Thanh Hóa: Cần có sự bứt phá trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp

Thanh Hóa: Cần có sự bứt phá trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp
Đó là chỉ đạo của Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa, khóa XVII, Nhiệm kỳ 2016-2021.
Tích tụ đất đai thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa (NN-PTNT) trả lời chất vấn của các đại biểu, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến đã chỉ đạo ngành nông nghiệp cần có sự bứt phá trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp.

Theo lời ông Chiến, "muốn nâng cao hiệu quả kinh tế chúng ta phải có sự bứt phá, thay đổi về cơ cấu cây trồng vật nuôi, cần có đề án phát triển cây chủ lực. Chúng ta xây dựng các vùng chuyên canh thì không nên đưa nhiều loại cây, con vào. Mặc dù ngành nông nghiệp có rất nhiều mảng nhưng chúng ta phải rà soát lại tất cả, các đề án, chính sách phát triển nông nghiệp. 

Nếu cần thiết, ngành nông nghiệp có thể tổ chức hội thảo góp ý điều chỉnh lại quy hoạch, cơ chế chính sách để có một số sản phẩm chủ lực thực sự. Đặc biệt, ngành nông nghiệp tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp...”

Trong phần trả lời ý kiến cử tri, ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, trong 4 năm qua, toàn tỉnh đã chuyển đổi được trên 36 nghìn ha đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi này đã giúp hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung cây ăn quả, rau màu, hoa, cây cảnh, trang trại…

Ông Lê Đức Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa.

Quá trình chuyển đổi, tích tụ đất đai cũng đã thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ngày càng nhiều; góp phần rất lớn tái cơ cấu ngành; nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất giúp tăng giá trị trên đơn vị diện tích.

Hiện nay, Thanh Hóa có 14 sản phẩm nông nghiệp chủ lực; 4 văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý, 7 nhãn hiệu tập thể và hơn 300 mặt hàng được chứng nhận trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng theo ông Giang, các vùng sản xuất tập trung tại Thanh Hóa hình thành, phát triển chậm và chưa có thương hiệu đủ mạnh: “Chúng ta đã xây dựng được những vùng cây ăn quả, lúa, chăn nuôi tập trung lớn. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra chậm, nguyên nhân vẫn là do Thanh Hóa có diện tích lớn, địa hình chia cắt. Bên cạnh đó, doanh nghiệp hiện nay vẫn chưa đầu tư mạnh vào nông nghiệp vì lợi nhuận thấp, rủi ro cao”.

Nhưng nông nghiệp Thanh Hóa cần có sự bứt phá trong cơ cấu sản phẩm.

Ông Giang đánh giá, vấn đề liên kết chuỗi trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm trong thời gian qua trên cả nước chưa thực sự tốt. Riêng tại Thanh Hóa, năm 2019 có 68 chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, những mối liên kết này chưa thực sự bền vững do doanh nghiệp và người dân chưa tìm được tiếng nói chung. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã xúc tiến làm việc với các công ty lớn để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, hi vọng thời gian tới sẽ khắc phục tình trạng này.

Về giải pháp phát triển nông nghiệp, ông Giang cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung tích tụ đất đai, chuyển giao tiến bộ khoa học vào sản xuất; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để thu hút doanh nghiệp đầu từ vào lĩnh vực nông nghiệp và đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực.

Theo VÕ VĂN DŨNG/nongnghiep.vn