Thu mua, tạm trữ lúa gạo: người dân còn mù mờ thông tin

Thu mua, tạm trữ lúa gạo: người dân còn mù mờ thông tin
Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo hiện nay vẫn chưa tạo hiệu quả thiết thực cho người nông dân hưởng lợi từ sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện chính sách thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ vụ đông xuân 2012-2013, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đi được gần một nửa chặng đường. Qua đó, giá lúa ở các địa phương khu vực ĐBSCL có nhích lên đôi chút. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy, do thời điểm thu mua, giá sàn và số lượng thu mua khống chế và công tác thông tin chưa sát với điều kiện thực tế nên chính sách này vẫn chưa tạo hiệu quả thiết thực cho người nông dân hưởng lợi từ sản xuất nông nghiệp.

Thời điểm hiện nay, các tỉnh thành ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân. Đánh giá sơ bộ từ Cục Trồng trọt cho thấy, dự kiến hết tháng 3 này sẽ thu hoạch đạt 1,2 triệu ha/1,55 triệu ha lúa đông xuân. Bên cạnh đó, việc thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ đang được đẩy mạnh và sẽ hoàn thành chỉ tiêu trong tháng 3 này.
 

 

Cần chính sách hỗ trợ nông dân một cách linh hoạt.

Từ đó, nhiều ý kiến ở các địa phương rất băn khoăn đối với công tác thu mua tạm trữ lúa gạo đang triển khai. Bởi thực hiện như hiện nay thì việc mua tạm trữ chỉ là giải pháp tình thế. Phân tích từ các địa phương cho thấy về mùa vụ canh tác, diện tích, sản lượng lúa… gần như đã theo kế hoạch. Tuy nhiên, cứ đến vụ thu hoạch là tất cả lại như “cuống cuồng” với câu chuyện tạm trữ lúa gạo. Qua đó nhiều địa phương nhận định các doanh nghiệp kinh doanh lương thực và ngành thương mại chưa chủ động tốt đầu ra.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang nêu rõ: “Chúng tôi đề nghị có thêm nhiều hình thức tạm trữ lúa gạo khác hơn so với 1 hình thức hiện nay là giao cho doanh nghiệp thu mua trực tiếp. Đó là tại sao không để cho các doanh nghiệp có mô hình cánh đồng mẫu lớn thực hiện tạm trữ rồi mình hỗ trợ người ta, hay là để dân tạm trữ mình hỗ trợ. Những mô hình này nếu chúng ta hỗ trợ được thì sẽ góp phần rất lớn để người dân có lợi nhuận”.

Thực tế trong những ngày qua, giá lúa ở khu vực trọng điểm lúa đã có nhích lên đôi chút. Cụ thể, giá lúa tươi hạt dài mua ngoài đồng dao động từ 4.600-4.900 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg so với trước Tết. Mặc dù, giá lúa lên song trên thực tế, nhiều nơi người nông dân không được hưởng lợi nhiều. Mặt khác, mức tăng như thế theo nhiều nông dân cho biết vẫn chưa đảm bảo để người sản xuất có lãi 30% theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Bên cạnh đó, thời điểm triển khai mua tạm trữ, phân bổ sản lượng, giá sàn cũng nảy sinh nhiều ý kiến trái nhau. Nếu như Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng việc mua tạm trữ từ 20/2 trở đi là hợp lý vì ĐBSCL vào thu hoạch rộ thì ở các địa phương có diện tích sản xuất lớn như Đồng Tháp, Kiên Giang cho rằng đã trễ. Tại Đồng Tháp, thời điểm triển khai thu mua lúa gạo tạm trữ (20/2) cũng là lúc đã có 60% diện tích lúa trong tỉnh thu hoạch, nhiều nông dân đã bán lúa cho tiểu thương nên không còn hưởng lợi từ việc mua tạm trữ. Chính vì vậy, giá lúa rớt mạnh, người sản xuất lao đao.

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Nên xem việc mua tạm trữ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài cần cái nhìn dài hạn căn cơ hơn để giải quyết tốt bài toán sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu gạo. Tôi đề nghị vấn đề này có sự gắn kết hài hòa giữa hiệp hội và chính quyền địa phương. Chính sách này cần ở một thời điểm thôi. Để sau đó chuyển sang dài hạn hơn là doanh nghiệp tham gia cánh đồng mẫu lớn. Lúc đó người dân, chính quyền, doanh nghiệp và Chính phủ đều an tâm về sản xuất lúa gạo.

Thực tế đã và đang chỉ ra rằng, hiệu quả của việc thực hiện mua tạm trữ lúa gạo tại nhiều địa phương vẫn chưa đạt như mong muốn do còn bất cập về giá cả, thời điểm thu mua và số lượng lúa gạo thu mua tạm trữ.

Đồng tình vấn đề này, về phía doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang cho biết: Nhà nước không cần hỗ trợ lãi suất 0% để các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ như hiện nay. Bởi từng doanh nghiệp khi tham gia xuất khẩu gạo thì phải tự chủ nguồn nguyên liệu cho chính mình và cần có trách nhiệm với nông dân. Nếu kéo dài cơ chế tạm trữ sẽ khiến một số doanh nghiệp ỷ lại, trông chờ vào nhà nước. Thay vì hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua gạo tạm trữ, nhà nước nên hỗ trợ trực tiếp cho nông dân thông qua những mô hình khác sẽ hiệu quả hơn.

Trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp tham gia mua tạm trữ lúa gạo chưa tổ chức tốt mạng lưới thu mua lúa, gạo tạm trữ đến tận người dân. Bên cạnh đó, công tác thông tin về các doanh nghiệp được giao chỉ tiêu mua tạm trữ lúa gạo cũng còn rất hạn chế từ phía VFA. Do thiếu thông tin nên chính quyền các địa phương khó quản lý và hỗ trợ việc thu mua trạm trữ lúa gạo của các doanh nghiệp tại địa bàn.

Về phía người nông dân càng “mịt mù thông tin” hơn khi không biết doanh nghiệp nào mua tạm trữ, tiến độ mua và giá cả bao nhiêu... nên khó có thể bán lúa gạo trực tiếp cho doanh nghiệp. Từ đó, người dân và các địa phương khu vực ĐBSCL rất cần một cơ chế thu mua tạm trữ lúa gạo trong các mùa vụ bền vững và ổn định hơn./.

 

Theo Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL