Thu hút vốn FDI vào chăn nuôi, còn nhiều vướng mắc
- Thứ ba - 16/10/2012 20:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tuy vậy, có một thực tế là các doanh nghiệp vẫn e ngại khi đầu tư vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, do ngành này còn tồn tại nhiều yếu kém. "Ngại" vì nhiều rủi ro Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngành chăn nuôi 2012 do Cục Chăn nuôi phối hợp với Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành chăn nuôi chứa đựng nhiều rủi ro do dịch bệnh, đặc biệt là những bệnh gây thiệt hại lớn như heo tai xanh, cúm gia cầm, lở mồm long móng…; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và trình độ chuyên môn hoá của lực lượng lao động và quản lý về chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm chăn nuôi còn thấp. Chăn nuôi ở Việt Nam về cơ bản vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ và phân tán. Theo thống kê năm 2011, nước ta có tới 6,5 triệu hộ chăn nuôi với 6.202 trại; tỷ trọng chăn nuôi gia cầm nông hộ chiếm khoảng 70% về đầu con và 60% về sản phẩm thịt; tỷ lệ này ở chăn nuôi lợn nông hộ lần lượt là 65% và 57%. Hiện cả nước có khoảng 20.065 trang trại chăn nuôi, diện tích bình quân 7,9ha/trang trại, doanh thu 39.000 tỷ đồng, bình quân một trang trại thu nhập 1.942,5 triệu đồng/năm. Cũng theo Cục Chăn nuôi, số dự án và vốn đầu tư FDI cho chăn nuôi phân bố ở 6 vùng sinh thái có sự khác nhau rất lớn, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 41,1%, miền núi và trung du 29,4%, Đông Nam Bộ 16,2%, các vùng còn lại 10,3%. Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư lại không tương xứng với số lượng dự án, trong đó Đồng bằng sông Hồng chiếm 94,4% tổng vốn, Đông Nam Bộ 2,6%, Đồng bằng sông Cửu Long 1,9% và các vùng còn lại là 1,1%; riêng vùng Tây Nguyên không có dự án FDI nào về chăn nuôi. Đầu tư FDI cho chăn nuôi ở các địa phương rất không đồng đều do phụ thuộc vào điều kiện đầu tư về nông nghiệp cũng như đặc điểm chăn nuôi. Nếu tính theo số dự án của 27 tỉnh, thành phố thì Sơn La là địa phương có nhiều dự án nhất (18/68), tiếp theo là Kiên Giang (14/68); trong khi đó, nhiều tỉnh không có dự án nào như Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bà Rịa-Vũng Tàu… Về vốn đầu tư thì đứng đầu là Bình Dương với 280,1 triệu USD, tiếp đến là Vĩnh Phúc 263,3 triệu USD và thấp nhất là Ninh Thuận 26,22 triệu USD. Điều đáng nói là ngành chăn nuôi còn tồn tại nhiều điểm yếu, trong đó hệ thống giết mổ còn nhiều điều phải bàn. Theo báo cáo của Cục Thú y, cả nước hiện có 29.281 cơ sở và điểm giết mổ, trong đó cơ sở giết mổ chỉ chiếm 3,4% (996 cơ sở), còn lại là các điểm giết mổ (chiếm hơn 96%). Trong số này chỉ có 7.931 cơ sở và điểm giết mổ được cơ quan thú y kiểm soát; tỷ lệ giết mổ tại các cơ sở, điểm giết mổ không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chiếm tới 60-70% tổng sản phẩm thịt bán ra thị trường; khoảng 90% tổng sản lượng thịt được tiêu dùng là thịt tươi… Những số liệu này là minh hoạ sinh động nhất về sự yếu kém của hệ thống giết mổ, chế biến thịt hiện nay. Trong khi đó, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 tại Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/1/2008, nhưng thực tế là sau gần 4 năm, cả nước mới có 40/63 tỉnh, thành hoàn thành đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi; 30/40 tỉnh được phê duyệt đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi; 10/40 tỉnh đang chờ phê duyệt; 13/63 tỉnh, thành chưa có đề án. Cần giải quyết những nghịch lý Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, muốn thu hút được đầu tư FDI, chúng ta cần xây dựng một chính sách rõ ràng, tinh gọn; quy hoạch chi tiết từ quy mô nhỏ sang lớn; quản lý tốt nhằm giảm giá thức ăn xuống bằng mức trung bình với khu vực (hiện cao hơn các nước khu vực từ 10-15%). "Không thể để tồn tại nghịch lý là một cường quốc xuất khẩu về nông sản nhưng giá thức ăn chăn nuôi lại cao thuộc hàng "top" của thế giới được", ông Giao nhấn mạnh. Ngoài ra, theo ông Giao, chúng ta cần xây dựng tiêu chuẩn chăn nuôi thật nghiêm ngặt, có chính sách đặc thù cho khâu giết mổ, chế biến, xử lý môi trường. Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ chuyên gia có chất lượng cao phục vụ ngành chăn nuôi. Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, ngoài những biện pháp đã có, ngành chăn nuôi Việt Nam cần thực hiện theo mô hình mới là đầu tư theo hình thức công tư, có nghĩa là những thỏa thuận giữa lĩnh vực công và lĩnh vực tư nhân, trong đó một phần dịch vụ hay công trình nào đó đáng lẽ thuộc trách nhiệm của khu vực công, giờ sẽ giao cho lĩnh vực tư nhân với thỏa thuận rõ ràng trên cơ sở chia sẻ mục tiêu, có như vậy thì ngành chăn nuôi Việt Nam mới đủ nguồn lực để phát triển. Theo ông Dương, hình thức này sẽ phát huy hiệu quả những kỹ năng, công nghệ hiện đại và tính hiệu quả của khu vực tư nhân; buộc khu vực công ngay từ đầu phải chú trọng đầu ra và lợi ích (thay vì các yếu tố đầu vào); đưa vốn tư nhân vào và giúp giảm nhẹ gánh nặng về tài chính cho dự án. Rủi ro sẽ được chia sẻ giữa các đối tác. Cũng theo ông Dương, các Sở Nông nghiệp và PTNTcần xây dựng dự án, chính sách cụ thể trình UBND tỉnh ký ban hành để khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển chăn nuôi. Trước mắt, cần tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến... Quang Minh
| ||
Nguồn:kinhtenognthon.com.vn | ||