phố tiêu thụ, không cho nguồn bệnh xâm nhập vào địa bàn thành phố …

Tuy nhiên, việc phòng chống ASF của TP HCM đang đối mặt với một số khó khăn. Trước hết, thành phố là đầu mối tiêu thụ thịt heo lớn nhất trong khu vực, hiện có khoảng 12 tỉnh cung cấp nguồn heo vào thành phố giết mổ, trong đó nguồn heo từ Đồng Nai chiếm 45-50%.

Hiện nay, có chênh lệch giá heo giữa các tỉnh khu vực miền Bắc và các tỉnh phía Nam, bình quân có khoảng 3.500-4000 con heo từ phía Bắc quá cảnh qua địa bàn thành phố đi vào các tỉnh ĐBSCL. Quá trình dịch chuyển nguồn heo từ miền Bắc vào Nam sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nguồn gia súc nhập về thành phố đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm soát chặt chẽ, các trường hợp nhập heo từ các tỉnh phía Bắc vào đều được lấy mẫu giám sát dịch bệnh. Khó khăn lớn nhất là nguồn heo nhập về các cơ sở giết mổ tại các tỉnh để giết mổ rồi đưa về các chợ đầu mối của thành phố.

Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ nhất là khi dịch bệnh xảy ra diện rộng tại các tỉnh miền Đông hoặc Tây Nam Bộ. Các chợ truyền thống hiện nay do ỦBND quận, huyện quản lý, chưa kiểm soát chặt chẽ được nguồn gốc sản phẩm thịt heo nhập vào các chợ khi dịch bệnh lan rộng sẽ gia tăng việc giết mổ, vận chuyển thịt heo không nguồn gốc, giết mổ heo bệnh từ các tỉnh trốn tránh kiểm dịch đưa vào các chợ.

Một số địa bàn vẫn còn tình trạng giết mổ heo trái phép hoạt động, đặc biệt là Quận Gò Vấp, Quận 12, Bình Tân. Mặc dù các địa phương có chỉ đạo xử lý tuy nhiên chưa dứt điểm. Đây là nguy cơ phát sinh dịch bệnh do các hộ tiếp nhận nguồn heo không qua kiểm dịch, cung cấp trực tiếp cho các khu công nghiệp, chợ truyền thống, chợ tự phát ...

Để phòng chống sự xâm nhập của ASF, ông Lê Thanh Liêm, PCT UBND TP HCM, đã yêu cầu các quận, huyện phải quản lý, giám sát chặt chẽ những hộ chăn nuôi heo bằng thức ăn dư thừa; khuyến cáo các hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn thừa thực hiện rắc vôi lối ra vào chuồng trại, tiêu độc khử trùng định kỳ, nấu chín thức ăn thừa; vận động bà con chuyển sang sử dụng thức ăn công nghiệp.

Các quận, huyện giáp ranh với các tỉnh phải thành lập ngay các chốt kiểm dịch động vật tạm thời, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch các cấp. Mục tiêu là phải kiểm soát được 100% nguồn thịt heo từ các tỉnh đưa về TP tiêu thụ.

Các quận, huyện phải xử lý triệt để ngay tình trạng giết mổ heo trái phép trên địa bàn. Nếu quận, huyện này vẫn để xảy ra việc giết mổ heo trái phép, Chủ tịch UBND của quận, huyện đó sẽ bị UBND TP phê bình bằng văn bản. Quận, huyện nào đang có chăn nuôi heo mà để nổ ra dịch bệnh ASF, Chủ tịch UBND quận, huyện đó cũng phải chịu trách nhiệm trước UBND TP.

Bên cạnh đó, các sở, ngành của thành phố phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vừa giúp nông dân nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, vừa giúp người tiêu dùng thành phố không hoang mang, quay lưng với thịt heo.

Theo THANH SƠN - NGUYỄN THỦY/nongnghiep.vn