Tạo “quả đấm” đưa thanh long đi Nhật, Thái, Mỹ, châu Âu
- Thứ sáu - 24/11/2017 03:21
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện, tổng diện tích thanh long ở Long An khoảng 9.100ha với tổng sản lượng 215.000 tấn/năm. Theo Sở NNPTNT tỉnh Long An, phần lớn sản lượng thanh long này cung cấp cho thị trường Trung Quốc (chiếm 80%), khoảng 15% tiêu thụ trong nước và các thị trường: Nhật, Thái Lan, Mỹ, châu Âu,... chiếm khoảng 5%. Giá thu mua thanh long không ổn định, tất cả đều do thương lái quyết định. Vì vậy, việc đầu tư sản xuất thanh long sạch và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khó tính là việc phải làm.
Nhiều diện tích trồng thanh long theo hướng sạch, ứng dụng công nghệ cao đang phát triển tại huyện Châu Thành (Long An). ảnh: Trần Đáng
“Quả đấm thép”…
Theo đó, đến năm 2020, huyện Châu Thành – “thủ phủ” trồng thanh long ở Long An, sẽ hoàn thành đề án có 2.000ha thanh long sạch, ứng dụng công nghệ cao. Để thực hiện kế hoạch này, năm 2016, huyện triển khai xây dựng 2 mô hình tại HTX Thanh long Long Hội và HTX Thanh long Tầm Vu với quy mô 5ha/mô hình, sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học, bẫy côn trùng và 1 mô hình áp dụng tưới tiên tiến cho cây thanh long tại xã Long Trì, quy mô 5.000m2.
Năm 2017, huyện thực hiện 6 mô hình điểm với diện tích 145,2ha, hướng dẫn nông dân sử dụng phân hữu cơ, phân sinh học, chế phẩm sinh học, bẫy côn trùng, ứng dụng cơ giới hóa trong xử lý cành nhánh; hỗ trợ HTX Thanh long: Long Trì, Long Hội, Tầm Vu, Vạn Thành đăng ký hỗ trợ chứng nhận VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Phi (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) – một nông dân đang tham gia đề án cho biết, sản xuất thanh long theo hướng VietGAP chi phí cao hơn nhưng sản phẩm được đảm bảo đầu ra ổn định, không bị thương lái ép giá. Hiện, thanh long của ông đang được Công ty TNHH MTV Hoàng Phát thu mua. Thời gian qua, công ty này đã hỗ trợ, hướng dẫn sản xuất ông Phi sản xuất thanh long đúng quy trình VietGAP nhằm bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo ông Võ Văn Vấn – Trưởng Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, hiện ngành nông nghiệp huyện đã triển khai được gần 700ha thanh long sạch với hơn 1.800 hộ dân tham gia. “Mặc dù trong quá trình thực hiện đề án huyện còn gặp một số khó khăn, như: Ghi nhật ký sản xuất, xây dựng kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh vườn thanh long,… Tuy nhiên, tôi tin rằng, đề án đang đi đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra” - ông Vấn chia sẻ.
Vướng chính sách…
Mặc dù trong quá trình thực hiện đề án huyện còn gặp một số khó khăn, như: Ghi nhật ký sản xuất, xây dựng kho chứa phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vệ sinh vườn thanh long,… Tuy nhiên, tôi tin rằng, đề án đang đi đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra”. Ông Võ Văn Vấn |
Để mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, nhiều năm qua, tỉnh Long An đã quy hoạch chi tiết vùng trồng, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP... Nhờ những định hướng mang tính chiến lược này, thanh long của tỉnh đã được các thị trường khó tính chấp nhận, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, NewZealand, Đài Loan. Gần đây nhất là lô hàng thanh long được xuất sang Úc bằng đường hàng không.
Ông Lê Văn Hoàng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An cho biết, trong tình hình nhu cầu thị trường hiện nay, nông dân bắt buộc phải tiến tới làm nông nghiệp sạch, công nghệ cao để ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm. “Chúng tôi đang xây dựng các mô hình điểm trồng thanh long sạch, công nghệ cao và vận động nông dân tham gia để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khó tính” - ông Hoàng cho biết.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở NNPTNT tỉnh Long An, một số mô hình trình diễn sản xuất thanh long bằng công nghệ cao đã cho hiệu quả nhưng nhân rộng còn gặp khó khăn do tỷ lệ vốn đối ứng của người dân trong các mô hình còn cao. Ví như mô hình tưới tiết kiệm, theo quy định nhà nước hỗ trợ 30% chi phí đầu tư, nông dân góp vốn đối ứng 70%. Tỉnh cũng chưa có chính sách riêng để thực hiện chương trình.
Theo ông Phạm Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo Sở NNPTNT, các ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn các hộ nông dân, doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, thu hoạch, đóng gói thanh long bảo đảm yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Hiện, trên địa bàn huyện Châu Thành có 107 cơ sở, 4 công ty, 3 doanh nghiệp và 4 HTX thu mua thanh long. Phần lớn các cơ sở và doanh nghiệp thu mua thanh long xuất khẩu đều qua trung gian theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp từ Bình Thuận và một số công ty xuất khẩu ở TP.HCM. /.
Theo Trần Đáng (danviet.vn)