Thủ tướng tặng ngành NN-PTNT 10 chữ: Chủ động, Sáng tạo, Chung sức, Đồng lòng, Hiệu quả
- Thứ ba - 24/12/2019 07:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thủ tướng tặng Bằng khen cho những tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Ảnh: Phạm Hiếu. |
“Cần xử lý việc phao tin đồn nhảm về việc thiếu thịt heo vì không thiếu nhiều lắm đâu, cần thiết nhập vài nghìn tấn nữa để giảm giá xuống. Rất đáng mừng đến hôm nay, từ 90.000 đồng/kg heo hơi xuống còn 80.000 - 82.000 đồng/kg và tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ông nào ghìm giá, không chịu xuất heo phải bị xử lý".
Phát ngôn của Thủ tướng được đưa ra hôm 23/12, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thủ tướng cho biết với 25 triệu con heo đang còn thì hiện nay chưa thiếu thịt heo, đủ cung ứng cho cả nước và sẵn sàng nhập 7.000 tấn thịt heo nữa.
"Lạm phát tâm lý rất quan trọng, tôi nói với báo chí rất nhiều lần, nếu như chúng ta cứ nói mãi thiếu heo thì tự nhiên lạm phát về tâm lý giá lợn càng tăng cao", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng đánh giá năm 2019, ngành Nông nghiệp tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Đó là cạnh tranh quyết liệt trong thương mại toàn cầu, xu hướng bảo hộ, chiến tranh thương mại có nhiều phức tạp.
Dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng xảy ra, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) và bệnh sâu keo mùa thu trên thực vật. Biến đổi khí hậu, diễn biến cực đoan của thời tiết: Nắng nóng kéo dài bất thường gây hạn, cháy rừng, thiếu hụt lượng mưa lớn gây hạn, mặn cuối năm...
Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp đã có nhiều điểm sáng, đạt nhiều mục tiêu xuất sắc. Ngành đã đạt và vượt ¾ chỉ tiêu Chính phủ giao (một chỉ tiêu không đạt là GDP vì ảnh hưởng của DTLCP). Trong đó, kim ngạch XK vẫn đạt 41,3 tỉ USD.
Về ảnh hưởng của DTLCP đến ngành chăn nuôi nói riêng cũng như toàn ngành Nông nghiệp, Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, tham mưu, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ trung ương đến địa phương trong công tác phòng, chống DTLCP nên đã đạt hiệu quả tích cực rõ rệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Phạm Hiếu. |
Song song với công tác mở cửa thị trường xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản, Thủ tướng cũng đánh giá cao năm 2019 cũng là năm có sự đột phá mạnh mẽ về đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; phát triển kinh tế hợp tác...
Công tác đàm phán, mở cửa thị trường tiếp tục được triển khai quyết liệt. Cá tra Việt Nam đã được thị trường Hoa Kỳ công nhận tương đương về SX, an toàn thực phẩm và được hưởng 0% về thuế suất.
Thị trường Trung Quốc có nhiều biến động về quản lí NK nông thủy sản từ Việt Nam, tuy nhiên tổng kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc vẫn được giữ vững, bên cạnh đó còn mở cửa được nhiều sản phẩm thủy sản, nhất là lần đầu tiên XK lô sữa sang thị trường Trung Quốc hồi tháng 10/2019.
Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm nông thủy sản khác tiếp tục được đàm phán mở cửa sang nhiều thị trường mới, gần đây nhất là vải thiều được phép XK sang Nhật Bản...
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại của ngành năm 2019 như: Cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, chủ đạo.
Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển theo yêu cầu, năng suất lao động và hiệu quả kinh tế sản xuất thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Tốc độ tăng kim ngạch XK có dấu hiệu chững lại do giá XK nhiều nông sản chủ lực giảm. Tiến độ để giải quyết “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản còn chậm; sạt lở bờ sông, bờ biển, hạn hán, cháy rừng tiếp tục diễn ra; nguồn lực cho ngành còn rất hạn chế. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch năm đề ra (đạt 86,1%), nhất là vốn ODA.
Bên cạnh đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, đặc biệt DTLCP đã lan rộng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của ngành; và giá thịt lợn đang ở mức rất cao.
Trên cơ sở những kết quả và tồn tại năm 2019, Thủ tướng giao mục tiêu năm 20120: Tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%; Kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản trên 43 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng 42%; Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 59%; ít nhất 121 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp để cả nước có 17.000 HTX nông nghiệp. Đây là yếu tố quan trọng trong điều kiện kinh tế hộ vẫn còn khá phổ biến.