Thuế VAT về 0%, liệu giá thức ăn chăn nuôi có còn đắt hơn cả... Mỹ?

Là một nước nông nghiệp, nhưng có một nghịch lý là từ nhiều năm nay Việt Nam luôn phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN). Do đó, giá TACN của nước ta luôn đắt hơn rất nhiều các nước trong khu vực và thế giới...
Thức ăn chăn nuôi giảm giá sẽ tạo sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi.

Đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, nếu thuế giá trị gia tăng (VAT) thức ăn chăn nuôi giảm từ 5% về 0% thì chắc chắn giá đầu ra của ngành chăn nuôi cũng sẽ giảm 5%, điều này sẽ tạo thêm sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi trong nước.

Giá TACN đắt hơn cả Mỹ

Là một nước nông nghiệp, nhưng có một nghịch lý là từ nhiều năm nay Việt Nam luôn phải bỏ ra hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN). Do đó, giá TACN của nước ta luôn đắt hơn rất nhiều các nước trong khu vực và thế giới, không tạo được sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi.

Theo thống kê của Bộ NNPTNT, 8 tháng đầu năm 2014, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu của Việt Nam đã lên tới 2,25 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Argentina với 33%, Mỹ gần 14%, Trung Quốc gần 11%.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, hiện Bộ đang thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, theo đó sẽ chú trọng đến các phương pháp và cách tiếp cận mới nhằm tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm ngành chăn nuôi thông qua việc hạ giá thành sản xuất, bằng cách hạ giá thành các vật tư đầu vào của TACN.

Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam thực hiện ký kết các hiệp định tự do hoá thương mại liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi trong năm nay.

“Một tồn tại lớn của ngành chăn nuôi là hiện nay, 70% chi phí chăn nuôi là thức ăn. Cũng là một hạt ngô, nhưng con lợn ở nước ta phải ăn ngô đắt hơn gấp 30% so với nước Mỹ do chi phí vận chuyển. Để tự chủ được TACN, cần phát triển sản xuất nguyên liệu và TACN trong nước, hiện Bộ vẫn đang rất cố gắng về vấn đề này.

Thật bất hợp lý khi một nước nông nghiệp mà hàng năm chúng ta phải bỏ hàng tỷ USD để nhập khẩu ngô, khô dầu đậu tương, bột cá… Chúng ta sẽ phải có một chương trình nghiên cứu để giải quyết vấn đề nguyên liệu cho ngành này” – Bộ trưởng Phát nói.

Ông Nguyễn Hữu Thống Nhất – cán bộ phụ trách miền Bắc của Công ty Domyfeed cho biết, nếu thuế VAT về 0% thì chắc chắn các công ty TACN sẽ tính tới phương án giảm giá, nhưng không nhiều bởi giá trung bình 1kg TACN khoảng 10.000 đồng thì sẽ chỉ giảm được 500 đồng/kg.

“Thực tế thời gian qua, giá cước vận tải đã tăng rất cao nên hầu hết các công ty cũng đã cố gắng giảm giá hoặc giữ giá TACN để tăng sức cạnh tranh rồi. Trong khi năm nay người chăn nuôi cũng đang có lãi cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, đơn cử như chăn nuôi lợn đang có lợi nhuận từ 1,5 – 2 triệu đồng/con.

Dù giá nguyên liệu TACN sẽ giảm, nhưng các công ty lớn đều có kế hoạch nhập nguyên liệu từ trước nên cũng ít được hưởng lợi” - ông Nhất phân tích.

Sản phẩm đầu ra sẽ giảm 5%

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, hiện nay, TACN phải chịu 3 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Trong đó, chỉ thuế VAT là có thể được giảm, nhưng từ 5% về 0% cũng không phải là nhiều, chắc chỉ khoảng 3%. Bởi TACN có từ 20 - 22 loại nguyên liệu, trong khi các loại TACN bổ sung sẽ vẫn giữ nguyên không được giảm. Nếu giảm thuế cho cả các nguyên liệu bổ sung này thì TACN có thể giảm giá tới 7-8%” - ông Lịch dự đoán.

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam, công ty sản xuất TACN lớn nhất như CP cũng chỉ chiếm 19% thị phần, Proconco khoảng 8% và Cargill Feed 7%..., tức là không có công ty nào đủ “chiếm lĩnh” thị trường.

Khi giá TACN giảm xuống, để cạnh tranh chắc chắn các công ty này sẽ phải giảm giá TACN. Mặt khác, mỗi năm chúng ta nhập khẩu trên 9 triệu tấn nguyên liệu, chủ yếu là ngô, khô dầu đậu tương từ Mỹ, Brazil... nhưng hiện các nước này đang được mùa nên giá các nguyên liệu trên cũng đã giảm từ 6 tháng nay.

Do đó, thời gian tới các doanh nghiệp TACN sẽ có nhiều hình thức giảm giá như khuyến mãi, hoặc mua nhiều tặng thêm 1 bao cám, hoặc tăng chiết khấu cho các đại lý… Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kiến nghị của Bộ NNPTNT, Bộ Tài chính về việc đưa mặt hàng TACN sản xuất công nghiệp đang chịu thuế VAT từ 5% xuống đối tượng không chịu thuế.

Theo dự kiến, Chính phủ sẽ trình lên Quốc hội nội dung này vào tháng 10 năm nay và nếu được phê duyệt, sẽ chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2015. “Tại các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia…, TACN sản xuất công nghiệp đều không phải chịu thuế VAT nên việc chúng ta đưa về mức thuế 0% là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Nếu được Quốc hội phê duyệt, nguyên liệu đầu vào của ngành chăn nuôi sẽ giảm 5%, như vậy sản phẩm đầu ra cũng sẽ giảm 5%, góp phần tạo sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi để tiến tới tham gia vào các hiệp định tự do hoá thương mại tới đây” - ông Dương khẳng định.

   Bộ NNPTNT đặt mục tiêu năm 2015, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi sẽ tăng 5 - 5,6% so với năm 2014; tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt gần 4,96 triệu tấn, tăng 3,9%... 

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nếu không kịp thời khắc phục những tồn tại về giống, thuốc thú y, TACN thì khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, dự kiến thuế nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu bằng 0%, ngành chăn nuôi trong nước có thể bị “nhấn chìm”. 
Theo danviet.vn