Thừa Thiên - Huế: Nâng “sao” cho sản phẩm OCOP

Thừa Thiên - Huế: Nâng “sao” cho sản phẩm OCOP
Mặc dù mới triển khai thực hiện kế hoạch đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương, đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đạt nhiều kết quả quan trọng và hình thành nhiều điểm sáng trong thực hiện Chương trình OCOP.

Gấp rút thực hiện

Theo Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 15/1/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc ban hành kế hoạch triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2019-2020 và qua đánh giá, khảo sát ban đầu, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khá nhiều sản phẩm tiềm năng và lợi thế để thực hiện, nâng cấp thành các sản phẩm OCOP đặc trưng của tỉnh.

 thua thien - hue: nang “sao” cho san pham ocop hinh anh 1

   Quả thanh trà luôn được đánh giá là đặc sản trái cây ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh:  Trần Hòe

Được biết, giai đoạn 2019-2020, tổng nguồn vốn dự kiến huy động để thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Thừa Thiên - Huế là 11.420 triệu đồng. Trong đó, bao gồm việc hoàn thiện hệ thống bộ máy tổ chức, triển khai Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến huyện, xã.

Theo đó, toàn tỉnh có trên 100 sản phẩm có thể phát triển thành sản phẩm OCOP và nằm trải đều tại các địa phương trên địa bàn, cũng như ở các huyện miền núi. Đó là những sản phẩm đã có tiếng của tỉnh Thừa Thiên - Huế như: Thanh trà, tôm chua, mây tre đan, dệt thổ cẩm, nước mắm, đúc đồng, áo dài…

Ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phú Lộc cho biết, sau khi UBND tỉnh có chủ trương Chương trình OCOP, huyện Phú Lộc đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc để thực hiện chương trình.

“Qua khảo sát, huyện Phú Lộc nhận thấy nhiều sản phẩm tiềm năng để thực hiện, như: Tinh dầu tràm (xã Lộc Thủy); trà vả, rượu vả (thị trấn Phú Lộc); dưa hấu Vinh Lộc (xã Vinh Giang); sản phẩm gỗ từ rừng trồng và sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ… Giai đoạn 2019 - 2020, huyện sẽ tập trung thực hiện 3 sản phẩm có lợi thế là dầu tràm, sản phẩm từ quả vả (trà, rượu) và trà cà gai leo (xã Lộc Bổn)…” - ông Thông chia sẻ.

 Thị xã Hương Trà cũng đã ban hành kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. “Hương Trà cũng có khá nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, như: Bưởi đỏ, thanh trà, hành lá, bún tươi, nước mắm, gạo đỏ, dầu lạc, kiệu…” - ông Trần Xuân Anh - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Hương Trà cho hay.

Nhiều điểm sáng

Theo ông Trần Xuân Anh, thị xã Hương Trà đã đăng ký với tỉnh thực hiện 14 sản phẩm chủ lực tại hầu hết các xã, phường trên địa bàn. Trong đó, sản phẩm nổi trội nhất phải kể đến thanh trà ở phường Hương Vân. Hiện nay, tổng diện tích thanh trà lên tới 150ha với 700 hộ tham gia trồng.

Hiện 10ha của 65 hộ được công nhận nhãn hiệu tập thể của tỉnh và mới đây sản phẩm này đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hay như bưởi đỏ ở Hương Hồ (63ha, đã có nhãn hiệu tập thể), bưởi cốm ở Hương Thọ (hơn 40ha), bún tươi ở xã Hương Toàn (150 hộ)… và còn nhiều sản phẩm khác.

Ông Nguyễn Văn Thông cho biết, hiện nay, hầu hết các sản phẩm đăng ký làm OCOP của Phú Lộc đã có chỗ đứng trên thị trường, có thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì… được người tiêu dùng biết đến. Giai đoạn 2019-2020, huyện đăng ký 3 sản phẩm và phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, hoàn thiện thành sản phẩm OCOP. Trong đó, lựa chọn 1 - 2 sản phẩm tập trung phát triển để đánh giá tại cấp huyện đạt 3 sao trở lên, lập hồ sơ gửi Hội đồng cấp tỉnh thẩm định, trình UBND tỉnh công nhận và xếp hạng…

Về phát triển sản phẩm, thời gian tới, tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu ít nhất 20 sản phẩm tiềm năng, có lợi thế của địa phương được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa. Mỗi huyện, thị xã và thành phố lựa chọn ít nhất 1-2 sản phẩm lợi thế nhất để tập trung phát triển thành sản phẩm OCOP.

Theo Đoàn Hồng - Hồng Phong/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/thua-thien-hue-nang-sao-cho-san-pham-ocop-1009126.html