Thông tin vừa cũ vừa thiếu, ngành mía đường bị ngộ nhận về năng lực
- Thứ hai - 11/11/2019 06:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông dân canh tác mía đường (Ảnh: IT)
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, trên thị trường thế giới sau hai vụ liên tục thừa cung, dự báo niên vụ 2019-2020 sẽ chấm dứt tình trạng thừa cung và chuyển sang tình trạng thâm hụt (dự kiến thâm hụt từ 4-5 triệu tấn).
Về giá đường, vụ 2018-2019 đã xuất hiện giá đáy khoảng 10 UScents/lb (tháng 9/2018), và hiện nay vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 12 UScents / lb (hiện tại là 12.36 UScents /lb). Mức giá này thấp hơn giá thành sản xuất ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, bởi Braxin là nước có giá thành sản xuất thấp nhất cũng lên tới 16 UScents / lb.
Nguyên nhân khiến giá đường giảm mạnh trong những niên vụ gần đây là do sự can thiệp bảo hộ của các nước, cộng với gian lận thương mại, trong đó năm 2018 được đánh giá là năm trợ giá của ngành đường. Đó cũng là nguyên nhân của nhiều vụ kiện thương mại mà các quốc gia sản xuất đường kiện lên WTO, đáng chú ý là các quốc gia đứng đơn kiện đều là các quốc gia hàng đầu về ngành đường.
Đáng tiếc là trong một thời gian rất dài, các thông tin về bản chất biến dạng đến mức gian lận thương mại của thị trường đường thế giới, đặc biệt là gian lận thương mại đến mức méo mó của thị trường đường Thái Lan không được Hiệp hội Mía đường Việt Nam với tư cách là hiệp hội ngành nghề kịp thời nhận diện và thông tin đến các đơn vị hữu quan và dư luận.
"Sự thiếu sót thông tin này khiến cho toàn bộ xã hội cũng như cơ quan quản lý Nhà nước ngộ nhận năng lực cạnh tranh của ngành đường và nông dân trồng mía Việt Nam quá thấp so với thế giới, quá thấp so với Thái Lan và chỉ ỷ lại vào sự bảo hộ của nhà nước”, ông Lộc nhận xét.
Hội nghị tổng kết niên vụ 2018-2019 của ngành mía đường Việt Nam (Ảnh: Quốc Hải)
Theo ông Lộc, những ngộ nhận trên đã gây ra những hậu quả và bất lợi cho sự phát triển của ngành đường Việt Nam.
Còn theo chia sẻ của ông Cao Anh Đương, quyền Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), ngành mía đường Việt Nam hiện nay rất thảm. Chẳng hạn, diện tích mía của Việt Nam chưa tới 200.000 ha, đó là của niên vụ trước. Còn vụ 2019-2020 này thì diện tích còn xuống nữa, dự kiến chỉ còn hơn 150.000 ha một tý.
“Con số này không biết đã đến tai các lãnh đạo chưa, chứ tôi thấy các lãnh đạo mấy bữa nay đăng đàn, dùng con số rất cũ khi nói diện tích mía còn 260.000 ha. Bây giờ làm gì còn, con số ngoài thực tế thậm chí còn thảm hơn so với thống kê của chúng tôi, năng suất cũng không ước lượng được, chúng tôi chỉ lấy con số xêm xêm niên vụ trước thôi, dựa trên báo cáo không đầy đủ của các đơn vị. Vì lý do nhiều đơn vị cũng không gửi thông tin cho hiệp hội, nên phải lấy từ nhiều nguồn thông tin khác nhau nên có thể cũng chưa chính xác. Số liệu này cũng là số liệu lần đầu tiên chúng tôi công bố ra ngoài về tình trạng ngành mía đường hiện nay”, ông Đương nói.
Theo ông Đương: “Tôi cũng không biết bên Cục Trồng trọt hay Bộ NNPTNT còn con số nào khác hay không vì theo con đường các Sở Nông nghiệp báo cáo lên, nhưng tôi nghĩ con số này là chính xác, vì trước khi kết thúc niên vụ 2018-2019, chúng tôi đã đi nhiều và thấy giảm rất nhiều. Các đơn vị khác đánh giá diện tích còn 240.000 ha nhưng tôi cho rằng không có đâu chỉ còn chưa tới 200.000 ha”.
Theo Quốc Hải/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/thong-tin-vua-cu-vua-thieu-nganh-mia-duong-bi-ngo-nhan-ve-nang-luc-1030329.html