TT Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân Vĩnh Phúc: Những dấu ấn đáng ghi nhận

TT Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân Vĩnh Phúc: Những dấu ấn đáng ghi nhận
Sau 1 năm thực hiện chương trình bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho nông dân, Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân Vĩnh Phúc đã có đóng góp quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, giúp bà con phát triển kinh tế gia đình.
 
Nhiều mô hình sản xuất mới đã xuất hiện ở Vĩnh Phúc sau các lớp học của Trung tâm.

Từ các lớp học của Trung tâm, nhiều hộ đã có thu hàng chục, hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ trên mảnh đất quê hương.

“Đơm hoa kết trái”

Quay lại thăm gia đình cô giáo Nguyễn Thị Hoài Lam ở xã Quang Sơn (Lập Thạch), chúng tôi được chứng kiến sự lớn mạnh của trang trại. Có được thành công hôm nay, cô giáo Lam vẫn không quên những ngày gian nan lập nghiệp. Lam từng là giáo viên dạy âm nhạc của Trường THCS Quang Sơn, sau những thăng trầm của cuộc sống, cô quyết định chia tay bục giảng, trở về mảnh đất quê hương nuôi ước mơ làm giàu.

Nhưng con đường làm giàu không dễ dàng, gia đình Lam liên tiếp gặp thất bại, chủ yếu do thiếu kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi. Trong lúc loay hoay tìm hướng đi mới, Lam biết đến lớp học của Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân. Sau hai tháng tham gia lớp học, Lam đã có đủ tự tin để làm lại từ đầu.

Không chỉ tích cực tham gia các lớp học, với suy nghĩ “trăm nghe không bằng một thấy”, Lam khăn gói đi học hỏi kinh nghiệm ở các chủ trang trại làm ăn hiệu quả tại Phú Thọ, Tuyên Quang… và quyết định đầu tư nuôi giống gà Ri – Dabaco… Lam áp dụng triệt để kiến thức đã học vào chăm sóc, phòng trừ bệnh cho gà. “Cứ 3 tháng tôi xuất chuồng một lứa gà, trừ chi phí, lãi 25 - 30 triệu đồng/lứa”, Lam phấn khởi cho biết.

Ở Vĩnh Phúc có một ông “vua dúi” cũng xuất thân từ “lò” đào tạo của Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân, đó là Dương Văn Phương. Là cán bộ của Trung tâm, được thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin mới nên Phương có nhiều thuận lợi trong việc phát triển kinh tế trang trại. Hiện, anh có hơn 700 con dúi bố mẹ, 300 con dúi thương phẩm. Nghề nuôi dúi mang lại cho Phương lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ giúp nhiều nông dân thành công với mô hình kinh tế trang trại, Trung tâm còn góp phần tạo nên nhiều sản phẩm nông sản mới cho địa phương, giúp thay đổi diện mạo của cả một vùng quê. Từ nền móng do Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân Vĩnh Phúc dựng xây, cây thanh long ruột đỏ đã “bén duyên” đất Vân Trục (Lập Thạch). Nhờ giống cây này, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Diện mạo nông thôn xã Vân Trục đang thay da đổi thịt. Nhà cửa kiên cố dần thay nhà tạm, nhà tranh vách đất. Theo lãnh đạo xã, để phát triển thương hiệu thanh long ruột đỏ Vân Trục, xã đã kiến nghị huyện, tỉnh quan tâm hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh việc đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT cho các hộ vay vốn với lãi suất ưu đãi, chu kỳ dài, vận động bà con cải tạo vườn, xã cũng kiến nghị các cơ quan chức năng xây dựng phương án sản xuất đi đôi với đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, đồng thời mở nhiều lớp đào tạo kiến thức cho người dân.

Dấu ấn của Trung tâm cũng để lại trên quê hương có giống gạo tiến vua nổi tiếng, gạo Long Trì thuộc thôn Long Trì (Hợp Hoà - Tam Dương). Việc xây dựng thương hiệu “Gạo Long Trì” đã được chính quyền và người dân nơi đây quan tâm phát triển từ năm 2006. Được sự giúp đỡ của các ban ngành, Tam Dương đã xây dựng thành công thương hiệu “Gạo Long Trì”, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Để phát triển thương hiệu gạo Long Trì, Hội sản xuất gạo của địa phương đã đầu tư hạ tầng cho vùng sản xuất; thường xuyên mang sản phẩm tham gia các hội chợ để giới thiệu với người tiêu dùng; hướng dẫn nông dân kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc lúa trong từng giai đoạn phát triển. Không chỉ hướng dẫn trên cơ sở lý thuyết, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm và lãnh đạo địa phương còn tận tình chỉ bảo bà con theo phương thức cầm tay chỉ việc, theo dõi sát sao tình hình phát triển của lúa. Nhờ đó, các cánh đồng lúa ở Long Trì luôn cho những mùa vụ bội thu, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Kết quả được khẳng định 

 

Ông Đường Văn Toán.


Với phương pháp giảng dạy hiện đại, học qua trải nghiệm, thực hành, lấy người học (nông dân) là trung tâm, giảng viên là người nêu ra và kết luận vấn đề, các lớp học của Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề cho nông dân Vĩnh Phúc đã giúp bà con tiếp thu kiến thức dễ dàng với 3 chuyên đề chính: Chủ trương chính sách của Trung ương, của tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lao động việc làm; sản xuất nông nghiệp thời kỳ mới...

