Thanh long ruột đỏ “sống khỏe” ở vùng Bảy Núi

Ông Hồ Văn Ri- Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Pô Thi, xã An Cư, huyện Tịnh Biên (An Giang) là người đầu tiên trong vùng đưa cây thanh long ruột đỏ lên vùng đất Bảy Núi.

Khi thành công, ông ra sức hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân trong vùng kỹ thuật nhân giống và trồng thanh long ruột đỏ…

Ông Hồ Văn Ri bên vườn thanh long.   T.K

 

Ông Hồ Văn Ri mạnh dạn cải tạo khu vườn tạp của gia đình để trồng thử nghiệm cây thanh long từ cách đây 4 năm. “Giá trị 1 công đất trồng thanh long ruột đỏ của gia đình tui đạt 16 triệu đồng/năm, chưa kể phần bán cây giống…” – ông Ri phấn khởi cho biết. Vốn ít, đất cũng không rộng nên ông Ri thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tức là tự tuyển chọn cây giống, nhân giống để bán và một phần để lại trồng trên diện tích vườn nhà. “Đến nay, trong 10 công đất (10.000m2) của gia đình tôi thì cây thanh long chiếm 1/3 diện tích; hai phần ba còn lại là nhiều loại cây ăn trái khác. Nguồn thu nhập chính của vườn vẫn là thanh long…” – ông Ri thổ lộ.

Ông Tạ Văn Cát - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Cư (Tịnh Biên) cho biết, đây là lần đầu tiên khu vực đất pha cát ở An Cư trồng thành công cây thanh long ruột đỏ. Hiện, nhiều hộ trong xã đang làm theo mô hình của ông Ri. Nhờ vậy mà diện tích trồng thanh long của xã trước đó chỉ vài ba công nay đã tăng lên vài chục công và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Có được điều này một phần nhờ ông Ri nhiệt tình, tận tâm hướng dẫn kỹ thuật cho bà con…. “Cây thanh long này là giống mới và loại ruột đỏ chiếm đa số. Bà con trong vùng Bảy Núi này ai biết được cũng đến hỏi mua giống, mỗi người mua một ít về trồng thử. Thấy người ta mua giống và trồng được, tôi cũng ham lắm. Bà con nhờ hướng dẫn kỹ thuật, tôi chẳng nề hà… ” – ông Ri hồ hởi khoe.

Ông phân tích: “Thanh long ruột đỏ mỗi năm cho thu hoạch 8 đợt, năm đầu tiên mỗi đợt bán trái được cỡ 2 triệu đồng/công (1.000m2), xem như bằng chi phí đầu tư ban đầu. Từ năm thứ 2, năng suất sẽ cao lên hơn, thu nhập cứ thế tăng lên”.

Theo danviet.vn