Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp

Trong những năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp ở nước ta đã đạt được một số bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của nước ta vẫn còn rất thấp, làm hạn chế sự phát triển của ngành nông nghiệp.
Theo các cơ quan chức năng, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp có mức tăng khả quan với số lượng máy kéo tăng gần hai lần, máy gặt tăng gần ba lần, máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng gần sáu lần,... Công suất các loại máy kéo làm động lực cho máy nông nghiệp cũng có xu hướng chuyển dịch từ máy có công suất nhỏ (dưới 15 mã lực) sang sử dụng máy có công suất cỡ trung (18 đến 35 mã lực) và cỡ lớn (hơn 35 mã lực). Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hóa bình quân cả nước một số khâu trong sản xuất nông nghiệp đã đạt mức độ cao, thí dụ: Làm đất trồng cây hằng năm đạt 93%; phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, chè, cà-phê hay mía đạt hơn 75%; vận chuyển gần 100%;... 

Tuy nhiên, nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của nước ta vẫn còn rất thấp, hiện mới đạt bình quân 2,4 mã lực/ha canh tác, trong khi một số nước như Thái-lan đạt tới bốn mã lực/ha, Hàn Quốc 10 mã lực/ha, Trung Quốc tám mã lực/ha,... Mặt khác, trình độ cơ giới hóa cũng không cao, thể hiện ở việc hầu hết các máy làm đất thường có công suất nhỏ (máy kéo công suất dưới 35 mã lực chiếm hơn 90%), chỉ thích hợp với quy mô hộ và đất manh mún; khâu chăm sóc chủ yếu là máy phun tay;... Nhất là chưa bao giờ cơ giới hóa lại trở nên cần thiết đến như vậy trong khâu thu hoạch và chế biến nông sản hiện nay để triển khai chuyển đổi cơ cấu có lợi nhất cho ngành nông nghiệp. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ thất thoát thực phẩm sau thu hoạch ở Việt Nam lần lượt là 32% với rau quả, 15% với ngũ cốc, 14% với thịt, 12% với lúa gạo và thủy sản. 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động không nhỏ đến phát triển ngành nông nghiệp, việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng và giảm chi phí sản xuất là vấn đề cấp bách trong thời gian tới. Theo các chuyên gia, muốn thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, trước hết chúng ta cần rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ có ưu tiên, trọng điểm để tạo nên thay đổi có tính đột phá đối với những khâu sản xuất cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa như chế biến, bảo quản nông sản. Mặt khác, cần bổ sung cơ chế, chính sách về cơ điện nông nghiệp; các tổ chức, cá nhân có sáng chế máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp cần được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản đã ban hành. 

Để triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, vừa qua Bộ Công thương đã ra Quyết định số 176/QĐ-BCT ban hành danh mục sản phẩm cơ khí chế tạo, linh kiện, máy nông nghiệp và sản phẩm phụ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được hỗ trợ đầu tư. Nếu được triển khai hiệu quả, chắc chắn chính sách này sẽ thúc đẩy sự phát triển của cơ khí nông nghiệp trong nước, tạo động lực giúp ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển bền vững. 
theo NGUYỆT BẮC/nhandan.com.vn