Tham gia TPP: 'Phần bánh' sẽ lớn hơn nếu…

Hiệp định TPP chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, trong khi chỉ có 12 thành viên. Do đó, “miếng bánh” dành cho Việt Nam được kỳ vọng sẽ lớn hơn nhưng cũng còn nhiều trở ngại phải vượt qua, nhiều chữ “nếu” cần hóa giải.

Bánh lớn hơn, người ăn ít hơn

Trả lời báo Đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng cho rằng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, trong khi chỉ có 12 thành viên. Do đó, chúng ta hy vọng “miếng bánh” rất lớn trong khi ít người tham gia nên sẽ được chia nhiều hơn.

Khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ sự lo ngại rằng, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thua thiệt, khả năng thành công không cao. Nhưng thực tế cho thấy, chúng ta gặt hái thành quả lớn hơn rất nhiều cái giá phải trả cho việc hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tế cũng chứng minh, càng hội nhập, đất nước càng có cơ hội phát triển mọi mặt, chứ không riêng gì kinh tế, đầu tư, thương mại…

Ông Trần Văn Hằng đánh giá việc tham gia TPP “liều thì không, nhưng mạo hiểm thì có”. Vị Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, ngay cả các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines có quy mô, trình độ phát triển kinh tế hơn Việt Nam rất nhiều mà còn không "dám chơi". Tuy nhiên, muốn phát triển kinh tế nhanh hơn, kéo gần khoảng cách so với các nước trong khu vực nên cũng cần có sự mạo hiểm. Bởi việc tham gia vào “gia đình TPP” chắc chắn thúc đẩy được xuất khẩu, mở rộng được thị trường; tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào công nghiệp phụ trợ để gia tăng giá trị, vì yêu cầu của TPP là hàng hóa xuất khẩu vào nội khối bắt buộc nguyên liệu phải được sản xuất trong nội khối.

Đánh giá nền kinh tế Việt Nam có thể nói là còn yếu thế so với 11 thành viên còn lại, ông Hằng cho rằng chính điểm yếu này lại là lợi thế bởi các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như may mặc, da giày, sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thủy, hải sản… đều sử dụng nhiều lao động. Nhiều quốc gia trong TPP hằng năm phải nhập khẩu rất lớn vì không có lợi thế hoặc không muốn đầu tư do lợi nhuận thấp. Đối với phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam cũng có lợi thế đặc biệt là giá thành nhân công thấp hơn nhiều so với 11 thành viên còn lại. Bên cạnh đó, thuế suất trong tất cả các sắc thuế, phí, lệ phí của Việt Nam cũng thấp hơn rất nhiều so với các nước trong TPP.

TPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn của nội khối, ông Hằng tin tưởng các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand, Canada, Australia… sẽ đầu tư sản xuất hàng hóa tại Việt Nam và xuất khẩu về nước thay vì đầu tư tại chính quốc bởi chi phí nhân công và thuế suất cao hơn.

Phải hóa giải nhiều chữ “nếu”

Ông Hằng cho biết, trong lúc TPP ở giai đoạn đàm phán, nhưng trong nhiệm kỳ XIII, hàng loạt luật được Quốc hội ban hành mới, hoặc sửa đổi, bổ sung đều bám sát các nội dung trong TPP. Tuy nhiên, nhiệm kỳ XIV, Quốc hội vẫn phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật chưa tương thích với TPP như các Luật Công đoàn, Sở hữu trí tuệ, Đấu thầu, Lao động… Ngay cả Bộ luật Hình sự năm 2015 phải đến 1/7/2016 mới có hiệu lực, cũng sẽ được bổ sung nội dung liên quan đến hình sự hóa quyền sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với những rào cản rất lớn khi tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này. Cụ thể, trình độ phát triển của nền kinh tế đứng cuối bảng trong TPP, Việt Nam cũng chưa được nhiều nước công nhận là nền kinh tế thị trường; cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và thiếu đồng bộ; phương pháp quản lý, tổ chức sản xuất, kinh doanh còn yếu…

Để đón đầu những cơ hội do hiệp định này mang lại, đồng thời giảm thiểu những khó khăn, thua thiệt do sự cạnh tranh khốc liệt, theo ông Hằng, có hàng loạt chữ “nếu” buộc phải được hóa giải càng sớm càng tốt thì cơ hội thành công mới đến, còn không, chúng ta sẽ bị đẩy ra khỏi vòng quay trong TPP. Bởi theo các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất khi tham gia sân chơi này, nếu tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật; nếu nâng cao phương pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh theo thị trường hiện đại; nếu minh bạch trong quản lý, điều hành…

Theo chinhphu.vn