Tái cơ cấu ngành thủy sản: Tôm sáng đường, cá tra bí lối

Ngày 13.7, tại Bạc Liêu, Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu ngành thủy sản. Theo đánh giá, trong lĩnh vực thủy sản, hiện đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao trong nhà kính cho năng suất siêu cao, trong khi đó con cá tra vẫn đối mặt với mịt mù khó khăn.

Nuôi tôm siêu năng suất 240 tấn/ha

Trước khi bàn về các giải pháp thực hiện tái cơ cấu thủy sản, lãnh đạo Bộ NNPTNT, cùng các tỉnh, thành ĐBSCL đã có dịp chứng kiến lễ thu hoạch tôm trong nhà kính thâm canh công nghệ cao tại Chi nhánh Công ty CP Việt Úc - Bạc Liêu (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu).

Tai co cau nganh thuy san: Tom sang duong, ca tra bi loi
Nông dân Bạc Liêu thu hoạch tôm nuôi.Ảnh:  H.H
 
Chương trình nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính được Tập đoàn Việt - Úc triển khai tại Bạc Liêu với diện tích 50ha, tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng, đối tượng nuôi chính là tôm thẻ chân trắng. Trong đó, diện tích mặt nước thả nuôi gần 21ha với 70 ao nuôi. Sau hơn 3 tháng thả giống với mật độ 200 - 500 con/m2, tôm nuôi trong 70 ao đều phát triển tốt, đạt hiệu quả 100%. Kết quả, năng suất đạt 2 - 4 tấn/ao, tương đương 40 - 80 tấn/ha/vụ, 120 - 240 tấn/ha/năm. 

Ông Lương Thanh Văn - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Việt - Úc cho biết, tôm thương phẩm đảm bảo được các tiêu chuẩn khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm do quy trình nuôi ứng dụng công nghệ vi sinh, không sử dụng kháng sinh, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Ngoài ra, quy trình nuôi này cho năng suất cao và ổn định, giảm diện tích đất sử dụng, kiểm soát được vùng nuôi và dịch bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro do thời tiết, giảm thiểu tối đa các tác động đến môi trường...

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, mô hình nuôi tôm trong nhà kính cho phép kiểm soát chặt chẽ điều kiện nuôi, từ đó hạn chế rủi ro do dịch bệnh. “Trong tương lai, công nghệ này sẽ được áp dụng rộng rãi trên cả nước, không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn hướng tới các hộ gia đình. Việc nuôi tôm công nghệ này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân” - Bộ trưởng Phát đánh giá.

Được biết, đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam đầu tư hệ thống nuôi tôm theo công nghệ tiên tiến của Israel.

Cá tra vẫn gặp khó khăn

Trái với con tôm, đánh giá về con cá tra, ông Trần Anh Thư – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang cho rằng: “Người nuôi cá tra hiện nay đang gặp khó trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. Cụ thể, theo ông Thư, con cá tra đang đối mặt với 5 nguy cơ như chi phí đầu vào cao (khoảng 19.500 đồng/kg, trong khi giá bán chỉ khoảng 19.000 – 22.000 đồng/kg cá thương phẩm). Bên cạnh đó, có đến 70% thức ăn cho cá tra hiện nay (bột cá, bã đậu nành…) là nhập khẩu, vì thế khi tỷ giá đồng USD tăng, giá thức ăn sẽ tăng cao. Ngoài ra, nguồn giống đang suy thoái, có chất lượng kém; về thị trường chính như Mỹ và EU thì đang bị rào cản đối với thuế chống phá giá; đặc biệt chuỗi liên kết dọc giữa doanh nghiệp – người nuôi – ngân hàng còn kém.

Theo ông Thư, tái cơ cấu nghề nuôi cá tra cần đưa ra những giải pháp thiết thực, nhưng nhất thiết phải có sự gắn kết hài hòa giữa Ngân hàng NNPTNT, công ty cung cấp thức ăn, người nuôi hay HTX, doanh nghiệp chế biến, nhà nhập khẩu…

Về tiến độ triển khai tái cơ cấu ngành thủy sản, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, qua 2 năm thực hiện mới có 36/63 tỉnh, thành triển khai đề án. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, hiện diện tích nuôi tôm sú, cá tra, rô phi vẫn ổn định. Tuy nhiên, cơ cấu đã chuyển dịch dần sang thâm canh tôm thẻ chân trắng. Do sự phát triển lớn mạnh của tôm thẻ chân trắng ở một số địa phương nên có thể dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch và tạo áp lực lớn về vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh báo ảnh hưởng xấu đến môi trường và nguy cơ dịch bệnh tăng cao.

Bên cạnh đó, hiện nay việc triển khai rà soát quy hoạch cá tra của các địa phương còn chậm, người nuôi và doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất và khó tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng; công nghệ nuôi cá rô phi hiện nay chưa có quy trình chuẩn, không ổn định chất lượng lẫn sản phẩm...

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, tái cơ cấu ngành thủy sản là chủ trương đúng đắn. Trong 2 năm vừa qua, Bộ NNPTNT, cùng các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai đề án này. “Ngành tôm Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới, ngành cá tra đứng thứ nhất thế giới. Tuy nhiên để tạo nên một tầm cạnh tranh quốc tế ổn định, thời gian tới tất cả các lĩnh vực sản xuất trong lĩnh vực thủy sản đều cần phải có tầm cạnh tranh quốc tế. Do đó nếu chúng ta không làm tốt thì sản phẩm các nước khác sẽ tràn vào chiếm lĩnh thị trường” – ông Phát cảnh báo.

Theo ông Phát, tái cơ cấu ở đây không phải là số lượng được khai thác nhiều sẽ mang đến lợi nhuận cao, mà cần phải tập trung vào giá trị gia tăng, hiệu quả và tính bền vững. Bộ trưởng đề nghị 28 tỉnh, thành ven biển sớm xây dựng xong đề án phát triển cụ thể cho địa phương mình. Cần sửa đổi ngay những gì chưa phù hợp, chưa thật sự hiệu quả. Tạo mọi điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư và phát triển kể cả nuôi và chế biến…

Kế hoạch của Bộ NNPTNT là, trong 6 tháng cuối năm sẽ ưu tiên đẩy mạnh phát triển ở các vùng nuôi nhỏ (thâm canh hay bán thâm canh). Đẩy mạnh việc tổ chức các mô hình liên kết sản xuất (trong đó tập trung vào mô hình HTX). Đẩy mạnh việc hướng dẫn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm tăng cao lợi ích kinh tế…

 Theo đánh giá của Bộ NNPTNT, việc triển khai rà soát quy hoạch cá tra thực hiện theo Nghị định 36 của các địa phương còn chậm; một số địa phương phát triển mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng gây nguy cơ phá vỡ quy hoạch và tạo áp lực lớn về vốn và xây dựng cơ sở hạ tầng; ở một số vùng nuôi, cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, thiếu điện lưới và hạ tầng thủy lợi tốt cho nuôi trồng thủy sản… 
Theo danviet.vn