Tiêu hủy giống lúa lai ở Long An: Một hình ảnh phản cảm!

Cuối cùng việc sản xuất giống lúa lai (dư luận đồn thổi thành "lúa lạ") ở Long An cũng khép lại bằng việc tiêu hủy toàn bộ ruộng lúa theo cách của nhà quản lý. Có lẽ rồi đây, lịch sử nền nông nghiệp VN sẽ còn nhắc lại "vụ lúa lạ" này. Sau đây, NNVN xin ghi nhận một số ý kiến nhà quản lý và nhà khoa học...


Lịch sử nền nông nghiệp VN sẽ nhắc lại việc tiêu hủy lúa này như một bài học

Ông Lê Hưng Quốc - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam: 
HẠT THÓC KHÔNG CÓ TỘI!

 

TS Lê Hưng Quốc
Lúa lai đã vào 7 vùng kinh tế của VN, kể cả đồng bằng sông Cửu Long mà cụ thể là ở đó giống B-TE1 trồng khá phổ biến trên đất lúa - tôm. Việt Nam đang phải tranh thủ dòng bố, mẹ cũng như công nghệ lúa lai từ Trung Quốc - nước dẫn đầu thế giới. Vậy thì tội vạ gì? Tại sao lại cự tuyệt tiến bộ khoa học của nhân loại? Cái đó không đúng với chủ trương phát triển khoa học của Đảng, nhà nước.

 

Hạt giống F1 chỉ có giá trị ở một vụ nên theo tôi việc tiêu hủy là không nên. Chuyện tiêu hủy lúa từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ. Có lẽ bởi nhận thức di truyền chưa ổn nên họ sợ và sợ thì mới phải hủy. Đối với cây lúa hiện tượng thụ phấn chéo rất ít vì nó tự thụ nên không sợ ảnh hưởng sang ruộng bên cạnh. Bà con ta ngàn đời nay cấy lúa nếp cạnh lúa tẻ mà có bị nếp hóa hay tẻ hóa đâu? Cây lúa cũng rất “bảo thủ” về di truyền, thường bị thoái hóa do lẫn tạp cơ giới (như lẫn trong khâu thu hoạch, đóng bao, phơi phóng) chứ ít khi thoái hóa qua giao phấn. Bản thân hạt thóc không có tội! Nếu quả thật ở điểm sản xuất “lúa lạ” tại Long An có nguồn gen bố mẹ tốt ta nên trân trọng. Hồi tôi còn làm Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm, khoảng năm 2000, tôi có hỏi mua bản quyền giống từ phía Trung Quốc và được họ báo giá rằng mua một giống lúa lai mất 5 tỉ, mua một giống lúa thuần mất 2 tỉ. Giờ có lẽ giá phải gấp đôi. Giống bố mẹ rất có giá trị nên tiêu hủy vừa lãng phí về nguồn gen vừa lãng phí về kinh tế.

TS Hà Quang Dũng, GĐ Trung tâm Khảo Kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia: 
NẾU GIỐNG NGHIÊN CỨU MÀ ĐEM TIÊU HỦY LÀ SAI LẦM

Tôi cho rằng, với diện tích sản xuất thử nghiệm trên 1ha giống lúa lai, trong đó cơ bản là nhân dòng bố mẹ cùng một ít sản xuất lúa lai F1 thì phải nhìn nhận dưới góc độ nghiên cứu giống. Nghiên cứu giống, điều 14, Pháp lệnh giống cây trồng quy định rõ: Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài được nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng mới trên lãnh thổ Việt Nam. Nghĩa là mọi tổ chức hay cá nhân đều có quyền nghiên cứu giống cây trồng chứ chẳng riêng gì là lúa thường hay lúa lai gì cả và thực tế đến ông nông dân người ta nghiên cứu giống cũng là chuyện thường, được Nhà nước khuyến khích. Người ta chỉ xử phạt khi sai phạm (nếu có) trong sản xuất giống với mục đích thương mại (phạt tiền 5-10 triệu đồng đối với hành vi sản xuất giống cây trồng không có trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh hoặc giống cây trồng chưa được Bộ NN-PTNT công nhận chính thức).

Như đã nói, nếu là giống nghiên cứu sản xuất thử nghiệm là hết sức bình thường cũng như chẳng có quy định nào nghiên cứu giống lại bị tịch thu tiêu hủy. Riêng việc cá nhân sản xuất khai báo đấy là giống Nhị ưu 838 nhưng kiểm tra thấy không giống với Nhị ưu 838 cũng là việc tế nhị, vì nó liên quan đến bản quyền lâu dài của người nghiên cứu. Với nghiên cứu sản xuất giống lúa lai, phải khẳng định gần như không ảnh hưởng đến lúa thường sản xuất xung quanh, theo đó tại sao cứ phải nhăm nhăm tịch thu hay phá hủy toàn bộ ruộng nghiên cứu? Giả định nhà quản lý không yên tâm chăng nữa cũng chỉ nên chỉ định cho một đơn vị nghiên cứu có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu sâu thêm để đem lợi cho sản xuất.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Viện Sinh học Nông nghiệp – ĐHNN Hà Nội:
CHỈ MUỐN MÓT ĐƯỢC NHỮNG GÌ CÒN SÓT TRÊN ĐỒNG "LÚA LẠ"!

 

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm
Hôm trước xem trên ti vi thấy cảnh người ta dùng máy gặt đập cắt ngang, phá hủy hết toàn bộ ruộng giống lúa lai trong Long An mà người ta gọi “lúa lạ” khiến tôi bàng hoàng, không thể hiểu nổi! Ở đây tôi chỉ nói đến góc độ khoa học, thì đấy là một hình ảnh cực kỳ phản cảm. Nói thẳng, tôi cũng như nhiều người nghiên cứu giống lúa lai khác, thì nguồn vật liệu vô cùng quan trọng, thường vẫn phải du nhập bên ngoài chứ chẳng mấy ai tạo ra được đâu, rồi mình cải biến nó đi, thích ứng với điều kiện Việt Nam. Tôi thấy giống lúa lai người ta làm ở Long An chính là vật liệu (gen) quý, sao lại bị đem đi tiêu hủy như vậy!

Khi bùng lên dư luận không hay về cái gọi là “lúa lạ” ở Long An, tôi nói ngay với 1 ông Cục phó ở Cục Trồng trọt rằng với trách nhiệm làm quản lý thì cần phải lên tiếng. Suy nghĩ của tôi, dư luận đã thế rồi, Cục Trồng trọt với trách nhiệm quản lý nên giao cho cơ quan nghiên cứu, có thể là Trung tâm nghiên cứu lúa lai của Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm hay chỗ chúng tôi (Viện Sinh học NN) để duy trì dòng vì như đã nói đây là nguồn gen quý chẳng dễ gì có được.

Giờ thì quá muộn. Tiếc quá, không biết trên đồng còn lại gì không hay chỉ trơ gốc rạ. Mong muốn với tôi lúc này là vào Long An, mót được những gì còn sót trên đồng “lúa lạ”!

Theo nongnghiep.vn