Thu tiền tỷ từ chăn nuôi tổng hợp

Khi đến xóm 7, xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), hỏi thăm gia đình anh Đặng Anh Tuấn thì hầu như ai cũng biết. Bởi anh không chỉ là người chăm chỉ, chịu khó, tìm tòi học hỏi trong làm ăn mà còn là người luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế.

Kiên trì ngày đầu lập nghiệp

 thu tien ty tu chan nuoi tong hop hinh anh 1

Anh Đặng Anh Tuấn (phải) giới thiệu với Chủ tịch Hội ND tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Nhị
về giống thanh long ruột đỏ. Ảnh: C.T

Thành công của anh Tuấn nhờ kiên trì, luôn học hỏi trau dồi kinh nghiệm của nhiều chủ trang trại khác; mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Tuấn còn tạo điều kiện giúp đỡ vốn, khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho các hộ nghèo trong xã”.

Ông Nguyễn Hồng Xuân – Chủ tịch Hội ND huyện Đô Lương

 

 

Nhớ những ngày đầu lập nghiệp, anh Tuấn làm đủ thứ nghề để mưu sinh nhưng thu nhập không được là bao, cuộc sống vẫn chật vật. Vốn đam mê nghề chăn nuôi, ngoài việc chăm sóc mấy sào ruộng của gia đình, anh mạnh dạn vay mượn để đầu tư nuôi lợn nái sinh sản.

Tuy nhiên với cách chăn nuôi truyền thống, không chủ động được nguồn giống, không dự đoán được giá cả thị trường... nên mấy vụ chăn nuôi đầu anh nếm “trái đắng” khi liên tục thua lỗ nặng. Khó khăn chồng chất khó khăn, thế nhưng chưa bao giờ anh Đặng Anh Tuấn nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

Được sự động viên của gia đình và Hội ND địa phương, anh tiếp tục nhận khoán đất rừng, đất đồi, đào ao thả cá, trồng cây ăn quả như nhãn, thanh long, bưởi Diễn, na Thái và ổi Đài Loan… Nhận thấy đây là nghề mưu sinh của gia đình mình, ngay từ năm 2010, anh Tuấn bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu, tham quan, học hỏi những mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả có cách làm hay đem lại hiệu quả kinh tế cao từ các địa phương lân cận. Từ đó anh bắt đầu mạnh dạn vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư xây dựng, hoàn thiện mô hình trang trại tổng hợp với quy mô lớn, khép kín.

Tỷ phú vùng đất nghèo

Hiện trang trại tổng hợp của anh Tuấn có quy mô 15,5ha, trong đó 1,5ha làm chuồng trại chăn nuôi lợn siêu nạc với hơn 200 con lợn nái sinh sản và 2.000 con lợn thịt và lợn hậu bị; 1ha trồng nhãn, 1ha trồng thanh long ruột đỏ, 1ha trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh và quýt đường, 1ha trồng na Thái Lan và ổi Đài Loan; 1ha ao nuôi cá; và 9ha trồng rừng kinh tế cho thu hoạch luân phiên…Từ mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp này, mỗi năm tổng doanh thu của gia đình khoảng trên 13 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí anh Tuấn lãi ròng từ 1 - 3 tỷ đồng. 

Anh Tuấn chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi sản xuất kinh doanh theo hướng khép kín, xu hướng hữu cơ, không dùng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học; thức ăn chăn nuôi không dùng chất cấm. Chất thải chăn nuôi được xử lý qua hệ thống biogas, lấy khí gas phát điện; sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt, phun mưa…”.

Hàng năm, trang trại của anh Tuấn giải quyết việc làm cho 14 lao động thường xuyên, trong đó có 1 thạc sĩ chăn nuôi thú y, 2 kỹ sư trồng trọt và 11 công nhân, thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/lao động/tháng. Vào mùa thu hoạch, trang trại của anh Tuấn tạo việc làm thời vụ cho 2.000 lao động với mức chi trả 150.000 đồng/người/ngày. 

Theo danviet.vn