 

Trong 4 năm (2007-2010), Trung tâm đã mở được 1.910 lớp bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, hoàn thành kế hoạch của Đề án và Nghị quyết. Đặc biệt, được sự phối hợp chặt chẽ, linh hoạt của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mê Linh, Trung tâm đã mở đầy đủ số lớp bồi dưỡng kiến thức cho nông dân trên địa bàn trước khi họ trở thành công dân Thủ đô. Năm 2011, Trung tâm phối hợp với các xã mở gần 100 lớp bồi dưỡng kiến thức cho nông dân, tập trung giới thiệu 3 vấn đề chính: Xây dựng nông thôn mới (XDNTM) để làm gì, cho ai, tại sao phải XDNTM? Nội dung 19 tiêu chí XDNTM. Quá trình XDNTM cần làm những công việc gì, ai làm? Kết quả là nông dân đã hiểu rõ hơn về NTM, vai trò, trách nhiệm của mình trong XDNTM. Từ sau các lớp học này, người dân có ý thức hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường, việc huy động nguồn lực trong dân để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi khác cũng dễ dàng hơn.

2012 cũng là năm ghi nhiều dấu ấn của Trung tâm. Kỷ niệm 5 năm thành lập, vai trò của những người thầy truyền thụ kiến thức XDNTM đã được khẳng định khi hàng trăm lá thư, hàng nghìn lá phiếu của học viên đánh giá về hiệu quả của những lớp học đều cho rằng các lớp học thiết thực và phù hợp với nhu cầu thực tế. Chẳng thế, mà tháng 5/2012 vừa qua, Trung tâm đã được UBND tỉnh giao thêm trọng trách bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho người lao động theo Quyết định 11/2012/QĐ-UBND. Điều đó chứng tỏ nhiệm vụ trọng tâm của Trung tâm thời gian tới tiếp tục được khẳng định, làm rõ, là giúp nông dân sớm thực hiện thành công sự nghiệp XDNTM, nông dân có tri thức, xứng đáng là công dân của tỉnh công nghiệp, TP.Vĩnh Phúc trong tương lai gần.

Theo anh Trần Ngọc Thành, cán bộ Trung tâm, nhìn lại chặng đường 5 năm qua, cán bộ, giảng viên Trung tâm có quyền tự hào vì những công việc đã làm và những thành quả đạt được, đó là động lực để Trung tâm tiếp tục phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Theo ông Đường Văn Toán, Giám đốc Trung tâm: “Năm 2012, với chỉ tiêu 300 lớp, chúng tôi đã gần cán đích và sẽ cố gắng hoàn thành trước 20/12/2012. Bên cạnh nhiệm vụ chính là mở lớp, chúng tôi còn thường xuyên nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; biên soạn, chỉnh sửa bổ sung giáo án cá nhân, xây dựng bản đồ dữ liệu về NTM của 112/112 xã trên địa bàn, chỉnh sửa bổ sung tài liệu cho học viên. Triển khai mô hình phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho nông dân tại thôn Cửu Ngòi, xã Nhạo Sơn (Sông Lô)”.

Xác định muốn nâng cao kiến thức cho nông dân, cần phải có đội ngũ giảng viên giỏi, nhiệt tình và say mê, Trung tâm đã triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ bằng việc mời các chuyên gia giỏi; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành về nói chuyện. Chính vì thế mà dù tuổi đời còn trẻ nhưng giảng viên của Trung tâm đều có nhiều kinh nghiệm giảng dạy.

Bên cạnh việc xây dựng đội ngũ giảng viên, Trung tâm còn tiến hành biên soạn tài liệu giảng dạy thành 4 chuyên đề, đó là các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; lao động việc làm; sản xuất nông nghiệp trong thời kỳ mới; thảo luận, tham quan, định hướng xây dựng những mô hình sản xuất kinh doanh mới,… Những nội dung trên khá phong phú, vì thế, Trung tâm luôn phải nghiên cứu, lựa chọn và xây dựng nội dung giảng dạy tại mỗi khóa học sao cho phù hợp với từng đối tượng nông dân để việc giảng dạy đạt kết quả cao nhất, mang tính thiết thực, giúp bà con dễ áp dụng vào thực tế. Tính đến nay, Trung tâm đã trải qua 15 lần chỉnh sửa, bổ sung tài liệu giảng dạy cho phù hợp với mỗi giai đoạn và yêu cầu thực tế, đồng thời tổ chức biên soạn bộ tài liệu hỏi đáp 300 câu hỏi, dùng để phục vụ cho nông dân tra cứu về tất cả các lĩnh vực như pháp luật, chính sách, khoa học kỹ thuật….

Đánh giá về những đóng góp của Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và Đào tạo nghề mang lại cho địa phương, ông Trần Văn Quyết, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường) cho biết, Trung tâm đã nhằm đúng tâm lý của đối tượng dự học là người nông dân. Bởi vậy, khi triển khai ở địa phương, người dân rất tự giác học tập, mở mang kiến thức.

Ông Lê Văn Lượng, Chủ tịch UBND xã Nhạo Sơn cho biết, việc Trung tâm và UBND xã thống nhất 10 nội dung, giải pháp để thực hiện như xây dựng bản tin khoa học kỹ thuật và NTM; mời chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn cho người dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thực hiện mở lớp cho 100% người dân có nhu cầu nâng cao kiến thức, đặc biệt ở vùng dự án mở các lớp chuyên sâu về từng tiêu chí XDNTM… đã có những đóng góp thiết thực trong tiến trình XDNTM ở địa phương.

Thành Vinh – Trâm Anh

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn