Thời cơ và liên kết vẫn rộng mở

Quyết định (QĐ) 673/QĐ-TTg ngày 10.5.2011 của Thủ tướng Chính phủ với nguồn lực tài chính được khơi thông, cơ chế phối hợp được phân nhiệm rõ ràng.

QĐ 673 là một thành công lớn của tư duy lãnh đạo, tổ chức quản lý, quản trị, mở ra cơ hội lớn cho Hội Nông dân (ND) hoạt động, đem lại lợi ích thiết thực cho ND, nông nghiệp, nông thôn. Song ý nghĩa của QĐ 673 chỉ thành hiện thực khi ban thường vụ và người đứng đầu (Chủ tịch Hội ND, trưởng phó các phòng, ban, giám đốc trung tâm) biết chớp lấy thời cơ, biết liên kết ngang (bên ngoài), liên kết dọc (bên trong tổ chức hội) và thể hiện bản lĩnh lãnh đạo, tổ chức thực hiện.

 

 
Lễ kí kết Chương trình phối hợp giữa Hội ND tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2012 - 2020.   
 
Bốn năm thực hiện QĐ 673, nhiều ý kiến của cán bộ, hội viên tại cơ sở nhận định rằng, kết quả rõ nét nhất, có thể đo đếm được là Trung ương Hội, sau đó đến tỉnh, thành hội, cấp huyện còn chừng chừng, cơ sở thì chưa chuyển biến. Cũng theo cách xếp về chất lượng, hiệu quả cao theo thứ tự: Quỹ Hỗ trợ ND, Trung tâm Hỗ trợ ND, Môi trường nông thôn, sau đến là Dạy nghề. Lĩnh vực hoạt động còn hình thức, hiệu quả chưa rõ là: Xây dựng và thực hiện dự án về mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ truyền thông cho cán bộ hội, ứng dụng công nghệ thông tin cho ND; thực hiện đề án phát triển văn hóa nông thôn; xây dựng mô hình sản xuất giữa hộ ND với các thành phần kinh tế ở nông thôn và khuyến nông ở cơ sở.
 

Nếu nhận định, đánh giá của cán bộ Hội ND ở địa phương là một thực tế khách quan thì điều đó cũng chứng tỏ rằng, việc liên kết bên ngoài với các ngành: Công thương, Thông tin và Truyền thông, VHTTDL và Nông nghiệp còn yếu ở cấp tỉnh và cấp huyện, cấp trung ương còn có mặt hạn chế; việc liên kết bên trong chưa có được một kế hoạch căn cơ về xây dựng lực lượng và nâng cao năng lực hành động.

Có thể còn nhiều ý kiến khác nhau về nhận định trên, song lấy kết quả từ sự “tăng tốc khá ngoạn mục” của Quỹ Hỗ trợ ND để so sánh: Khi chưa có QĐ 673, tổng nguồn vốn là 547,453 tỷ đồng; trong đó quỹ trung ương là 50,180 tỷ, các tỉnh là 497,272 tỷ đồng. Đến ngày 31.11.2014, tổng nguồn quỹ đạt 1.690,714 tỷ đồng, tăng 300%; trong đó, quỹ trung ương là 466,829 tỷ, quỹ các tỉnh 1.223,885 tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân giỏi về cách tận dụng cơ hội, hành động kịp thời về liên kết ngang, Ban Điều hành Quỹ đã sớm nhận ra vấn đề, chủ động đi trước việc ban hành điều lệ, quy chế hoạt động, đổi mới phương thức cho vay về cả quy mô và đối tượng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, gắn quản lý đồng tiền với quản trị nhân sự, công việc. Rõ ràng, việc liên kết dọc đã tạo ra tính chủ động, đủ sức là “đối tác”, tiếp nhận nguồn lực bên ngoài và vận hành một cách trơn tru.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng, QĐ 673 cần được sơ kết sau 5 năm thực hiện ở từng địa phương và mỗi cấp Hội. Từ kết quả 4 năm hoạt động, từ yêu cầu của nhiệm vụ “Tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho ND, xây dựng Hội ND vững mạnh”; thiết nghĩ, năm 2015 này, QĐ 673 cần tập trung vào 2 điểm then chốt: Một là, khai thông và làm chuyển biến mạnh tới cấp huyện, cấp cơ sở. Hai là, nỗ lực liên kết ngang, liên kết dọc để tạo nguồn lực mới về tài chính; trong 2 điều trên, vai trò của ban thường vụ, của người đứng đầu tổ chức Hội ND ở mỗi cấp và các trưởng, phó phòng, ban, giám đốc trung tâm là then chốt. Thời cơ và liên kết vẫn rộng mở - vấn đề còn lại là năng lực và quyết tâm của cán bộ mà thôi!

Theo danviet.vn