Tạm trữ gạo: Nhà nước thiệt, nông dân cũng không được lợi
- Thứ ba - 22/04/2014 00:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Được biết, chương trình tạm trữ lần này, 15 doanh nghiệp trên địa bàn An Giang được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) giao chỉ tiêu mua 146.000 tấn quy gạo. Tính đến ngày 20-4-2014, theo báo cáo của Sở Công Thương An Giang, những doanh nghiệp trên đã thu mua được tổng cộng khoảng 116.000 tấn, đạt khoảng 80% kế hoạch, trong đó có nhiều doanh nghiệp đạt 100% chỉ tiêu được giao.
Theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, trong suốt thời gian các doanh nghiệp thực hiện mua tạm trữ, giá lúa gạo nội địa ở An Giang có lúc tăng, lúc giảm (tùy thời điểm) nhưng nhìn chung vẫn trong xu hướng giảm.
Thực tế, trước khi chương trình tạm trữ diễn ra, giá lúa IR 50404 tươi được thương nhân kinh doanh lúa gạo mua vào khoảng 4.400-4.500 đồng/kg và 6.900-7.100 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của giống IR 50404. Tuy nhiên, khi chương trình thực hiện được khoảng 10 ngày, giá lúa và gạo nguyên liệu IR 50404 giảm xuống lần lượt chỉ còn khoảng 4.100-4.200 và 6.400-6.500 đồng/kg.
Hiện tại, khi chương trình còn khoảng 10 ngày nữa là kết thúc, giá lúa gạo có “nhích” lên chút đỉnh so với trước đó nhưng vẫn ở mức thấp, khoảng 4.200-4.300 đồng/kg đối với lúa IR 50404 tươi và 6.550-6.650 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu của giống này.
Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang…, giá lúa gạo nhìn chung cũng trong xu hướng giảm, dù những doanh nghiệp được VFA phân giao chỉ tiêu thu mua tạm trữ đã thực hiện xong hoặc cơ bản hoàn thành kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Đời, Chủ nhiệm hợp tác xã Bình Thành, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết hiện lúa IR 50404 có giá dao động chỉ khoảng 4.200-4.300 đồng/kg, trong khi mức giá trước khi chương trình tạm trữ bắt đầu là khoảng 4.500-4.600 đồng/kg, tức cao hơn hiện nay khoảng 300 đồng/kg.
“Chính phủ quy định chúng tôi phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh, tức lời ăn lỗ chịu. Trong khi đó, tình hình xuất khẩu vào thời điểm chương trình mua tạm trữ bắt đầu chẳng khả quan gì nên chúng tôi phải tính đến phương án an toàn cho doanh nghiệp”, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn ở ĐBSCL lý giải chuyện giá mua lúa không cao.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Thọ, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, doanh nghiệp chần chừ mua vào khi chương trình bắt đầu làm giá lúa gạo nội địa liên tục sụt giảm. “Đến nay, khi họ (doanh nghiệp) trúng thầu bán 800.000 tấn gạo cho Philippines, giá có tăng lên nhưng cũng chẳng được bao nhiêu vì giá trúng thầu không cao”, ông nói.
Theo tính toán của bà con nông dân ở ĐBSCL, với mức giá chênh lệch khoảng 300 đồng/kg giữa thời điểm chương trình tạm trữ được triển khai với thời điểm trước đó, mỗi héc ta lúa nông dân mất khoảng 3 triệu đồng (bình quân năng suất lúa IR 50404 tươi là 10 tấn/héc ta).
Tuy nhiên, để thực hiện chương trình lần này, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo một số ngân hàng thương mại cho doanh nghiệp vay khoảng 8.000 tỉ đồng với lãi suất 7%/năm. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay trong 4 tháng, từ ngày 20-3 đến 20-7-2014.
Như vậy, chỉ riêng tiền hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ, Nhà nước đã phải bỏ ra hàng tỉ đồng từ ngân sách nhưng hiệu quả thực hiện không có.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến nay, chương trình tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2013-2014 đã mua vào được khoảng 800.000 tấn quy gạo, đạt khoảng 80% chỉ tiêu thu mua 1 triệu tấn quy gạo. |